Đường dẫn truy cập

Ảnh hưởng của bão Katrina đối với vấn đề sức khỏe của công chúng


Các nhà dự báo thời tiết của Hoa Kỳ cho hay năm nay Đại Tây Dương sẽ có một mùa bão dữ. Đây thật là một tin chẳng lành cho 153 triệu người Mỹ vẫn sinh sống trong khu vực vùng duyên hải nước này. Những cộng đồng duyên hải thường dễ bị ảnh hưởng tai hại của bão, và thành phố New Orleans, nơi đã bị một trong những trận bão khủng khiếp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tàn phá, vẫn còn những nguy cơ rất cao.

Một nhóm các nhà làm luật Mỹ đã họp với nhau để thảo luận về những vấn đề mà người dân ở khu vực này phải đương đầu gần 2 năm sau khi trận bão Katrina và Rita thổi qua vùng duyên hải vịnh Mexico. Lá thư Mỹ quốc tuần này mời quí thính giả theo dõi bài viết của Rosanne Skirble về ảnh hưởng của trận bão đối với vấn đề sức khỏe của cộng đồng dân cư dân trong vùng:

Dân biểu Bennie Thompson đã mời các chuyên gia y tế đến tường trình tại điện Capitol về tình hình sức khỏe của dân chúng trong vùng duyên hải vịnh Mexico.

Ông nói với các chuyên gia về những gì họ đã được biết. Đó là chuyện những người sống tạm trong những căn nhà tiền chế di động vẫn than phiền là họ bị ho, chảy máu mũi, chảy nước mắt và bị nhức đầu. Sau khi điều tra người ta đã tìm ra thủ phạm là chất formaldehyde,một hóa chất có thể gây ung thư trong ván ép lót sàn và tủ bếp của những căn nhà tiền chế di động này.

"Chúng tôi biết đây là một vấn đề. Có thể chúng tôi phải đưa vấn đề này vào trong kế hoạch để chúng tôi tránh không phạm lỗi lầm nữa."

Đó là lời ông Tom Sinks, làm việc cho Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh của Hoa Kỳ tại Atlanmta, bang Georgia. Ông cho biết Trung Tâm này đã đề nghị về cách làm sao để những căn nhà tiền chế di động mà chính phủ cung cấp làm nơi tạm trú cho 865 ngàn người được thoáng khí. Ông cho biết để cửa sổ mở cho thoáng hơi thì những căn nhà tiền chế này sẽ không gây tai hại gì cho sứ khỏe.

Chuyên gia Louis Hall thì thảo luận về các mẫu đất thu thập được. Giáo sư chuyên về y tế môi trường tại đại học Mississippi Valley đã nghiên cứu về những mầu trầm tích của nước lụt.

"Tôi lấy mẫu đật trầm tích từ hồ bơi của một nhà thờ Báp tít vì nhà thờ này đã bị ngập trong nước lụt trước đây, tôi cũng lấy mẫu đất từ một nghĩa địa. Tại sao lại ở nghĩa địa nhỉ ? Vì sau khi nước lụt rút đi, nó để lại một lớp trầm tích đọng lại trên các tấm bia mộ."

Chuyên gia Hall đặc biệt lo ngại về ảnh hưởng còn sót lại của những hóa chất và phân lẫn lộn do nước lụt tại New Orleans làm tràn lan khắp nơi. Giáo sư Hall cho biết trong lúc ông tìm thấy một loạt những hóa chất trong mẫu nước lụt thì ông cũng thấy là mức độ độc hại lại thấp. "Không có chất nào gây ra ung thư," ông nói.

Kết quả cuộc nghiên cứu của ông Hall cũng giống như một cuộc nghiên cứu rộng lớn cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kỳ. Cuộc nghiên cứu này xác nhận kết quả được ghi trong biên bản của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia nói rằng các tác nhân gây bệnh tìm thấy trong nước lụt tại New Orleans đã trở lại mức đo như ä trước khi xảy ra trận bão.

Theo chuyên gia Hall thì một vấn đề cấp bách hơn cho sức khỏe công chúng là phẩm chất của nước trong các khu vực miền quê không có hệ thống nước máy công.

Ông Hall nói: "Dân chúng tại những khu vực đó có giếng nước. Họ lấy nước từ các mạch nước ngầm, và tất cả những hóa chất và những thứ khác đã lẫn vào trong hệ thống nước của họ. Đó là một vấn đề lớn."

Đó là một vấn đề mà ông Hall đề nghị cần phải nghiên cứu thêm. Dân biểu Thompson sau đó chuyển hướng sự chú ý của nhóm các nhà lập pháp sang vấn đề tàn tích của trận bão còn đầy rẫy ở New Orleans và các thành phố dọc theo duyên hải vịnh Mexico.

Ông Thompson nói: "Trong năm qua tôi đã thấy mọi chất liệu đổ nát được gom lại, nhưng cứ gom lại một cách hổ lốn thôi, những mảnh vụn đổ nát với sơn, sản phẩm dầu hỏa, gỗ, tất cả đều dồn chung lại mà không lựa ra cái gì độc và cái gì không độc để theo đó mà xử lý."

Theo chuyên gia Maureen Litchveld, đứng đầu khoa Y Học Môi Trường tại đại học New Orleans thì mối nguy hiểm thực tế nhất của những loại đổ nát rải rác khắp nơi là những hạt bụi li ti mà chúng tung ra.

Và những hạt lớn hơn mà chúng ta ho ra trong chứng bệnh mà ta gọi là 'Bệnh ho Katrina' lại không đáng lo như những hạt bụi li ti chui tuốt vào trong buồng phổi của chúng ta rồi nằm ở đó.

Bà Lichveld đang dẫn đầu một cuộc nghiên cứu mới để xem trẻ em mang bệnh suyễn bị ảnh hưởng như thế nào khi các em trở về trong những ngôi nhà trước đây bị ngập lụt và nay bị meo mốc lan tràn.

Bà Lichveld nói: "Giờ đây thì chuyện gì sẽ gì xảy ra nếu có ai đó dị ứng với chất formaldehyde đồng thời lại bị dị ứng với meo mốc trong khi còn mang thêm bệnh suyễn nữa. Đây là vấn đề của cộng đồng mà chúng ta phải đối phó. Tất cả những vấn đề này cùng hiện diện, đây là những vấn đề y tế môi trường dài hạn mà chúng ta cần phải giải quyết."

Bà Lichtveld nhắc nhở những nhà làm luật rằng không có luật lệ hay chuẩn mực nào áp dụng cho tình trạng ô nhiễm bên trong các ngôi nhà riêng của người dân, những ngôi nhà bị meo mốc hay bị ảnh hưởng của những chất liệu có formaldehyde. Bà hy vọng những cuộc nghiên cứu của bà có thể giúp cho các chính sách y tế cộng đồng có được những thông tin cặn kẽ hầu đối phó trước những thiên tai như trận bão Katrina.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG