Ngân hàng Thế giới đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Bộ năng lượng Việt Nam chỉ trích đề xuất về kế hoạch cổ phần hóa thị trường điện lực của Việt Nam.
Bản tin của DPA hôm thứ sáu cho biết bức thư này được gửi hôm 31 tháng 5 và đã được công bố cho báo chí, trong đó kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, ông Martin Rama đã chỉ trích cơ cấu của đề xuất do Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN - soạn thảo nhằm tạo một thị trường điện lực cạnh tranh vào năm 2009.
Đề án này đề xuất thành lập một “công ty mua duy nhất”, có lợi nhuận, của quốc gia với EVN và các công ty điện lực khác là các nhà đầu tư. Công ty mua duy nhất này sẽ mua điện của các nhà sản xuất và bán lại cho các nhà phân phối, những công ty phân phối này sẽ cung cấp điện cho người tiêu dùng.
Mục đích là để tăng cường hiệu quả của ngành năng lượng và thu hút các nhà đầu tư bên ngoài cho các nhà máy điện ở Việt nam, nơi hiện đang bị thiếu điện trầm trọng.
Trong bức thư, ông Rama ủng hộ khái niệm cổ phần hóa và tạo nên một công ty mua duy nhất, tuy nhiên ông nói rằng cơ cấu mà EVN đề xuất có thể khiến mục tiêu cổ phần hóa thất bại và khiến cho công ty được hưởng lợi không chính đáng và gây thiệt hại cho chính phủ và người tiêu dùng.
Ông Rama viết trong thư rằng việc EVN và các công ty điện lực khác đóng vai trò là các cổ đông của công ty mua duy nhất sẽ tạo nên một sự mâu thuẫn lợi ích. Công ty mua duy nhất sẽ đối xử ưu đãi với các cổ đông, không khuyến khích các công ty điện lực mới tham gia thị trường.
Ông Rama viết thêm rằng Ngân hàng thế giới tin rằng kết quả của việc mâu thuẫn lợi ích sẽ kéo theo chi phí cho người sử dụng trong khi không đạt được mức đầu tư cần thiết cho ngành này. Ông nói công ty mua duy nhất nên gắn kết với các công ty phân phối điện chứ không phải các công ty sản xuất điện.
Ông Rama cũng chỉ trích khái niệm “công ty mua duy nhất có lợi nhuận”. Ông nói rằng chưa có trường hợp nào trên thế giới như vậy và cảnh báo rằng một công ty như vậy sẽ chuyển chi phí sang người tiêu dùng chứ không phải là tìm cách hoạt động hiệu quả hơn, và tăng giá tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận.
Hiện EVN vẫn chưa phúc đáp lại yêu cầu đề nghị EVN phản hồi lại các ý kiến này của ông Rama.