Đường dẫn truy cập

Quan Hệ Đối Ngoại Việt Nam – Yếu Tố Trung Quốc


Sau chuyến công du chính thức của Thủ Tướng Việt Nam sang thăm Ấn Độ, giới phân tích chính trị nhận định rằng tại thời điểm này, các quyền lợi chiến lược của Ấn Độ và Việt Nam dường như có xu hướng tựu về một điểm, và đây là cơ sở để xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước. Trong một cuộc phỏng vấn dành Hoài Hương của Ban Việt Ngữ –VOA, Giáo Sư Frederick Z. Brown, Giám Đốc chương trình nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Đại Học John Hopkins ở thủ đô Washington, nhận định về quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam, hai nước đều là láng giềng của Trung Quốc, nước có đà tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Châu Á và trên nhiều phương diện, là đối thủ của Ấn Độ.

Giáo sư Frederick Brown cho rằng chuyến công du Ấn Độ của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, phù hợp với chiến lược mới về chính sách đối ngoại mà Hà Nội đã đeo đuổi trong nhiều năm qua:

Giáo Sư Brown nói: "Chuyến công du này là một phần nằm trong chính sách đối ngoại đa phương hướng của Việt Nam, một chính sách mà Hà Nội đã áp dụng trong nhiều năm rồi. Nói rõ hơn, chính sách đa phương có mục đích đa dạng hóa các quan hệ của Việt Nam, Việt Nam giờ đây giao hảo với các nước mà có lẽ trước đây Hà Nội không có quan hệ mật thiết lắm. Thế cho nên theo tôi, đây là việc tiếp tục một chiến lược hầu như đã trở thành thường nhật của Việt Nam khi nói đến chính sách đối ngoại."

Với những thành quả kinh tế đạt được, Hà Nội đã có những bước hành động quan trọng, mở ra một thời đại mới trong các quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Trong một buổi hội thảo tại thủ đô Washington cách đây hai năm, ông Đặng Đình Quý, Chủ Nhiệm Ban Chính Trị tại đại sứ quán Việt Nam ở Hoa Kỳ, đã đề cập đến chính sách đối ngoại của Hà Nội, và gắn liền chính sách ngoại giao với mục tiêu dài hạn mà Việt Nam nhắm đạt tới trước năm 2020.

Đại ý ông Đặng Đình Quý nói: có thể tin rằng nỗ lực đa dạng hóa, làm phong phú và hướng đến nhiều quốc gia sẽ tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ông Đặng Đình Quý cho rằng chính sách ngoại giao phải phục vụ mục tiêu chiến lược hàng đầu của Việt Nam.

Ông Quý nói chính sách đối ngoại Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn, cả về mặt hình thức lẫn phương hướng, như thế nào để chính sách đối ngoại phục vụ tốt hơn mục tiêu lâu dài, là biến Việt Nam thành một quốc gia công nghiệp hóa trước năm 2020.

Thế yếu tố nguyên thủy nào đã thúc đẩy Hà Nội đẩy mạnh chính sách đối ngoại rộng mở, gọi là “kết thân với tất cả mọi nước” đã được áp dụng trong nhiều năm qua, và tiếp tục được thể hiện qua các hoạt động ngoại giao và những chuyến công du chính thức mới đây, Giáo sư Brown nói muốn trả lời rốt ráo câu hỏi này, phải trở lại với thời kỳ Liên Bang Xô Viết tan rã.

Giáo Sư Brown nói: "Việt Nam phải đương đầu với một số đòi hỏi chiến lược, nói rõ hơn Việt Nam không còn dựa vào Liên Bang Xô-Viết được nữa. Vì lý do đó, Việt Nam không có lựa chọn nào khác hơn là đeo đuổi một chính sách ngoại giao đa phương, kết bạn với tất cả mọi người, để thế chỗ cho sự hậu thuẫn mà Việt Nam từng nhận được từ Liên Bang Xô-Viết. Sở dĩ Việt Nam làm như thế là vì quyền lợi quốc gia. Theo thiển ý, hành động này vô cùng hợp lý trong thời đại mới hiện nay. Việt Nam đã không từ bỏ quan hệ với Trung Quốc, tức là đối với Việt Nam, quan hệ với Trung Quốc vẫn là quan hệ hàng đầu. Điều đó không thành vấn đề, Việt Nam còn có nhiều quan hệ khác nữa. Rõ ràng Việt Nam nhắm mục tiêu chiến lược toàn cầu, và theo tôi đây là một quyết định khôn ngoan."

Giáo Sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia, tin rằng còn một nguyên do khác đã thuyết phục Việt Nam phải chuyển hướng và thực thi chính sách đối ngoại rộng mở:

Giáo Sư Thayer nói: "Tình báo Australia ước lượng Việt Nam chi ra ít nhất 1 tỉ đôla mỹ mỗi năm để mua vũ khí, các vũ khí này đến từ nước Nga, Nga đã làm khó và rút lại một số công nghệ đối với Việt Nam, thế cho nên Hà Nội phải quay sang Ấn Độ hoặc Ukraina, để thủ đắc những gì mà người Nga không chịu chuyển giao cho Việt Nam."

Riêng đối với Ấn Độ, mặc dù quyền lợi chiến lược của hai nước có thể đồng quy về một điểm, người ta không khỏi thắc mắc liệu có cơ sở vững chắc cho quan hệ giữa hai nước này, một bên là Việt Nam, một trong những thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản còn sót lại trên thế giới, và Ấn Độ, nước dân chủ đông dân nhất thế giới?

Giáo Sư Brown nói: "Cả hai nước giờ đây đều đang đeo đuổi một nền kinh tế thị trường. Ấn Độ đã chuyển biến một cách thận trọng từ một nền kinh tế chỉ huy trong mấy thập niên gần đây, sang một nền kinh tế năng động dựa trên thị trường tự do. Việt Nam đang đi theo con đường đó."

Giáo sư Brown nói một điểm tương đồng khác là về mặt địa lý, Ấn Độ và Việt Nam đều nằm ở phía Nam Trung Quốc, và đó là một điểm chiến lược chung. Được hỏi về “yếu tố Trung Quốc” trong quyết định của Hà Nội xích gần Ấn Độ hơn so với trước đây, Giáo Sư Brown cảnh giác chớ nên đồ đoán về cái gọi là yếu tố Trung Quốc trong quan hệ New Dehli -Hà Nội. Ông nhận định:

Giáo Sư Brown nói: "Cả hai nước, không nước nào sẽ rơi vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc, không nước nào cả. Đồng ý cả hai nước đều có một số khác biệt quan điểm với Trung Quốc, nhưng dẫn sự kiện này đi xa hơn nữa thì không, tôi không tin chúng ta nên đồ đoán về điểm này."

Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc vẫn là những đồng minh về mặt ý thức hệ trong một thế giới không còn bao nhiêu nước Cộng Sản, Giáo Sư Brown nhấn mạnh không nên đặt quá nặng quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với Việt Nam:

Giáo Sư Brown nói: "Ta sẽ sai lầm nếu đặt quá nặng tầm quan trọng về chiến lược của các mối quan hệ như thế. Việt Nam dĩ nhiên cũng đang bước vào một quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ... Thế cho nên chúng ta nên trông đợi các bước hành động ấy trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời đại hậu Chiến Tranh Lạnh này."

Đánh giá các nỗ lực ngoại giao của Hà Nội và vị thế của Việt Nam hiện nay trên sân khấu quốc tế, Giáo Sư Frederick Brown nói:

"Tôi tin rằng Việt Nam đã củng cố quan hệ của mình, chắc chắn là với Hoa Kỳ, tuy nhiên tôi xin được nói thêm là hình như Việt Nam, theo tôi, đã hành động không mấy khôn khéo khi xúc tiến một cuộc đàn áp hết sức nhanh chóng các thành phần bất đồng chính kiến ở trong nước."

Giáo Sư Brown nói: "Hành động này không được hoan nghênh tại Quốc Hội Hoa Kỳ hay trong chính quyền Hoa Kỳ. Tôi tin rằng hành động ấy cũng không được đón nhận mấy tích cực tại một số quốc gia Châu Âu. Tóm lại, Việt Nam, nói chung đã đạt được những thành quả tốt liên quan đến chính sách đối ngoại có tính chiến lược toàn cầu, thế nhưng Việt Nam nên nhận thức rằng Hà Nội đã trở thành một cái đích bị một số nước, kể cả Hoa Kỳ, đả kích nặng nề liên quan tới cách cư xử của họ đối với một thành phần trong dân chúng Việt Nam."

Vừa rồi là một số nhận định của Giáo Sư Frederick Z. Brown, Giám Đốc chương trình nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Đại Học John Hopkins ở thủ đô Washington, trong cuộc phỏng vấn dành cho Hoài Hương của Ban Việt Ngữ VOA về chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG