Đường dẫn truy cập

Giá nhà đất tăng cao làm bùng ra những vụ chiếm đất trái phép ở Kampuchia


Giá nhà đất tăng mạnh ở Kampuchia đã làm bùng ra những vụ chiếm đất trái phép, khiến cho hàng vạn người phải lâm vào cảnh khốn cùng. Một bản báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc tố cáo rằng giới hữu trách Kampuchia đã để mặc cho một nhóm nhỏ những người có thế lực tha hồ chiếm dụng đất đai bất hợp pháp. Chính phủ ở Phnom Penh phủ nhận tố cáo vừa kể và nói rằng họ đang ra sức ngăn chận tệ nạn này. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Báo cáo của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền ở Kampuchia cho biết: nạn chiếm đoạt đất đai đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của những người nghèo. Theo báo cáo này, gần 15% đất đai ở Kampuchia hiện nay nằm trong tay của một nhóm rất nhỏ những người thuộc giới thượng lưu.

Các nhà quan sát cho rằng căn nguyên của vấn đề này là việc chính quyền Khmer Đỏ hủy bỏ quyền tư hữu đất đai trong những năm cuối của thập niên 1970. Sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979, nhiều người đã định cư trên những phần đất mà họ không có giấy tờ gì để chứng minh quyền sở hữu. Con số những vụ tranh chấp đã tăng mạnh vì đất đai ngày càng có giá. Những người tranh đấu cho nhân quyền và những nông dân nghèo nói rằng: các công ty kinh doanh địa ốc và những người có quyền thế đang xua đuổi dân nghèo ra khỏi những mảnh đất mà họ đã sinh sống trong mấy mươi năm nay.

Chính phủ thì cho rằng nhiều vụ tranh chấp nẩy sinh từ việc dân nghèo đã mang đất đem bán nhưng sau đó lại chiếm ngụ trái phép tài sản của nhà nước hoặc của tư nhân.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho thông tín viên Rory Byrne của đài VOA, ông Chum Bun Rong -- người đứng đầu cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai thuộc Tổng Nha Điền Địa Kampuchia, cho biết như sau:

"Những người đó đã mang đất đai đem bán vì thiếu tiền để tiêu xài, rồi sau đó họ lại trở thành những người chiếm ngụ trái phép. Họ cứ ở đại tại một nơi nào đó -- đôi khi họ ở trên đất công. Họ cứ xây nhà dọc theo lề đường hoặc ngay trên đường -- đôi khi là những con đường chính của thành phố, nhưng những đất đai đó là thuộc quyền sở hữu của nhà nước."

Ông Yeng Virek là giám đốc Trung tâm Giám đốc Pháp luật Cộng đồng ở Phnom Penh -- nơi cung cấp trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân của nạn chiếm đất. Ông cho biết rằng: vì những lợi ích của việc phát triển, chính phủ đã chà đạp lên quyền lợi chính đáng của dân nghèo.

Ông Virek nói: "Đôi khi chính quyền chỉ cần tuyên bố rằng khu vực đó là tài sản của nhà nước hoặc nói rằng họ cần khu vực đó để làm đẹp thành phố -- rồi họ dựa vào đó để xua đuổi dân chúng đi nơi khác."

Chính phủ Kampuchia đã thành lập một ủy ban để giải quyết những vụ tranh chấp đất đai, nhưng những người chỉ trích cho rằng cơ quan đó hoạt động rất quan liêu và tham ô lan tràn.

Ông Kek Galabru là người đứng đầu một tổ chức nhân quyền có tên là Licadho. Ông nói rằng sự phát triển bừa bãi không mang lại ích lợi gì cho đất nước:

"Tôi hiểu là chính phủ muốn phát triển đất nước này. Nhưng muốn phát triển đất nước, chúng ta phải làm với một cung cách mà mọi người đều vui -- không thể chỉ để cho người giàu vui thích trong lúc những người nghèo khổ, những người dễ bị tổn thương, cảm thấy bất mãn. Đó là cách phát triển mà nghĩ là rất nguy hiểm cho đất nước."

Thủ tướng Hun Sen nhiều lần lên tiếng cảnh cáo những kẻ chiếm đất, nhưng theo ông Kek Galabru, tình hình không cải thiện được bao nhiêu.

Ông Galabru nói: "Khi quí vị nghe những tuyên bố của chính phủ, đặc biệt là tuyên bố của Thủ tướng, quí vị sẽ cảm thấy là ông ấy hiểu được tầm quan trọng của vấn đề -- vì ông ấy lúc nào cũng cảnh cáo các vị Bộ trưởng rằng: 'nếu các anh không giải quyết được vấn đề này thì nó sẽ trở thành một vấn nạn rất lớn cho Kampuchia -- có thể mang lại bất ổn cho đất nước.' Nhưng tôi không hiểu tại sao nỗ lực của chính phủ không mang lại hiệu quả nào. Trở ngại nằm ở đâu? Ở cấp bậc nào? Vì chính phủ hoạt động thiếu minh bạch cho nên chúng tôi không biết được tại sao chính quyền trung ương không thể giải quyết vấn đề này."

Những người bị đuổi nhà thường phải đến ở trong các trại tạm trú -- nhiều nơi không có nước sạch, thiếu vệ sinh và không có cơ sở y tế. Ông Kek Galabru nói rằng: sau khi bị mất đất đai, nhiều người không đủ khả năng để nuôi sống gia đình:
//Galabru 3//
80% dân chúng Kampuchia sinh sống ở nông thôn. Họ cần có đất để canh tác. Vì vậy, nếu quí vị lấy đi đất đai của họ thì họ không có cách gì để mưu sinh. Lấy đất của họ chẳng khác nào tuyên án tử hình cho họ.

Andouang là một trại tái định cư nằm cách thủ đô Phnom Penh chừng 20 kilo mét. Đây là nơi sinh sống của khoảng 1,200 gia đình bị đuổi ra khỏi khu vực ven sông Sambok Chap ở Phnom Penh. Hầu hết dân chúng ở đây đang chờ để được phân phát đất đai mà chính phủ hứa hẹn hồi năm ngoái. Điều kiện sinh hoạt ở khu vực này rất tệ hại và những căn nhà mái lá hoặc vải bạt thường bị dột mỗi khi trời mưa. Một số cư dân bị thiếu dinh dưỡng và đau ốm. Một phụ nữ tên Sony đã sống ở trại này hơn một năm.

Bà cho biết như sau: "Điều kiện sinh sống thật là tệ hại. Tôi không có cách gì kiếm ra tiền để nuôi gia đình. Tôi có 4 đứa con. Chồng tôi thì bỏ đi mất tiêu rồi. Tài sản của tôi không có gì ngoài túp lều vải nhựa và tôi cũng không có thu nhập nào cả."

Vợ chồng con cái của ông Denty đã dọn tới Andouang cách nay một năm. Sau khi mất nhà, ông cũng đã bị thất nghiệp vì không đủ khả năng để trả tiền xe đến Phnom Penh làm việc.

Ông Denty nói: "Tình hình ở đây thật là tồi tệ. Mỗi lần về đây là tôi lại muốn bệnh. Vợ tôi cũng bị bệnh. Còn tôi thì không thể tiếp tục làm nghề thợ xây dựng. Khi tôi tới đây chúng tôi chỉ có một túp lều vải nhựa. Chúng tôi không được chăm sóc sức khỏe tử tế. Vợ tôi không còn sữa để cho con bú mà tôi thì không có tiền để mua sữa hộp."

Chính phủ Kampuchia nói rằng: họ đang làm tất cả những gì có thể làm được để giải quyết những vụ tranh chấp đất đai và giúp đỡ cho những người vong gia thất thổ. Tuy nhiên, các giới chức chính phủ cũng cho biết: là họ cần có sự trợ giúp của nước ngoài để thực hiện công tác cấp giấy sở hữu nhà đất và để thiết lập một hệ thống điện toán để lưu trữ hồ sơ.

Ông Kek Galabru nói rằng cần có ý chí chính trị vững mạnh mới có thể giải quyết nạn chiếm đoạt đất đai:

"Điều trước tiên cần phải có là ý chí chính trị mạnh mẽ từ tất cả các nhà lãnh đạo -- tất cả những người có quyền lực, để giải quyết vấn đề. Thứ nhì là chúng ta phải dành thêm quyền hạn cho những định chế hiện có. Và thực thi bộ luật về đất đai. Còn có một điều khác nữa -- đó là hệ thống tư pháp. Hệ thống này hiện nay thật là yếu kém, không có tính chất độc lập. Vì vậy cải cách tư pháp là một việc vô cùng quan trọng."

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố tại hộïi nghị các tổ chức và quốc gia cấp viện rằng: ông sẽ tiến hành các biện pháp để mang số đất đai bị chiếm hữu bất hợp pháp đem chia cho những người không có đất và giúp cho họ đăng ký quyền sở hữu nhà đất. Tuy nhiên, giá đất ở Kampuchia tiếp tục tăng mạnh vì nền kinh tế đang phát triển với tốc độ khoảng 10% một năm. Các chuyên gia cho rằng: nếu giới hữu trách không có những biện pháp cương quyết và hữu hiệu để ngăn chận thì nạn chiếm đất trái phép sẽ tiếp tục hoành hành và còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG