Đường dẫn truy cập

Ký Giả Không Biên Giới và 3 người vừa được Việt Nam giảm án


Tòa án Việt Nam hôm thứ Sáu đã giảm án cho ba nhân vật bất đồng chính kiến bị cầm tù về tội phát tán tài liệu tuyên truyền chống nhà nước. Bác sĩ Lê Nguyên Sang được giảm án từ 5 năm xuống còn 4 năm, luật sư Nguyễn Bắc Truyển từ 4 năm xuống còn 3 năm rưỡi và nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo từ 3 năm xuống còn và 2 năm rưỡi. Dịp này, Ban Việt Ngữ đã gọi sang Paris để trao trao đổi với ông Vincent Brossel, chuyên viên đặc trách châu Á Thái Bình Dương của Ký Giả Không Biên Giới, một trong những tổ chức bênh vực những người làm báo trên khắp thế giới.

Thưa ông, Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới nghĩ gì về chuyện 3 người này được giảm án tù?

Dĩ nhiên, sự kiện bác sĩ Lê Nguyên Sang và 2 bạn đồng nghiệp của ông được giảm hình phạt sau phiên xử phúc thẩm là một tin vui chẳng những cho họ mà còn cho chúng tôi, vì chúng tôi cảm thấy ngành công lý Việt Nam có vẻ không thoải mái với mức án trước đây. Và họ thấy cần phải giảm án trước sức ép của cộng đồng quốc tế và ngay cả bên trong nước. Chúng tôi nghĩ bây giờ họ đã cảm thấy mức án đó quá khắt khe, họ cảm thấy phải đi theo xu hướng mới, có nghĩa là phải giảm án cho 3 người này. Dĩ nhiên là mong ước lý tưởng của chúng tôi là 3 người này chẳng những phải được giảm án mà còn phải được trả tự do. Dù sao thì trong khi chờ đợi, với việc giảm án này, chúng tôi đã thấy có đôi chút cải tiến trong ngành công lý Việt Nam. Và mong ước của chúng tôi là chẳng những 3 người này mà còn những nhà báo khác đang bị giam cầm cũng cần phải được trả tự do. Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu.

Ông vừa nói đến các nhà báo khác đang bị giam cầm. Như vậy, ngoài 3 ông Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển và Huỳnh Nguyên Đạo, tổ chức của ông ghi nhận còn bao nhiêu nhà báo Việt Nam vẫn còn bị giam cầm?

Theo thông tin mà chúng tôi có được thì có ít nhất là 10 nhà báo hoặc nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng vẫn còn bị giam cầm. Đa số những người này là những người đã can dự vào phong trào đòi dân chủ; họ đã bị bắt vì viết những bài trên Internet hoặc trên những tờ báo chui. Chủ yếu họ chỉ bày tỏ ý kiến và hô hào bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Không có lý do gì mà những hoạt động như thế lại bị cầm tù và trừng phạt, và chúng tôi biết có nhiều người đã lãnh những bản án dài ngày.

Chắc ông cũng biết, chính quyền Việt Nam vẫn nói rằng những người này không phải là nhà báo, họ chỉ là người bình thường, viết vài ý kiến rồi đưa lên Internet, và đơn giản họ không được cấp giấy phép hành nghề, không phải là thành viên của Hội Nhà Báo Việt Nam; và sở dĩ họ bị tù là vì họ vi phạm luật pháp Việt Nam. Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới nghĩ sao về cách lý giải này?

Tôi không tin những người này phạm tội hình sự và tôi cũng không tin họ đã tham gia các hoạt động nguy hiểm. Họ phải phổ biến online hoặc phổ biến chui vì họ không có cơ hội nào khác để được phổ biến trên báo chí chính thức của nhà nước. Như chúng ta đã biết, tất cả báo chí Việt Nam phải có một cơ quan nào đó làm chủ quản; những người làm báo độc lập, những người muốn trình bay tư tưởng độc lập của mình, không có cách nào khác hơn để nói lên quan điểm của mình. Vì vậy họ phải lên mạng, hoặc dựa vào các ấn phẩm bị nhà nước xem là bất hợp pháp. Dứt khoát họ là các nhà báo, là những người cổ vũ cho tự do báo chí, là những người bảo vệ nhân quyền. Họ đã hành động vì họ cảm thấy Việt Nam xứng đáng có thêm tự do. Có thể họ không có thẻ nhà báo, nhưng các điều họ làm là những điều thông thường của một nhà báo.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG