Đường dẫn truy cập

Các công ty Mỹ suy nghĩ lại về việc thuê mướn chuyên gia Ấn Ðộ


Từ nhiều năm qua, thành phố San José của California đã đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ, bằng cách gia công cho các công ty Ấn Độ. Nhưng bây giờ thì nhiều công ty của Mỹ bắt đầu suy nghĩ lại.

Lấy trường hợp của công ty Riya do ông Munjal Shah làm Giám Đốc. Vào năm 2005, ông Shah mở văn phòng tại Bangalore, thủ đô công nghệ của Ấn, thuê mướn khoảng 20 lập trình viên có tay nghề cao.

Lý do ông Shah chọn Ấn Độ vì lương trả cho các lập trình viên này thấp, chỉ bằng một phần tư lương trả cho các kỹ sư tại San José. Nhưng bây giờ thì ông Shah nói ông đã đóng cửa văn phòng ở Ấn Độ, vì các chuyên gia người Ấn bắt đầu đòi lương cao, không thua gì bên Mỹ. Nhiều công ty giống như công ty của ông Shah cũng có ý định như ông, hoặc chuyển sang làm ăn tại các nước châu Á khác, như Việt Nam.

Ông Shah cho biết, năm ngoái ông trả lương cho nhân viên Ấn Độ bằng phân nửa lương trả cho nhân viên tại San José. Vào đầu năm nay, mức lương này lên đến mức 75%. Ông cho biết, nếu tính theo giờ giấc khác biệt, ở San Jose thì ban ngày, ở Bangalore thì ban đêm, và ngược lại, thì tính ra chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Tháng tư vừa qua, ông đã đóng cửa văn phòng ở Bangalore và đề nghị với phân nửa con số kỹ sư Ấn Độ tại đó nếu chịu qua Mỹ làm việc thì ông sẽ lo thủ thục giấy tờ visa lao động cho họ.

Chẳng riêng gì công ty của ông Shah, mà còn nhiều công ty khác ở khu vực San Jose, nhất là những công ty mới thành lập, hoặc những công ty loại nhỏ; đều hoặc là đóng cửa văn hòng ở Ấn Độ , hoặc là dời sang nước khác.

Công ty Kana đã sa thải 100 kỹ sư phần mềm ở Ấn Độ và trở lại thuê mớn công dân Mỹ. Công ty Teneros đóng cửa cơ sở ở Ấn Độ có 30 kỹ sư và thu xếp để đưa 12 người về San Jose. Một số công ty mới thành lập đã chuyển sang những nước có mức lương thấp, như Rumani hoặc Ba Lan.

Một số công ty lớn đang suy nghĩ lại có nên tiếp tục đưa công ăn việc làm sang Ấn Độ hay không. Công ty Apple đã hủy bỏ kế hoạch xây một trung tâm phục vụ khách hàng tại Ấn Độ, Người phát ngôn của công ty này không cho biết lý do tại sao.

Công ty Intel xúc tiến tuyển dụng nhân viên tại Việt Nam, nơi có mức lương thấp hơn Ấn Độ. Intel cũng hủy bỏ thuê mướn thêm người tại Ấn Độ, nơi mà họ đã có 2.400 nhân viên.

Câu chuyện về gia công phần mềm tại Ấn Độ là một bất ngờ về hiện tượng toàn cầu hóa. Vào năm 2000, khi các công ty Mỹ đổ xô vào Ấn Độ vì mức lương lao động thấp, nhiều nhà phân tích e ngại Ấn Độ sẽ cướp hết công ăn việc làm của người Mỹ trong ngành công nghệ cao. Lúc bấy giờ, khu vực công nghệ cao ở thành phố San José bị ảnh hưởng nặng, vì Ấn Độ mỗi năm sản xuất gần nửa triệu kỹ sư. Nhưng bây giờ thì các kỹ sư Ấn Độ có tay nghề khá đang đòi mức lương cao, thành ra các công ty Mỹ suy nghĩ lại.

Giờ giấc sai biệt giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ cũng tạo ra vấn đề. Ông Shah, Giám Đốc công ty Riya ở San Jose nói rằng nhiều hôm ông phải thức đến 4 giờ sáng để theo dõi công việc tại Bangalore. Bên cạnh đó, các kỹ sư bên Ấn Độ cứ đòi tăng lương khoảng 30% một năm, làm cho ông nhiều lúc chóng mặt.

Nói chung, các công ty gia công phần mềm của Ấn Độ vẫn còn sống mạnh. Năm ngoái, các công ty này thu về khoảng 40 tỉ đôla. Hiện nay, Ấn Độ có một triệu 600 người sống trực tiếp về công nghệ thông tin, và khoảng 6 triệu người khác ăn theo.

Các công ty kỹ thuật cao có tầm cỡ của Hoa Kỳ vẫn thuê mướn chuyên gia Ấn Độ làm những công việc như viết hiệu lệnh cho các phần mềm. 2 công ty Infosys và Wipro tiếp tục thuyển thêm hàng vạn chuyên gia Ấn Độ mỗi năm. Còn các công ty có tên tuổi khác, như Cisco, Google và Adobe tiếp tục phát triển cơ sở và nhân lực tại Ấn Độ. Riêng công ty Cisco dự định xây một cơ sở rộng 93 ngàn mét vuông tại Bangalore, có thể dùng nơi làm việc cho khoảng 10 ngàn nhân viên.

Hy vọng ví dụ của Ấn Độ có thể làm kinh nghiệm cho ngành công nghệ cao tại Việt Nam.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG