Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ-Ấn Ðộ tiếp tục cuộc đàm phán hạt nhân tại Washington


Cuộc đàm phán cấp cao giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ - vốn dự trù diễn ra trong hai ngày, hôm nay sẽ được tiến hành sang tới ngày thứ 3 tại Washington để tìm cách khắc phục những trở ngại cho việc phê chuẩn hiệp định hợp tác hạt nhân. Từ New Dehli, thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật rằng các giới chức Ấn Độ hy vọng rằng những nỗ lực giờ chót này sẽ mang lại thông qua.

Các giới chức ở New Dehli đã bày tỏ sự lạc quan dè dặt đối với triển vọng là những cuộc thảo luận nước rút ở Washington sẽ giúp đôi bên đúc kết một hiệp định có tính chất dấu mốc về hợp tác hạt nhân dân sự.

Cuộc đàm phán được tiến hành bởi Thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ, ông Shiv Shankar Menon, và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề chính trị, ông Nicolas Burns. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice và Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, ông M.K. Narayanan đang túc trực để giúp phá vỡ bế tắc. Bà Rice đã hủy bỏ hàng loạt những chuyến công du nước ngoài để lưu lại thủ đô Washington trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán.

Hai năm trước, thỏa thuận gây nhiều tranh cãi này đã được Tổng thống George W Bush của Mỹ và Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Độ chấp thuận trên nguyên tắc. Thỏa thuận này qui định rằng Ấn Độ phải tách rời các cơ sở hạt nhân quân sự và dân dụng để đổi lấy quyền tiếp cận công nghệ và vật liệu hạt nhân của Mỹ.

Thỏa thuận này gặp phải một số trở ngại, trong đó có vấn đề là luật pháp Hoa Kỳ cấm chỉ việc chuyển giao công nghệ và vật liệu hạt nhân cho Ấn Độ và bất cứ nước nào chưa ký kết Hiệp ước Cấm Phổ biến vũ khí hạt nhân. Trở ngại vừa kể đã được loại bỏ hồi năm ngoái, sau khi quốc hội Mỹ thông qua một dự luật, trong đó đề ra một số điều kiện mà Ấn Độ cần thỏa mãn để được miễn áp dụng lệnh cấm. Tuy nhiên, các điều kiện đó lại đặt ra những trở ngại mới.

Ấn Độ phản đối việc Hoa Kỳ đòi họ không được thực hiện thêm những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và đặt ra những hạn chế đối với các chương trình tái chế biến nhiên liệu hạt nhân của Ấn Độ.

Ông Stephen Cohen, một nhà phân tích chính trị thuộc viện Brookings ở Washington, nói rằng: một số chính khách có uy tín của Ấn Độ cho rằng những điều kiện mà Hoa Kỳ đặt ra là vi phạm chủ quyền của Ấn Độ:

Ông Stephen nói: "Theo tôi thì cả đôi bên đều có những vấn đề khó khăn về chính trị. Về phía Ấn Độ, họ có một nhóm các nhà khoa học đã về hưu hoặc đang tích cực để cổ xướng cho việc tăng cường khả năng hạt nhân. Những người này muốn ngăn chận thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ và ý kiến của họ lại được khuyếch đại bởi giới truyền thông Ấn Độ."

Thủ tướng Manmohan Singh cho biết cuộc đàm phán với Hoa Kỳ đã tiến vào giai đoạn chót. Tuy nhiên, khi được báo chí hỏi rằng ông có tin là đôi bên sẽ đúc kết một thỏa thuận trong tuần này hay không, thì ông đáp là ông không thể trả lời câu hỏi đó.

Trong khi đó, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sean McCormack cho biết Washington vẫn muốn đúc kết hiệp định này.

Ông McCormack nói: "Chúng tôi biết chắc là chính phủ Ấn Độ muốn đạt được một thỏa thuận. Vấn đề hiện nay chỉ là vấn đề thời điểm. Và chúng tôi nghĩ rằng bây giờ là thời điểm tốt nhất để đạt tới một thỏa thuận."

Trong trường hợp các nhà thương thuyết phá vỡ được tình trạng bế tắc hiện nay, hiệp định hạt nhân này còn cần có sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ và quốc hội Ấn Độ. Chính phủ ở New Dehli cũng còn cần có sự phê chuẩn của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG