Đường dẫn truy cập

Cơ hội thành công tại Thung Lũng Silicon


Silicon Valley, một thành phố còn được người Việt tại Mỹ gọi là thung lũng Silicon, tọa lạc gần San Francisco, bang California, là nơi rất nhiều đại công ty công nghệ cao đặt bản doanh. Một số chuyên gia cho rằng sự thành công của thung lũng Silicon bắt nguồn từ nền văn hóa kinh doanh lớn và những yểm trợ khác thường dành cho doanh nghiệp và tính cách tân trong công nghệ. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi bài viết của Jela De Franceschi sau đây:

Về mặt kinh tế California là tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ. Năm 2001, đây là tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ có nền kinh tế đạt mức 1,000 tỉ đô la, và so với toàn thế giới, nền kinh tế của California lớn vào hàng thứ 8. Phần lớn sự giàu có và năng động của nền kinh tế này tập trung tại thành phố còn có tên gọi là Thung Lũng Silicon, nơi mà trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ Internet vào thập niên 1990, đã sản sinh ra hơn 29,000 công ty công nghệ cao.

Thung lũng Silicon đã chèo chống khá vững trong thời kỳ kinh tế Mỹ xuống dốc vào những năm giữa 2000 và 2003. Mặc dù nhiều công ty bắt đầu từ khoảng thời gian ấy đã đóng cửa nhưng các công ty khác như Yahoo, eBay, Google và Nestcape lại trở thành những công ty đồ sộ phục vụ cho hàng trăm triệu người mỗi ngày.

Nhiều chuyên gia nói rằng sự thành công của thung lũng Silicon khó có thể rập khuôn theo được, không những chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở những khu vực tiên tiến khác trên khắp thế giới.

Ông Paul Graham, một trong những người đồng phát triển ý tưởng kinh doanh điện tử tức là mở các cửa hàng trên Internet, hiện nay là một đối tác trong công ty Y Combinator, một công ty ở Thung Lũng Silicon, chuyên tài trợ cho các công ty công nghệ mới khởi sự làm ăn.

Theo ông thì một trung tâm công nghệ cao thành công phải bắt đầu với một đại học ưu tú có thể thu hút được những tài năng trẻ và một chính sách cởi mở để hấp dẫn được những nhà cách tân xuất sắc nhất của toàn thế giới.

Ông Graham nói: "Tính hấp dẫn không thôi chưa đủ, mà quí vị còn phải để cho những người xuất sắc được nhập cư vào quốc gia của quí vị nữa. Nếu quí vị thả bộ quanh thung lũng Silicon, quí vị sẽ chú ý ngay đến một điều, đó là tính đa dạng của thành phần cư dân. Hầu như người nào cũng nói tiếng Anh với dấu giọng của người nước ngoài. Hầu như ai cũng là một di dân thuộc thế hệ thứ nhất hoặc thứ nhì."

Theo một cuộc khảo cứu mới đây của đại học Duke, bang North Carolina, ít nhất hơn một nửa số công ty thành lập ở Thung Lũng Silicon trong một thập niên qua đều có 1 di dân trong thành phần lãnh đạo. Con số này gấp đôi số trung bình của các công ty công nghệ cao của toàn quốc.

Đồng sáng lập viên của đại công ty Yahoo, ông Jerry Yang, từ Đài Loan đến nước Mỹ vào lúc 10 tuổi rồi sau theo học tại đại học Stanford. Nơi đây ông và ông David Filo đã triển khai ý niệm về một mạng lưới tin học toàn cầu lớn nhất thế giới.

Bà Srinija Shrinivasan, một giới chức chấp hành hàng đầu của công ty Yahoo, đã cộng tác với công ty này ngay từ lúc ban đầu. Bà giải thích rằng việc kinh doanh mà hai ông Yang và Filo khởi sự năm 1994 là một phương cách đem lại trật tự cho màng lưới Internet đang bành trướng mau lẹ.

Bà Shrinivasan nói: "Tất cả bắt đầu chỉ với một sở thích cá nhân để duy trì một danh sách riêng những địa chỉ trên mạng mà sau này khách hàng muốn trở lại xem. Sau đó những người khác đã chú ý ngay tới danh sách hướng dẫn vừa phôi thai này và bắt đầu gửi e-mail đến để yêu cầu rằng: Ồ, tôi có một địa chỉ nữa, quí vị cho nó lên danh sách được không ? Và bỗng dưng những người thuộc công ty Yahoo vừa được thiết lập phải tối tăm mặt mũi, làm ngày, làm đêm, 7 ngày một tuần để thiết lập, thu thập, duy trì kho dữ liệu cho các địa chỉ trên mạng."

Yahoo phục vụ cho một nửa số người sử dụng Internet trên toàn thế giới. Công ty này hoạt động với hơn 20 ngôn ngữ. Công ty có văn phòng ở trên 20 quốc gia, thu dụng trên 12,000 nhân viên và trị giá công ty hiện nay lên đến hàng chục tỉ đô la.

Theo bà Srhinivasan thì cái hệ thống bàn giấy, những thủ tục hành chánh lôi thôi không hiện diện trong lề lối quản trị của công ty Yahoo hay ở các công ty khác tại Thung Lũng Silocon.

Bà Srhinivasan nói: "Đây không phải là một thứ văn hóa truyền lệnh từ trên xuống dưới. Lề lối đích thực của toàn thể các công ty tại Thung Lũng Silicon, và đặc biệt ở công ty Yahoo, là nuôi đưỡng một tinh thần cho nhân viên ở mọi cấp, bất kỳ ai cũng được quyền đem những ý kiến hay nhất của họ ra trình bày với ban quản trị, và mỗi người trong công ty đều là 1 phần của điều gì đó lớn lao hơn chính họ."

Nhiều chuyên gia, trong số này có cả ông Paul Graham, cho rằng sự hữu hiệu tại các công ty trong Thung Lũng Silicon xuất phát không những từ các kỹ sư và các quản lý doanh nghiệp có đầu óc hết sức phóng khoáng mà từ cả những nhà đầu tư.

Ông Graham nói: "Một lý do mà Thung Lũng Silicon vẫn là nơi tập trung của những công ty vừa khởi nghiệp tại Hoa Kỳ, và có lẽ của toàn thế giới nữa, vì nó từng là nơi xuất phát của những công ty như thế trong quá khứ. Những sáng lập viên của những công ty đó vẫn còn hiện diện ở thành phố này. Giờ đây họ rất giàu và lại đầu tư vào những công ty mới khởi nghiệp khác. Điều càng hay hơn nữa là một công ty vừa khởi nghiệp có được những nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn lại là những người từng trở nên giàu có nhờ những công ty do họ sáng lập, thay vì là những nhà đầu tư làm giàu nhờ điều hành một hệ thống cửa hàng bán giày dép, hay những người làm giàu nhờ buôn bán kinh doanh cổ phần hoặc có tiền của nhờ kinh doanh trong ngành truyền thông, giải trí chẳng hạn."

Luật sư Curtis Mo thuộc tổ hợp luật sư thương mại toàn cầu WilmerHale, nêu lên một điểm là các nhà tài trợ tại Thung Lũng Silicon rất bạo dạn trong việc đầu tư kinh doanh.

Ông Mo nói: "Thung Lũng Silicon là một nơi thật độc đáo. Nó qui tụ một số rất lớn những nhà tài trợ, những nhà tư bản táo bạo sẵn sàng chấp nhận rủi ro, các luật sư, các chuyên viên kế toán và các ngành nghề chuyên môn khác. Nó có một cá tính và một lề lối kinh doanh riêng biệt nào đó khó có thể thấy được ở những nơi khác. Và theo tôi, nếu người ta từng sống qua kinh nghiệm chấp nhận rủi ro thật cao thì mới thực sự hiểu được cái cá tính độc đáo của Thung Lũng Silicon. Không giống như nhiều nơi khác, những chỗ có thể quí vị bị ngân hàng hay các quĩ đầu tư từ chối không giao dịch nữa vì đã từng làm ăn thất bại; tại Thung Lũng Silicon, làm ăn thất bại một vài lần không nhất thiết là một điều dở."

Ông John Denniston, một đối tác cao cấp trong tổ hợp KPCB, một quĩ đầu tư lớn tại thung Lũng Silicon, cũng đồng ý.

Giống như ý kiến của luật sư Mo, ông Denniston nói rằng thành phố ở California này sẽ tiếp tục là một lực lượng dẫn đầu công cuộc cách tân của Hoa Kỳ.

Ông Denniston nói: "Một công ty như Google đã thật liều mạng khi tiến vào ngành công nghệ truy cập thông tin vào một lúc mà chưa ai biết rõ có thể nào có được một công nghệ truy cập hay không. Và đầu tư vào ngành này là chuyện làm ăn đầy tính may rủi, chỉ dựa trên những dự đoán mà thôi. Vì vậy quí vị có thể xét đến lịch sử của ngành đầu tư tại Thung Lũng Silicon và thấy rất nhiều công ty đã thành công trong những công cuộc kinh doanh với rủi ro thật cao. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy được những công ty có thể khai sáng những ngành công nghệ mới thay đổi được thế giới xuất phát từ Thung Lũng Silicon."

Và quả thực, nhiều chuyên gia đã nêu tên công ty Youtube, một công ty phát hình trên trang web được quần chúng hưởng ứng nồng nhiệt. Khởi đầu công ty này đã phải làm việc trong một nhà để xe ở tư gia vào năm 2005. 19 tháng sau, hãng này đã được công ty Google mua lại với giá 1 tỉ 600 triệu đô la.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG