Thảm kịch tại đại học kỹ thuật Virginia Tech hôm thứ Hai 16 tháng 4 năm 2007 đã đưa đến cái chết của 33 người kể cả hung thủ, một thường trú nhân người nam Triều Tiên di cư sang Hoa Kỳ vào lúc mới 8 tuồi. Đây là vụ bạo hành ghê gớm nhất xảy ra tại các trường học trong lịch sử Mỹ. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay sẽ tường thuật lại vụ việc, chân dung hung phạm, tác động của vụ này, phản ứng của người dân Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới cũng như của nam Triều Tiên và cộng đồng người nam Triều tiên tại Hoa Kỳ.
Sáng thứ hai vừa qua, một ngày bình thường như mọi ngày tại khuôn viên đại học Virginia Tech tại Blackburg, bang Virginia, cách thủ đô gần 400 kilomét thì bỗng nhiên có tiếng súng nổ, và tin được loan đi cho biết 2 người đã bị thiệt mạng tại một khu ký túc xá của sinh viên và cảnh sát đang truy lùng hung thủ. 2 tiếng đồng hồ sau đó hung thủ tiến vào một tòa nhà dùng làm giảng đường rồi xả súng bắn vào các lớp học, giết thêm 30 nạn nhân nữa trước khi quay súng tự sát.
Vụ thảm sát đã gây bàng hoàng trong dư luận từ quốc nội đến các quốc gia khác.
Thủ phạm là một sinh viên năm cuối ban cử nhân văn chương tên Cho Seung Hui, 23 tuổi, người gốc nam Triều Tiên. Cho Seung Hui đã cùng gia đình di cư đến Mỹ từ lúc mới 8 tuổi. Theo lời thuật lại của những sinh viên học chung thì Cho Seung Hui là một kẻ cô đơn, không giao thiệp với ai, không bao giờ bỏ cặp kính đen ra khỏi mắt. Những bạn học chung thỉnh thoảng đến gần gợi chuyện thì anh ta không trả lời và rút vào cái vỏ kén thầm lặng của riêng mình. Anh ta đã làm cho các thày cô trong trường cảm thấy không ổn vì thái độ lầm lì kỳ dị đến nỗi một giáo sự dạy văn của đại học đã phải tự đích thân đảm nhiệm việc giảng dạy cho sinh viên này để tránh cho các đồng nghiệp của bà những nỗi khó chịu, đồng thời thuyết phục Cho đi tư vấn tâm lý nhưng không thành công. Giáo sư này đã phải báo động với ban giám hiệu và dịch vụ tư vấn của nhà trường.
Nhà chức trách vẫn chưa biết chắc chuyện gì làm anh ta nổ bùng để trở thành kẻ giết người không gớm tay như vậy. Những mảnh giấy mà anh ta viết mà cảnh sát tìm thấy trong ký túc xá không phải là thư tuyệt mệnh và cũng không giúp tìm hiểu về nguyên nhân anh ta giết người, chỉ thấy những lời lẽ miệt thị phụ nữ và những sinh viên con nhà giàu. Năm 2005 anh ta đã có những hành động khác thường khi đi theo rình rập 2 nữ sinh viên trong trường. Họ đã thông báo cho cảnh sát nhưng không đòi truy tố. Cũng vào thời gian đó, cha mẹ anh ta đã lo ngại con mình toan tự sát nên đã đưa anh vào một cơ sở chữa trị bệnh tâm thần để bác sỹ lượng định. Sau đó anh đã được xuất viện.
Một người từng học chung với Cho Seung Hui năm ngoái nhớ lại những vở kịch anh ta viết cho lớp sáng tác của chương trình học, trong đó đầy những hình ảnh và tình tiết bạo hành, chết chóc ghê rợn.
Trước khi ra tay loạt bắn giết thứ nhì, hung thủ đã trốn thoát khỏi hiện trường, chạy đến bưu điện gửi một bưu phẩm cho đài truyền hình NBC ở New York. Đến chiều thứ tư, sau khi vụ thảm sát đã xảy ra thì đài mới nhận được. Tuy nhiên những hình ảnh và băng video trong gói hàng không giúp cảnh sát biết thêm được chi tiết nào về động lực thúc đẩy hung thủ hành động, mà chỉ toàn hình ảnh anh ta cầm súng và thốt ra những lời thù ghét như đã từng thấy trong những bài vở của anh ta.
Chiều thứ ba, tổng thống Bush đã đến tận khuôn viên đại học này để cùng các sinh viên, giáo chức, ban nhân viên nhà trường và thân nhân những nạn nhân để làm lễ cầu nguyện những người đã chết.
Vào những lúc như thế này, chúng ta cần tìm đến sự an ủi và hướng dẫn nơi đấng thượng đế cao cả và nhân từ.
Nguyên thủ các quốc gia trên thế giới đã gửi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân. Nữ Hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh quốc bày tỏ sự đau buồn của bà về vụ thảm sát này. Theo thời biểu, nữ hoàng sẽ đến thăm bang Virginia vào tháng tới để tham dự những lễ lạc kỷ niệm 400 năm thành lập thị trấn Jamestown, khu định cư đầu tiên của người Anh tại vùng đất mới.
Thủ tướng Anh cũng như người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu đã gửi lời chia buồn.
Nhưng một trong những chính phủ các nước bày tỏ thái độ sớm nhất khi được tin hung thủ là người Nam Triều Tiên là chính phủ Hán Thành.
Tôi và nhân dân Nam Triều Tiên không khỏi bàng hoàng và đau buồn. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và bày tỏ lời chia buồn sâu xa đến các gia đình nạn nhân và nhân dân Hoa Kỳ. Tôi cũng hy vọng xã hội Mỹ sẽ sớm khắc phục được nỗi đau buồn này và lấy lại bình tĩnh.
Đó là lời tổng thống Roh Moo-Hyun của Nam Triều Tiên. Ngoài ra ông tổng thư ký LHQ, cựu ngoại trưởng Nam Triều Tiên, cũng lên tiếng
Tôi cảm thấy thật đau lòng và bất cứ hành động nào giết hại những công dân và trẻ vô tội là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được; tôi mạnh mẽ lên án hành động đó.
Người dân nam Triều Tiên đặc biệt nhạy cảm về hình ảnh của họ, và cộng đồng nam Triều Tiên trên toàn nước Mỹ đang vô cùng lo ngại họ sẽ bị kỳ thị tương tự như cộng động Hồi giáo sau biến cố 11 tháng 9.
Một vấn đề khác được khơi dậy ngay trở lại sau khi xảy ra vụ thảm sát là cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng tại Hoa Kỳ. Ông Dennis Hennigan, thuộc Trung Tâm Brady Ngăn Chặn Bạo Động Vì Súng Đạn, lên tiếng:
Chúng ta đã đi ngược lại với chiều hướng đúng. Không những chúng ta đã không có hành động mà còn bỏ lơi nó nữa. Nhưng bây giờ đã đến lúc để giới lãnh đạo quốc gia của chúng ta phải chú ý đến những lời kêu gọi của nhân dân mạnh mẽ ủng hộ cho những biện pháp hợp lý hầu ngăn chặn những vụ bạo động do súng đạn lâu lâu lại xảy ra.
Hội Những Người Sử Dụng Súng của Hoa Kỳ, một tổ chức chuyên bênh vực quyền sở hữu vũ khí của người dân, đã đưa ra một thông cáo trên trang Web, chia buồn với những người trở thành nạn nhân của vụ nổ súng tại đại học kỹ thuật Virginia., và nói thêm rằng hội sẽ không bình luận gì cho đến khi biết được tất cả mọi dữ kiện của vụ này.
Trong số những nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát là giáo sư Liviu Librescu, 76 tuổi, dạy toán và kỹ thuật tại đại học này từ 20 năm nay. Ông là nguời Roumanie gốc Do Thái, sống sót sau vụ Đức Quốc Xã đại tàn sát người Do Thái vào thế chiến thứ hai, di dân về Israel năm 1978 và sang Hoa Kỳ năm 1986. Giáo sư đã chặn cửa không cho hung thủ xông vào lớp giết học trò của ông nên ông đã bị bắn gục.
Gia đình đã đưa ông về mai táng ở Israel. Giáo sư đã được tổng thống Bush vinh danh về hành động can trường.