Đài Loan hiện có nền kinh tế lớn hàng thứ 17 trên thế giới, tuy dân số chỉ có khoảng 23 triệu người. Phần đất vốn thiếu tài nguyên thiên nhiên này còn có lượng dự trữ ngoại tệ hơn 260 tỉ đô la, cao hàng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2006, sản lượng đầu người hàng năm của Đài Loan tính theo mãi lực (GDP per capita - Purchasing Power Parity) là 31 ngàn đô la, chỉ kém Nhật Bản khoảng 2 ngàn đô la và cao hơn Việt nam gấp 10 lần. Bên cạnh những thành quả vượt bực về kinh tế như thế, xã hội Đài Loan cũng đã phát triển thành một nền dân chủ năng động, sau khi có được bước đột phá vào năm 1987 – là lúc lãnh tụ độc tài Tưởng Kinh Quốc tuyên bố hủy bỏ lệnh thiết quân luật đã được áp dụng trong 38 năm và cho phép dân chúng lập đảng và ra báo.
Theo các nhà chính trị học và xã hội học, các tổ chức và đoàn thể thuộc xã hội dân sự đã có những đóng góp đáng kể cho công cuộc chuyển đổi từ một chế độ độc tài độc đảng sang thể chế dân chủ ở Đài Loan. Giáo sư Tiêu Tân Hoàng, thuộc Sở Nghiên cứu Khoa học Xã hội của Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan, cho biết một số chi tiết như sau về vai trò của xã hội dân sự trong quá trình này:
Giáo sư Tiêu Tân Hoàng: Bắt đầu từ thập niên 1980 Đài Loan xuất hiện rất nhiều tổ chức thuộc xã hội dân sự đặt trọng tâm vào các cuộc vận động xã hội, từ những tổ chức bảo vệ môi trường, những đoàn thể của sinh viên, học sinh cho tới những tổ chức của công nhân và nông dân. Những cuộc vận động này đã làm lung lay nền tảng của chế độ độc tài hoặc thể chế uy quyền lúc bấy giờ. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng chức năng của xã hội dân sự ở Đài Loan trong thập niên 1980 là thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Đến thập niên 1990, xã hội dân sự bắt đầu đòi hỏi chính phủ chú tâm giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, và đây chính là chức năng điều chỉnh của xã hội dân sự ở Đài Loan.
Theo lời giáo sư Tiêu Tân Hoàng, trong giai đoạn đầu, xã hội dân sự của Đài Loan cũng có những tổ chức và đoàn thể đặt trọng tâm vào công tác phục vụ xã hội và không mang màu sắc đối kháng. Trong thập niên 1980, bộ phận này không đóng góp gì nhiều cho cuộc vận động dân chủ hóa. Nhưng đến thập niên 90, những tổ chức này bắt đầu chú ý tới phương diện chính sách của những vấn đề xã hội – chẳng hạn như phúc lợi của trẻ em, phúc lợi của người già, phát triển cộng đồng, vân vân; và vì thế, từ năm 1995 trở đi, những tổ chức này cũng bắt đầu góp phần cho việc củng cố thể chế dân chủ ở Đài Loan.
Giáo sư Tiêu Tân Hoàng giải thích thêm như sau về sự hình thành của xã hội dân sự ở Đài Loan:
Trong các thập niên 1960 và 1970 Đài Loan không hề có xã hội dân sự. Toàn bộ các tổ chức xã hội đều do Quốc dân đảng khống chế. Nhưng nhờ có phát triển kinh tế, một tầng lớp trung lưu đã hình thành và một số người trong khối người này vì không bận tâm nhiều đến vấn đề sinh nhai nên bắt đầu chú tâm tới các vấn đề như nhân quyền, dân chủ, tự do. Vì vậy, trong giai đoạn này, tuy chưa có xã hội dân sự, nhưng sự phát triển kinh tế của Đài Loan đã tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho sự hình thành của xã hội dân sự. Dĩ nhiên trong giai đoạn này, những nhân vật hoạt động xã hội gặp phải rất nhiều khó khăn. Các đoàn thể xã hội phải tuân theo sự chỉ huy của Quốc dân đảng và một hiện tượng kỳ quặc đã xuất hiện, đó là phải được cấp giấy phép mới có thể làm việc công ích.
Khi được hỏi là phải chăng có một sự tương quan giữa phát triển kinh tế và dân chủ hóa xã hội, giáo sư Tiêu Tân Hoàng cho biết như sau:
Trên cơ Bản thì có một mối tương quan như thế. Nhưng có điều đáng chú ý là không phải kinh tế phát triển thì có dân chủ mà ở giữa cần có một khối người đông đảo thuộc giai cấp trung lưu. Và điều đó vẫn chưa đủ. Chúng ta còn cần có những thành phần trí thức, chuyên gia có tinh thần yêu chuộng tự do, có đầu óc tiến bộ và ý hướng cải cách. Thêm nữa, những thành phần này cần phải tổ chức để có đủ sức mạnh nhằm tiến hành đối thoại với chính quyền.
Ông Tiêu Tân Hoàng nói thêm rằng lý luận hiện đại hóa của một số học giả Tây phương đã đơn giản hóa quá độ tiến trình dân chủ hóa khi họ cho rằng: kinh tế phát triển thì có giai cấp trung lưu và sau đó sẽ có dân chủ. Thật ra tiến trình này cần có rất nhiều hoạt động đối kháng và tranh đấu và nhiều yếu tố khác nữa.
Giáo sư Liêu Nguyên Hào của Đại học Chính trị Đài Loan cũng tán đồng quan điểm của ông Tiêu Tân Hoàng. Giáo sư Liêu cho rằng lý luận đó thường được những chính quyền độc tài lợi dụng để trì hoãn tiến trình dân chủ hóa đất nước. Ông nói thêm như sau:
Ông Liêu Nguyên Hào: Kinh tế phát triển có dẫn tới dân chủ hay không? Theo tôi, hai việc này có đôi chút liên quan với nhau nhưng không hẳn là như thế. Tôi nghĩ rằng nội hàm của khái niệm dân chủ rất lớn. Nhiều người thường đề cập tới vấn đề bầu cử khi bàn về dân chủ. Nhưng thật ra, ngoài bầu cử thì dân chủ còn nhiều yếu tố khác. Có nhiều yếu tố dân chủ không cần đợi tới khi kinh tế phát triển mới có thể thực hiện. Chẳng hạn như các quyền tự do cá nhân. Thật là vô lý khi nói rằng phải đợi tới khi kinh tế phát triển mới cần bảo vệ hay tôn trọng tự do cá nhân. Có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng những chính phủ dân chủ, có tính cách minh bạch, sẽ hoạt động có hiệu quả hơn trong việc điều hành kinh tế đất nước.
Giáo sư Tiêu Tân Hoàng cũng dựa vào kinh nghiệm phát triển của Đài Loan để đưa ra một số đề nghị cho các nhà dân chủ ở Việt nam – nơi mà khái niệm về xã hội dân sự vẫn bị chính quyền xem là “nhạy cảm”:
Đài Loan trong những năm 1950 mặc dầu nằm dưới chế độ cai trị độc tài độc đảng, nhưng đã có bầu cử, tuy chỉ là bầu cử chính quyền địa phương, nhưng đó là những cuộc bầu cử thật sự, có sự cạnh tranh của các phe nhóm, của những thế lực địa phương. Những kinh nghiệm về bầu cử rất quan trọng. Vì vậy các nhà dân chủ ở Việt nam, tôi nghĩ, cần làm thế nào để thuyết phục chính quyền tổ chức bầu cử thật sự tự do ở cấp địa phương. Ngoài ra, cần tổ chức thật nhiều những đoàn thể ở thành thị và nông thôn. Trước đây, Đài Loan có những tổ chức như hiệp hội nông dân, hiệp hội thủy lợi, hiệp hội công nhân – tuy những tổ chức này bị Quốc dân đảng khống chế nhưng ít ra dân chúng cũng nhờ đó mà có được ít nhiều kinh nghiệm về tổ chức và có những tổ chức có tiếng nói trong xã hội.