Đường dẫn truy cập

Hãy làm một ông bố chịu chơi


Tại Nhật Bản, các ông bố thường ít khi can dự vào việc nuôi dậy con trẻ. Nhưng ngày nay, việc này đã trở nên hợp thời, và có những tạp chí chuyên dành cho các ông bố trẻ, theo như bài tường thuật của Catherine Makino từ Tokyo.

Làm một “ông bố chịu chơi” là một hiện tượng rất hợp thời trang ở Nhật Bản ngày nay, và hình ảnh các các ông bố trẻ tuổi chơi với con cái trong các công viên không còn là chuyện bất thường nữa. Sự kiện này hoàn toàn trái ngược với thế hệ các ông bố trước đây, chỉ thường dành hết thời gian cho công việc, rất hiếm khi ở nhà, và chẳng mấy khi nói chuyện với con cái.

Trong hai năm vừa qua, các tạp chí về nuôi dậy trẻ nhắm mục tiêu cụ thể vào các ông bố đã ồ ạt ra đời ở Nhật Bản. Các tờ báo này đem lại thông tin về an toàn, giáo dục và giao tiếp với trẻ em.

Xuất hiện trên các sạp báo vào tháng 10 năm 2005, Nikkei Kids Plus là tờ báo đầu tiên trong số các tạp chí này, kế đó là President Family and Oceans.

Tạp chí phát hành từng quý, FQ, viết tắt của Father’s Quarterly, là tờ báo mới nhất.

Thông điệp của tạp chí này là “Hãy là một ông bố chịu chơi” và tạp chí này mới đây đã có đăng ảnh diễn viên điện ảnh Johnny Depp trên bìa báo, và có bài viết về kinh nghiệm làm bố của tài tử nổi tiếng này. Khi ra mắt hồi tháng chạp năm ngoái, báo này bán được hơn 50 ngàn ấn bản.

Ông Tomohiro Shimizu, chủ biên FQ Quarterly, nói rằng ông cho phát hành tạp chí bởi vì ông muốn xóa bỏ thành kiến miệt thị những ông bố quá tận tụy với con cái và giúp các ông đóng một vai trò tích cực hơn trong việc làm cha mẹ.

Ông Shimizu nói rằng thoạt tiên các ông bố không nên xấu hổ về việc nuông chiều và dành thời gian vui chơi với con cái. Mặc dầu bận rộn với công việc, các ông phải cảm thấy rằng gia đình là quan trọng hơn công việc. Các ông bố ở Nhật Bản tham gia vào việc nuôi dậy con trẻ ít hơn nhiều so với các ông bố ở các nước tây phương và chúng ta cần phải theo kịp đà tiến.

Ông Shimizu, 39 tuổi có một đứa con trai 3 tuổi. Ông nói rằng ông cũng muốn giúp tạo thế quân bình giữa công việc và nuôi dậy con cái.

Nhưng nhiều bậc làm cha nhận thấy việc này rất khó. Thực vậy, theo một cuộc thăm dò về giáo dục gia đình, người cha trung bình ở Nhật Bản dành khoảng 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong tuần cho con cái. Chỉ có các ông bố Nam Triều Tiên mới dành ít thời gian hơn. Các ông bố ở Thái Lan dành phần lớn thời gian cho con cái, gần như 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Cuộc thăm dò cho biết khoảng 40% các ông bố Nhật Bản quan tâm về thời gian ngắn ngủi dành cho con cái.

Các ông bố Nhật Bản thờng dành ít thời gian cho trẻ bởi vì họ trung thành với công ty chủ quản của họ. Từ thập niên 1960 đến đầu thập niên 1980, nhiều người Nhật tin rằng thành công ở nơi làm việc là ưu tiên hàng đầu của nam giới. Người cha vắng mặt trong gia đình là biểu hiệu của một người đàn ông thành đạt.

Ông Shimizu lập luận rằng từ bỏ truyền thống đó là điều cấp thiết. Ông cho rằng trừ phi các ông bố tham gia nhiều hơn vào việc nhà, thì những vấn đề ở trường học như bắt nạt, bạo lực và thành tích học tập kém có cơ sẽ trở nên tệ hại hơn.

Ông Shimizu nói rằng các cộng đồng không còn gần gũi nhau nữa và nhiều phụ nữ cũng phải đi làm thì ai là người sẽ săn sóc đám trẻ. Trước kia, ông bà sống chung với con cháu và giúp trông nom những đứa trẻ trong khi hàng xóm láng giềng cũng phụ một tay. Nhưng nay thì mọi việc đã thay đổi.

Ông Satoshi Watanabe là một phó giáo sư về khoa học kinh doanh tại trường đại học Tsukuba ở gần Tokyo. Ông quyết tâm dành thời giờ cho hai đứa con trai nhỏ.

Ông Watanabe cho biết vợ ông rất quý thời gian được gần con cái. Ông cũng muốn dành một số thời gian cho các con. Khoảng thời gian đó rất quý trong đời ông và ông thực sự cần thời gian đó. Ông nói rằng tạo sự cân bằng giữa công việc và gia đình là rất quan trọng.

Ông Watanabe cũng nói rng ông đang cố gắng thay đổi quan điểm của người Nhật đối với các ông bố. Cách đây một năm rưởi, ông là người đàn ông đầu tiên xin phép trường cho nghỉ để chăm sóc con lúc vợ ông sinh đứa con trai thứ nhì. Quyết định của ông đã gây kinh ngạc trong giới đồng nghiệp.

Các đồng nghiệp của ông Watanabe đã bầy tỏ sự kinh ngạc tột độ, Họ cho rằng ông lấy phép tới hai tuần ở nhà là quá lâu, lấy ai lo cho công việc sinh viên và trường học. Nhưng ông Watanabe nói rằng gia đình ông quan trọng hơn cả và ông cần phải lấy phép để chăm sóc cho con.

Ông Watanabe cho biết ông đã không phải chịu hậu quả nào của việc lấy phép cả.

Chỉ có 1% các ông bố Nhật Bản lấy phép để trông con. Ngược lại, hơn 70% phụ nữ thôi việc khi có con.

Trong khi những đứa con của ông Watanabe có thể lớn lên với những kỷ niệm thân thương về thời gian được qua với bố mình thì nhiều người đàn ông Nhật trong độ tuổi 30 và 40 cho biết họ không nhớ được là cha mình có chơi với mình, hay thậm chí có trò chuyện với mình hay không.

Các nhà xuất bản cho rằng điều đó có nghĩa là các tạp chí của họ về nghệ thuật làm cha có thể là phương sách duy nhất giúp các ông bố trẻ tuổi học tập cách nuôi dậy con cái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG