Đường dẫn truy cập

Các công ty lớn của Mỹ tìm cách nắm bắt cơ hội đầu tư tại Việt Nam


Các viên giám đốc của 18 công ty lớn của Mỹ đang có mặt tại Việt Nam để dự một cuộc hội thảo do Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN bảo trợ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp này đang tìm cách nắm bắt những cơ hội phát xuất từ việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới.

Trong số những người tham dự các cuộc họp tại Hà Nội có những viên chức cao cấp của các đại công ty của Hoa Kỳ, như Ford, Boeing, General Electric, và Exxon. Họ đã gặp gỡ các vị bộ trưởng phụ trách công tác đầu tư và thông tin của Việt Nam cùng nhiều viên chức khác.

Tháng 10 năm ngoái, Hoa Kỳ đã quyết định dành cho Việt Nam qui chế thương Mại bình thường vĩnh viễn, tức PNTR, và tháng giêng vừa qua, Việt Nam đã chính thức trở thành hội viên của Tổ chức Thương Mại Thế Giới. Từ đó đến nay, Việt Nam đã thu hút 3 tỉ rưỡi đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó tổng giám đốc IBM phụ trách quan hệ với chính phủ, ông Stephen Braim nói rằng: công ty ông dự kiến mở rộng việc phát triển phần mềm và dịch vụ ở Việt Nam

Chúng tôi đang nói đến việc quản lý các dự án chuyển đổi chính đang diễn ra ở cả Việt Nam và trên Thế Giới. Với một đất nước như Việt Nam với những kỹ năng mà họ có và những gì mà chúng tôi muốn thu hút ở đây, chúng tôi đang cân nhắc nhiều hơn tới các dịch vụ giá trị gia tăng cao như các dịch vụ bảo trì ứng dụng, dịch vụ phát triển, xây dựng cổng kết nối trang web, xây dựng các hệ thống văn phòng hỗ trợ.

Ông Braim cho biết thêm rằng: sự lạc quan của công ty ông chủ yếu là phát xuất từ việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới, vì một trong các điều kiện để gia nhập là loại bỏ hầu hết những rào cản mậu dịch đối với các sản phẩm máy điện toán.

Đối với chúng tôi, thành quả lớn nhất là thuộc lãnh vực máy vi tính và những dịch vụ liên hệ. Chúng tôi đã giành được thắng lợi này và chúng tôi rất vui mừng.

Công ty chuyển thư và bưu kiện hỏa tốc UPS cho biết rằng thỏa thuận WTO rốt cuộc sẽ cho phép công ty hoạt động trực tiếp ở Việt Nam thay vì phải thông qua đối tác địa phương như đòi hỏi của luật lệ hiện nay.

Tuy nhiên, phó tổng giám đốc UPS ông Steven Okun nói rằng Việt Nam vẫn phải cải thiện hệ thống giao thông và loại bỏ những quy định định lỗi thời.

Mỗi chuyến hàng chở tới Việt Nam chúng tôi phải trả thuế và quan thế. Điều này khiến cho quá trình thông quan bị chậm lại.

Các nhà danh thương ngành dệt may không tham dự hội nghị này. Trong thỏa thuận mậu dịch đạt được hồi năm ngoái, Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ theo dõi sát lượng hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam để ngăn ngừa nạn bán phá giá, và có thể sẽ áp đặt thuế suất hồi tố trong trường hợp xảy ra tình trạng bán phá giá.

Các công ty bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ nói rằng tình trạng không rõ ràng này khiến họ phải chuyển sang mua hàng ở các nước khác. Bà Virginia Foote, chủ tịch Hội đồng Thương Mại Việt-Mỹ, cho biết như sau về vấn đề này:

Tôi nghĩ rằng có một mối quan tâm là hành động của Hoa Kỳ đã gây phương hại cho công nghiệp dệt may ở Việt Nam. Trước đây, nhiều người hy vọng là ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển mạnh. Nhưng bây giờ nhiều người chưa rõ là sự phát triển đó có trở thành sự thật trong nay mai hay là sẽ bị trì hoãn.

Nhiều nhà quan sát cho rằng ngành dệt may chỉ là một vết mờ trong toàn cảnh tươi sáng của kinh tế Việt Nam. Và trong lúc tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam vượt mức 8%, các công ty Mỹ dường như rất nôn nóng để nắm bắt những cơ hội kinh doanh tại quốc gia này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG