Liên Hiệp Quốc nói rằng việc tiêm chích ma túy đang bắt đầu thi đua với sinh hoạt tình dục như một phương tiện lây truyền virut gây bệnh AIDS ở Châu Á, và trên thế giới nói chung. Các giới chức về bệnh AIDS của Liên Hiệp Quốc nói rằng các chính phủ ở Châu Á đã đưa ra các cam kết đáng khích lệ nhằm chống lại bệnh này, nhưng hầu hết đều chưa thực hiện cam kết bằng hành động cụ thể.
Kể từ khi bệnh AIDS được xác định vào năm 1981, thì phương tiện truyền bệnh chính vẫn là sinh hoạt tình dục. Nhưng cơ quan phụ trách về bệnh AIDS của Liên Hiệp Quốc, còn gọi tắt là UNAIDS, nói rằng việc tiêm chích ma túy bằng kim chích bị nhiễm trùng đang bắt kịp, và có khi còn qua mặt, tình dục trong vai trò lây truyền virut gây bệnh AIDS.
Bác sĩ Prasada Rao, giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNAIDS, nói rằng việc tiêm chích ma túy đang gia tăng trên khắp thế giới.
Bác sĩ Rao nói rằng: “Một dẫn chứng là, từ khoảng 80 quốc gia vào năm 1992, hiện nay số nước báo cáo việc tiêm chích ma túy đã lên tới 134.”
Ông Rao đang ở Vacshava dự hội nghị Quốc Tế Giảm Thiểu các Nguy hại, với trọng điểm là ngăn ngừa những người lạm dụng ma túy tự làm hại mình. Ông nói với phóng viên đài VOA rằng sinh hoạt tình dục vẫn còn là một yếu tố chính, nhưng nói chung thì việc tiêm chích ma túy nay chiếm gần phân nửa ác ca lây nhiễm HIV mới ở Châu Á.
Bác sĩ Rao nói: “Tại Trung quốc, tiêm chích ma túy là yếu tố chính. Nó chiếm khoảng 66% các ca lây nhiễm tại Trung Quốc.”
UNAIDS ước lượng có khoảng 8 triệu 300 ngàn người đang sống với virut HIV ở Châu Á. Trung quốc có khoảng 650 ngàn người, trong khi tại Ấn Độ, nơi tình dục vẫn còn là phương tiện lây nhiễm bệnh chính, thì con số được tính vào khoảng 5 triệu 700 ngàn. Ông Rao nói rằng đây là hai quốc gia đang chiến đấu với bệnh AIDS một cách năng nổ nhất, vừa qua việc phòng ngừa lẫn chữa trị.
Ông nói thêm: “Tôi có thể nói là trong vùng này, đây là hai nước đã chứng tỏ sự cam kết chính trị mạnh nhất để kiểm soát việc lây nhiễm bệnh. Và cũng để cung cấp sự chữa trị cho những người bị lây nhiễm.”
Ông Rao nói rằng các chính phủ khác ở Châu Á đã đưa ra cam kết chống bệnh AIDS, nhưng cam kết của họ chưa được chuyển thành hành động. Theo ông, thách đố thực sự tại Châu Á ngày nay là các nhà lãnh đạo chính trị phải thực thi lời hứa phòng chống bệnh AIDS.