Đường dẫn truy cập

Chiến dịch dân sự vụ ở Manila trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5


Các đảng chính trị cánh tả ở Philippines cho biết các binh sĩ do chính phủ điều động tới những khu vực nghèo khó ở thủ đô Manila đã sách nhiễu những thành viên của họ. Quân đội Philippines thì nói rằng số quân nhân này đang giúp đỡ cho cảnh sát và tiếp tay trong những dự án công ích. Vụ tranh chấp này diễn ra trong lúc cử tri ở đây chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5 tới đây.

Ra sức giúp đỡ cho việc xây dựng các trường mầm non, và khám bệnh, khám răng cho dân chúng ở nông thôn là những công việc mà binh sĩ Philippines vẫn thường làm để tranh thủ sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là ở những khu vực ở miền nam, nơi có cuộc nổi dậy đòi ly khai của phe Hồi giáo kéo dài trong 40 năm. Tuy nhiên, những công tác xã hội mà quân đội Philippines tiến hành hồi gần đây ở những khu vực nghèo khó ở thủ đô Manila đã gặp phải sự chống đối của các đảng chính trị khuynh tả vì họ cho rằng binh sĩ chính phủ đã sách nhiễu các thành viên của họ.

Chiến dịch dân sự vụ mà quân đội Philippines tiến hành ở Manila đã được phát động hồi tháng 9 với sự tham gia của 26 toán nhân viên, mỗi toán 10 người. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho thông tín viên Douglas Baskshian của đài VOA, thiếu tướng Benjamin Dolorfino, tư lệnh lực lượng bảo vệ thủ đô, cho biết rằng chiến dịch này là một phần của những hoạt động bình thường của quân đội.

Đây là chương trình dân sự vụ của quân đội. Đây chính là chương trình mà quân đội vẫn thường xuyên thực hiện vì quân đội ở nước nào cũng xử dụng cả hai phương pháp tay phải và tay trái. Phương pháp tay phải là dùng sức mạnh quân sự. Và phương pháp tay trái là thực hiện những chiến dịch không có tính chất tác chiến, gọi chung là các chương trình dân sự vụ.

Tuy nhiên, các tổ chức khuynh tả, như đảng Bayan Muna, và những người ủng hộ họ không chấp nhận cách giải thích của tướng Dolorfino. Họ nói rằng binh lính đã sách nhiễu các cán bộ của những đảng cánh tả và giám sát các hoạt động của họ. Họ cũng tố cáo rằng binh sĩ chính phủ đang ra sức tuyên truyền trong dân chúng rằng các nhân vật khuynh tả là những người không đáng tin cậy.

Tướng Dolorfino không phủ nhận tố cáo vừa kể. Ông cho biết như sau về việc này:

Đây chỉ là việc cung cấp thông tin cho công chúng, giúp cho người dân hiểu được những ý tưởng tốt đẹp, để họ có thể trở thành công dân tốt và để chống lại những ý tưởng xấu như những ý tưởng được cổ xướng bởi các phong trào của Cộng sản và của quân khủng bố.

Tướng Dolorfino thừa nhận rằng quân đội Philippines lâu nay vẫn nối kết những thành phần tả khuynh, kể cả những đảng phái hoạt động hợp pháp, với Đảng Cộng sản Philippines. Ông cho biết quân đội vẫn tin rằng phe Cộng sản đang tìm cách xây dựng lực lượng trong những khu xóm nghèo khó ở các thành phố lớn. Các du kích quân Cộng sản thường hoạt động ở vùng nông thôn nhưng trong những năm cuối của thập niên 1980 họ đã phái các toán đặc công đến hoạt động ở Manila.

Theo các nhà quan sát, vụ tranh cãi hiện nay có những yếu tố lịch sử rất rõ nét. Philippines đã trải qua 14 năm bị đặt trong tình trạng thiết quân luật cho tới khi thể chế dân chủ được phục hồi vào năm 1986, là năm lãnh tụ độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ trong cuộc cách mạng Sức mạnh Nhân dân.

Hồi gần đây, các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước tố cáo rằng quân đội Philippines đã thực hiện một chiến dịch sát hại những thành phần tả khuynh, trong đó có hơn 800 người bị giết chết hoặc bị mất tích kể từ khi tổng thống Gloria Arroyo lên nắm quyền vào năm 2001.

Ông Ramon Casiple là giám đốc Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử ở Manila. Ông cho biết rằng việc bố trí binh sĩ trong những khu vực nghèo khó ở thủ đô trước khi diễn ra bầu cử là một việc vẫn thường xảy ra dưới thời Marcos.

Điều mà chúng ta nói đến ở đây chính là nạn đàn áp. Hiện nay có một xu hướng rất rõ ràng là họ đang làm những điều vẫn thường xảy ra dưới thời Marcos. Ông Marcos rất thích làm những chuyện như vậy. Những chuyện đó có mưu toan quân sự hóa xã hội.

Các cuộc thăm dò ý kiến dân chúng cho thấy rằng nhóm Buyan Muna và những nhóm tả khuynh đang có được sự ủng hộ khá mạnh mẽ của các cư dân đô thị. Những nhân vật cánh tả cho rằng họ bị đàn áp vì cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5.

Dân biểu Teodoro Casino của đảng Bayan Muna cho rằng những hoạt động của quân đội ở Manila trong thời gian gần đây cho thấy một xu thế rất nguy hiểm.

Chương trình xói đói giảm nghèo và các chương trình phát triển giờ đây đã bị trộn lẫn với các chương trình chống nổi dậy, và họ cho rằng đây là một việc rất chính đáng. Nhưng trên thực tế thì đây chính là việc quân sự hóa chính phủ, là áp dụng thiết quân luật.

Những người chỉ trích sự hiện diện của quân đội ở Manila nêu lên sự kiện là có rất nhiều những cơ quan và đoàn thể có khả năng cung cấp những dịch vụ xã hội và thực hiện những chương trình xóa đói giảm nghèo.

Những đơn khiếu nại về các hoạt động của quân đội ở Manila đã được nộp cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia. Chủ tịch ủy ban, là ông Benjamin Abalos, cho biết rằng: hiện chưa có chứng cớ đầy đủ. Nhưng ông nói thêm rằng ông đang theo dõi sát tình hình.

Quận Pataya ở Manila là một trong những nơi mà các giới chức của đảng Bayan Muna nói là những nhân vật tả khuynh bị đàn áp. Bà Teresa Bautista, một phụ nữ 43 tuổi có 6 người con ở quận này, cho biết rằng các binh sĩ chính phủ đang làm những việc tốt, như xây các trường mầm non cho trẻ em mà không bắt dân chúng phải đóng tiền.

Bà Bautista cho biết thêm rằng bà không kỳ vọng gì nhiều vào cuộc bầu cử sắp tới vì lâu nay các chính khách vẫn hứa hẹn rất nhiều trong khi tranh cử nhưng không ai giữ đúng cam kết.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG