Đường dẫn truy cập

Nhiều con sông ở Việt Nam ô nhiễm nghiêm trọng


Nạn ô nhiễm đã khiến cho nguồn nước của các con sông gần Hà Nội và Sài gòn không thể xử dụng được vì những nỗ lực bảo vệ môi trường không theo kịp đà phát triển kinh tế.

Theo tin hôm thứ sáu của hãng thông tấn Reuters, kết luận vừa kể được ghi nhận trong bản phúc trình của một cuộc nghiên cứu do Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện với sự trợ giúp của Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Đan mạch và Ngân hàng Thế giới.

Cuộc nghiên cứu có chủ đề “Hiện trạng môi trường nước 3 lưu vực sông: Cầu, Nhuệ-Đáy và hệ thống sông Đồng Nai” cho thấy nước thải từ các nguồn công nghiệp, sinh hoạt, và bệnh viện đã và đang được trút thẳng vào các con sông.

Phái viên của Reuters trích lời Tham tán môi trường và văn hóa của đại sứ quán Đan mạch ở Hà Nội, bà Helen Bjerre Jordans nói rằng: nguồn nước sông hồ gần Hà Nội đã bị ô nhiễm nghiêm trọng đến nỗi không còn thích hợp để xử dụng cho mục đích nông nghiệp và tuyệt đối không thể dùng làm nước sinh hoạt. Bà nói thêm rằng tình trạng của các sông rạch ở thành phố Hồ Chí Minh còn tệ hại hơn vì có nhiều “sông chết”.

Giới hữu trách Hà Nội bao gồm một sách lược quốc gia bảo vệ môi trường trong các kế hoạch nhằm đưa Việt Nam tới vị thế của một nước công nghiệp hóa vào năm 2020, nhưng theo bản phúc trình vừa kể Việt Nam cần phải nhanh chóng cải thiện công tác chấp hành các luật lệ bảo vệ môi trường và thay đổi thái độ của người dân đối với vấn đề này.

Ông Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói rằng cần phải hoàn thiện ngay các hệ thống định chế và pháp luật, tăng cường công tác chấp hành, gia tăng sự hợp tác quốc tế và sự tham gia của các cộng đồng cư dân.

Ông cho biết thêm rằng nguồn nước đang bị ô nhiễm nhanh đến nỗi 76 km của lưu vực sông Nhuệ-Đáy sẽ trở thành “nước chết” vào năm 2030 nếu không có biện pháp đối phó kịp thời.

Bản phúc trình của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy lưu vực này đã có 10 km sông ngòi không còn tồn tại các loại thực vật động vật thủy sinh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG