Đường dẫn truy cập

Nghề đánh bắt cua của người Việt tại Canada


Một thành phố nhỏ và xa xôi của Canada đã trở thành nơi an cư lạc nghiệp của khoảng 500 người Việt tỵ nạn, trong số này có nhiều người sống bằng nghề đánh bắt cua. Mời quý vị theo dõi câu chuyện của cặp vợ chồng ngư phủ Việt Nam tại thành phố này.

Prince Rupert là thành phố cảng rất nhỏ, nằm ở một mỏm phía Bắc của British Columbia, tỉnh bang ở bờ biển miền Tây của Canada. Từ Vancouver, thủ phủ của British Columbia, muốn đến Prince Rupert phải mất 2 tiếng nếu đi bằng máy bay hoặc 14 tiếng nếu lái xe.

Dân số của Prince Rupert vào khoảng 10 ngàn và người Việt tại đây có khoảng 500 người, chủ yếu sống về nghề đi biển.

Một trong những gia đình người Việt sống bằng nghề đánh bắt cua tại Prince Rupert là gia đình anh Nguyễn Văn Đức, 49 tuổi.

Anh Đức vượt biên đến Canada năm 1979, khi đó anh đang làm thợ cưa cho một trại cưa trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhờ biết về cưa, cho nên khi đến Canada anh xin được một chân thợ cưa.

Hiện nay anh Đức làm chủ một chiếc tàu bắt cua dài 14 mét ngang 5 mét, trị giá gần 900 ngàn đôla. Trên tàu có anh là thuyền trưởng kiêm lái tàu; và 4 công nhân, gồm 2 người Việt và 2 người Canada. Họ sử dụng 680 cái rập để bắt cua. Khi ra đến vùng có cua, họ thả từng cái rập xuống biển, mỗi cái rập có dây, có mồi, có phao, và có 4 miệng hom. Cua thấy mồi chui vào các miệng hom để ăn và không thoát ra được. Sau khi đi hết một vòng, chiếc tàu trở lui và kéo từng cái rập lên.

Một đôla Canada bây giờ gần bằng một đôla Mỹ. Như vậy, vào mùa cao điểm từ tháng 6 đến tháng 11, mỗi tuần chiếc tàu của anh Đức đi hai chuyến, mỗi chuyến có thu nhập gần 40 ngàn đôla Mỹ.

Cơ quan quản lý thủy sản của tỉnh bang British Columbia có chính sách rõ ràng để bảo vệ cua và bảo vệ sự công bằng cho những người đánh bắt cua.

Mỗi năm cơ quan này chỉ cho đánh bắt cua trong 10 tháng, còn lại 2 tháng thì để thời giờ cho cua có dịp lột và sinh đẻ.

Còn về sự công bằng thì mỗi năm quy định chỉ có 35 ngàn cái rập được hoạt động trong vùng biển địa phương mà thôi. Số lượng rập này được chia cho các tàu bắt cua, nếu là tàu lớn thì có quyền sử dụng nhiều cái rập, tàu nhỏ thì sử dụng ít rập. Điều này cũng có nghĩa là nếu số lượng tàu của năm nay nhiều hơn năm ngoái, thì những tàu lớn phải bớt số rập của mình đi, để tàu nhỏ cũng có thể chen chân vào mà sống.

Lấy ví dụ như năm ngoái, số tàu đăng ký bắt cua là 40 chiếc; năm nay có 51 chiếc đăng ký, tức là có thêm 11 chiếc, thì tất cả số tàu cũ phải bớt số rập của mình đi. Năm ngoái, tàu của anh Đức được phép sử dụng 800 cái rập; năm nay chỉ còn được sử dụng 680 cái mà thôi.

Hiện nay cuộc sống gia đình anh Đức coi như ổn định, 4 đứa con đã khôn lớn và đi học đại học ở các thành phố lớn. Ở nhà bây giờ chỉ còn 2 vợ chồng nên chị Chu Thị Hiếu, vợ anh Đức cũng đi lựa cua vào mùa cao điểm, để gọi là cho có việc để làm qua giờ. Vì thành phố Prince Rupert có ít người Việt nên thức ăn Việt Nam có vẻ hiếm.

Cộng đồng người Việt tại đây tuy không có nhiều món ăn Việt Nam, không có nhiều mục vui chơi giải trí, nhưng thỉnh thoảng cũng mời các nghệ sĩ từ Cali sang.

Mới đây, chính quyền thành phố Prince Rupert đã quyết định lập một cảng container để làm chỗ bốc dỡ hàng hóa cho những chiếc tàu hàng đến từ Trung Quốc, Đài Loan và các nước Châu Á khác. Vì thế có nhiều người đã di chuyển về đây, thành phố bắt đầu nhộn nhịp hơn, và giá nhà cửa cũng tăng từ 30 đến 40%. Căn nhà của vợ chồng anh Đức theo lời giá bây giờ là nửa triệu đôla.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ cuộc phỏng vấn:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG