Đường dẫn truy cập

Ra Mắt Sách “Perfect Spy” của Tác Giả Larry Berman


Lời dẫn: Từ thời chiến tranh Việt Nam, người ta đã nghe nói đến tên Phạm Xuân Ẩn như một nhà báo tên tuổi làm việc cho các hãng thông tấn quốc tế như Reuters và tạp chí Time, người ta cũng được biết ông Phạm Xuân Ẩn có liên hệ mật thiết với nhiều nhân vật quan trọng trên chính trường và trong quân đội miền Nam, với cơ quan mật vụ Việt Nam Cộng Hòa và giới tình báo Mỹ. Thế rồi sau chiến tranh Việt Nam, nhiều người kinh ngạc khi thấy ông Phạm Xuân Ẩn xuất hiện trong bộ quân phục của Cộng Sản miền Bắc, khi ông được Hà Nội phong hàm Tướng và tuyên dương là Anh Hùng Quân Đội Nhân Dân. Được coi là có công lớn với cách mạng, nhưng Tướng Phạm Xuân Ẩn bị cải tạo và trong nhiều năm bị cấm không cho gặp người nước ngoài. Tác giả Larry Berman đã đi đến kết luận rằng ông Phạm Xuân Ẩn là một người yêu nước và có lý tưởng, trung kiên nhưng ngây thơ. Ông Phạm Xuân Ẩn là ai? Dư luận nói chung vẫn chưa trả lời được câu hỏi ấy, mặc dù đã có một quyển tiểu sử viết về Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn xuất bản ở Việt Nam. Ngày chủ nhật 20 tháng Năm, 2007, Tiến Sĩ Larry Berman, Giáo sư khoa chính trị học, Đại Học California- Davis, đã ra mắt cuốn “Perfect Spy”, nói về ông Phạm Xuân Ẩn, kết quả một công trình nghiên cứu và những cuộc tiếp xúc trực tiếp kéo dài nhiều năm với nhân vật chính cho đến khi ông Phạm Xuân Ẩn qua đời. Hoài Hương của ban Việt Ngữ có mặt tại buổi ra mắt sách tổ chức tại Galerie Brigitte ở bang Virginia, và tường trình như sau:

VOA: Vâng, ông Phạm Xuân Ẩn là ai? Tựa đề quyển sách của tiến sĩ Larry Berman có thể là một câu trả lời, dầu cho câu trả lời không hoàn toàn lột trần được bản chất của nhân vật chính, và cũng không làm hài lòng nhiều người: Perfect Spy – ám chỉ một điệp viên kỳ tài, đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó cho đến kết cuộc của nó mà không bị lộ, để cuối cùng được Hà Nội phong hàm Tướng. Tiến sĩ Larry Berman cho biết tựa đề Perfect Spy không có ý nói đến tài năng của điệp viên Phạm Xuân Ẩn, mà muốn nói đến cái vỏ bọc mà Phạm Xuân Ẩn và tình báo Hà Nội đã sử dụng để che đậy những hoạt động bí mật của ông.

LB: “Từ ngữ perfect –toàn hảo- nói đến cái vỏ bọc mà ông Ẩn đã sử dụng, chứ không nói đến những gì mà ông Ẩn tin vào, hoặc đến các sách lược của ông, chữ perfect nói đến một điều mà tôi cho là rất lôi cuốn và thôi thúc tôi muốn tìm hiểu. Đó là làm thế nào ông Phạm Xuân Ẩn có thể thành công như thế trong một thời gian lâu đến thế mà không bị lộ và bị bắt.”

Tiến sĩ Larry Berman cho biết trong lần đầu gặp gỡ khi tình cờ được xếp ngồi đối diện ông Phạm Xuân Ẩn trong một bữa ăn tại một nhà hàng ở đường Sương Nguyệt Ánh vào năm 2001, ông Phạm Xuân Ẩn đã không ngớt nhắc lại những kỷ niệm đẹp của ông về nước Mỹ và người Mỹ, và về thời gian ông theo học ngành báo chí tại Orange Coast College từ năm 1957 đến năm 1959, mà ông Ẩn cho là hai năm hạnh phúc nhất của đời ông.

Điều mỉa mai, nhưng cũng lý thú, theo tiến sĩ Berman, là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Orange County, thủ đô của người Việt tỵ nạn ngày nay, lại là một điệp viên của cộng sản!

Những người quen biết ông Phạm Xuân Ẩn, kể cả tác giả Larry Berman, đều không nghi ngờ về những thiện cảm sâu đậm mà điệp viên Phạm Xuân Ẩn dành cho nước Mỹ và rất nhiều người bạn Mỹ của ông. Và đó là cái nghịch lý đầu tiên trong nhiều nghịch lý của cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn, nhà báo cộng tác với các cơ quan truyền thông có uy tín của Mỹ, và điệp viên cộng sản trung kiên có bí danh X-3.

Có người sẽ thắc mắc, liệu tình yêu ấy có chân thật hay không, hay chỉ là thêm một cái vỏ bọc khác? Tác giả quyển Perfect Spy đã tự đặt cho mình câu hỏi ấy:

LB: “Ông Phạm Xuân Ẩn yêu người Mỹ. Tình bạn của ông có chân thật hay không? Trong quyển sách, tôi đã đi đến kết luận rằng, những tình cảm ấy chân thật. Có thực những ký giả người Mỹ là bạn của ông Phạm Xuân Ẩn hay không? Phải. Ông Phạm Xuân Ẩn có sử dụng những người bạn ấy như những nguồn tin nhằm mục đích viết báo cáo cho Hà Nội hay không? Lẽ dĩ nhiên là có!”

Câu trả lời của tác giả Berman cho chính mình tự nó nói lên một nghịch lý khác: Vì sao rất nhiều người bạn Mỹ, sau khi chân tướng của ông Phạm Xuân Ẩn đã rõ như ban ngày như bộ quân phục trên người ông ngày ông được phong hàm tướng, vẫn không thù ghét ông mà vẫn quý ông và tìm đến thăm ông trong những ngày cuối đời?

Theo tác giả, thì trong số những người bạn thâm giao, rất ít người cảm thấy mình bị phản bội. Trong số những người cảm thấy bị xúc phạm vì đã hoàn toàn tin tưởng nơi ông Phạm Xuân Ẩn, có nhà báo Beverley Deepe, một người bạn chí thân ở Việt Nam, từng là người ơn của gia đình ông Phạm Xuân Ẩn thời bà Thu Nhạn, vợ ông Ẩn, và các con lánh cư sang Hoa Kỳ. Bà Deepe nhất mực từ chối những lời thỉnh cầu của ông Phạm Xuân Ẩn do tiến sĩ Berman chuyển lại, xin nối lại liên lạc với bà.

Nhưng một người bạn khác, một đồng nghiệp của ông Phạm Xuân Ẩn cùng làm việc cho hãng thông tấn Reuters và tạp chí Time, bà Germaine Lộc Swanson, một trong những người phụ nữ hiếm hoi làm việc với các hãng thông tấn quốc tế ở Việt Nam, có nhận xét sau đây về điệp viên X-3, một nhân vật mà bà coi là một người bạn thâm giao mà bà vẫn cảm phục và quý mến, mặc dù bà tự coi là một người quốc gia và chống cộng.

Bà Swanson: “Tôi chỉ nghĩ ông là một người bạn thôi. Với tư cách đồng nghiệp, tôi phải khen ông là người rất giỏi về tin tức báo chí. Các báo chí ngoại quốc, bất cứ một người nào hỏi cái gì ông cũng đều trả lời được hết. Ông ấy là người rất hiền lành, thẳng thắn, không bao giờ nói ác cho ai hết, lúc nào cũng nói giỡn nói vui. Tôi rất quý trọng ông ở chỗ đó.”

Chính bà Swanson đã đưa ra nhận định rằng ông Phạm Xuân Ẩn trên thực tế là một người theo chủ nghĩa dân tộc, hơn là một người Cộng Sản, một nhận định mà tiến sĩ Berman đã nhắc đến trong quyển “Perfect Spy”, và đã gây khá nhiều tranh luận.

Trong số người tham dự buổi ra mắt sách, có người đồ đoán rằng có lẽ ông Phạm Xuân Ẩn đã bị đẩy vào thế kẹt và do đó phải tiếp tục phục vụ cộng sản miền Bắc. Theo một người khác, tuy ông Phạm Xuân Ẩn không ồn ào và công khai phản đối, song dựa trên những lời phát biểu nửa đùa nửa thật của ông, dường như ông Aån không mấy hài lòng với những gì xảy ra tại Việt Nam trong những năm đầu sau biến cố tháng Tư năm 1975.

Có thể nói con người thật Phạm Xuân Ẩn tùy thuộc vào đối tượng và lập trường của mỗi người. Đối với Đại Tá Đào Quang Hiển, Giám Đốc Nha Tổ Chức Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa kiêm Tổng Thư Ký Ủy Ban Phối Hợp Tình Báo Quốc Gia, thì bản chất của ông Phạm Xuân Ẩn đã quá rõ rệt:

Đại Tá Hiển: “Ông là một nhân viên gián điệp của cộng sản, chắc chắn rồi. Đó là cái cốt lõi của ổng. Cái chuyện mà có thể ổng là nhân viên hai ba mặt, nghĩa là nhân viên nhị trùng, tam trùng gì đó, những cái mặt kia, đối với CIA hay là đối với bác sĩ Tuyến, chẳng qua đó chỉ là một cái vỏ bọc cho ông thâu thập tin tức mà thôi. Cái chính yếu là để ổng cung cấp tin tức cho Việt Cộng, thành ra cái vai trò chánh của ổng vẫn là cán bộ gián điệp của Việt Cộng.”

Trong “Perfect Spy”, Tiến Sĩ Larry Berman đưa ra một hình ảnh phức tạp hơn thế nhiều về con người Phạm Xuân Ẩn. Mời quý vị nghe ý kiến một người thuộc thế hệ trẻ được tác giả mời lên giới thiệu “Perfect Spy” trong buổi ra mắt sách, đó là anh Nguyễn Hùng, Chủ Tịch Ủy Ban Cố Vấn Á Châu- Nghị Hội Toàn Quốc người Việt gốc Mỹ.

NH: “Chúng ta hãy nhớ đây là một nhân vật đã được vinh danh như một anh hùng dân tộc, lẽ ra ông phải được tôn vinh, thế mà dưới một chế độ mà cá nhân ông đã giúp xây dựng, ông đã gặp hạn chế về một số mặt, thế cho nên, theo tôi thì có một sự phân rẽ giữa điều mà ông đã đấu tranh để tạo dựng với điều đã trở nên thực trạng...”

Một người khác có mặt trong buổi ra mắt sách và đã có những cuộc tranh luận với tiến sĩ Berman về con người Phạm Xuân Ẩn là cô Lữ Anh Thư, ái nữ Tướng Lữ Lan của Việt Nam Cộng Hòa.

AT: “Hồi nãy ông Larry nói là ổng cảm thấy rất nhiều người miền Nam tha thứ cho ông Phạm Xuân Ẩn, nhưng thực sự từ ngày mà tôi nghe những cái chuyện này, thì tôi càng nghe tôi càng hận Phạm Xuân Ẩn. Thứ nhất, ông ta có tội đối với người dân vô tội vì ông đã nối giáo cho giặc, và như tôi cũng nói hồi nãy, đối với một người đã gian xảo trong suốt mấy chục năm trời như vậy, tôi không biết tôi có tin được hay không. Đó cũng là một cuốn sách hay để mà mình có dịp tìm hiểu, nhưng mà đặt lại cái câu hỏi, là mình có tin được những gì ông Phạm Xuân Ẩn đã nói hay không?”

Riêng tác giả thì kết luận rằng ông coi ông Phạm Xuân Ẩn như một người thiết tha yêu nước và có tinh thần quốc gia:

LB: “Về câu hỏi liệu ông Phạm Xuân Ẩn là một người có tư tưởng quốc gia hay một người cộng sản? Trong quyển sách tôi đã đi đến kết luận rằng Phạm Xuân Ẩn là một người có tinh thần quốc gia. Khi ông Phạm Xuân Ẩn gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam và tham gia cách mạng, ông tranh đấu cho một lý tưởng, lý tưởng này không có liên hệ gì với những gì xảy ra sau năm 1975 ở Việt Nam.”

Về cuốn sách, anh Nguyễn Hùng kết luận:

NH: “Đối với tôi, câu chuyện này là một câu chuyện sâu sắc, rất người, nhưng cái câu hỏi mà chúng ta phải tự đặt cho chúng ta là: đâu là sự thật, như thế nào là sự thật, và điều gì có thể đánh giá đó là sự thật.”

Tiến sĩ Larry Berman cho biết, tuy mặc nhiên được ông Phạm Xuân Ẩn coi như người viết tiểu sử chính thức, nhưng ông Phạm Xuân Ẩn đã không nói hết, mà chỉ nói đủ để tác giả có thể viết sách. Như nhận xét của chính tác giả, sự thật về ông Phạm Xuân Ẩn và những hoạt động bí mật của ông, đã theo ông về bên kia thế giới.

VOA: Hoài Hương tường trình về buổi ra mắt sách “Perfect Spy”, nói về ông Phạm Xuân Ẩn, tổ chức tại bang Virginia ngày chủ nhật 20 tháng Năm, 2007. Tác giả là Giáo Sư Tiến sĩ Larry Berman, khoa chính trị học Đại Học California-Davis. Một trong những tác phẩm khác của tiến sĩ Berman cũng có liên quan đến chiến tranh Việt Nam là quyển “No Peace No Honor” nói về Tổng Thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG