Đường dẫn truy cập

Mối quan hệ Mỹ-Việt-Trung


Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và nước cựu thù Hoa Kỳ đã cải thiện đáng kể. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ đã giúp thúc đẩy các cải cách kinh tế tại Việt Nam, Và chỉ mới tháng trước có tin là Washington đã tăng cường quan hệ giữa quân đội hai nước, mặc dầu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michael Marine nhấn mạnh rằng quan hệ song phương đã trở nên ngày càng mang tính sách lược.

Các chuyên gia nhận định rằng “sách lược” tại đông Nam Châu Á trong thế kỷ thứ 21 thường có nghĩa là làm thế nào để ứng phó với Trung Quốc đang lên. Đó là một vấn đề mà Washington và Hà Nội đang xem xét cẩn thận, và đường lối của hai bên dường như đã đưa hai nước khó lòng làm đồng minh lại gần nhau.

Nghệ thuật ngoại giao tam giác không còn xa lạ gì với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội. Từ nhiều thập niên, Việt Nam đã khôn khéo giữ thế quân bình giữa Nga và Trung Quốc, một bên là nước cung cấp nhiều viện trợ, một bên là đàn anh kề sát phía Bắc. Ngày nay, cán cân chuyển từ Moscow qua Washington, và các giới chức của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều cố gắng đạt được sự đồng thuận về vị thế siêu cường ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Các nền kinh tế ở đông Nam Châu Á đã mau chóng nhận thức được quyền lực ngày càng bành trướng của Trung Quốc, và cũng giống như Hoa Kỳ, các nền kinh tế này đã bắt đầu điều được mô tả là né tránh sự chi phối của Trung Quốc. Tại một hội nghị mới đây về bang giao Mỹ-Việt, ông Raymond Burghardt, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội từ năm 2001 đến năm 2004, nói rằng Việt Nam cũng nằm trong trường hợp này.

Ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ gia tăng trong vùng. Chúng tôi gọi đó là một chính sách tránh né.. và nói một cách thẳng thừng thì chính sách này đang được theo đuổi bởi các nước quanh Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Singapore và các nước khác. Điều này có nghĩa là không ai có thể đoan chắc một cách chính xác là Trung Quốc sẽ làm gì với quyền lực của họ trong tương lại. Không ai có thể chắc chắn là việc sử dụng quyền lực đó sẽ tử tế và thân thiện 100 phần trăm.

Trong suốt lịch sử tồn tại, Việt Nam lúc nào cũng phải lo lắng về việc Trung Quốc sử dụng quyền lực để chống lại con rồng nhỏ ở phía Nam. Bang giao Việt-Trung đã được dần dà được hàn gắn kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1979. Nhưng Hà Nội cũng thắt chặt bang giao với các lân bang khác, và quan trọng hơn nữa, là với Washington.

Trong khi vào thập niên 1990 Trung Quốc được coi là một đồng minh sách lược và Hoa Kỳ là một kẻ thù sách lược, thì điều đó đã bắt đầu thay đổi sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa bang giao vào năm 1995. Hà Nội đã chuyển hướng tiến tới một quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn với Washington.

Nhưng ông Burghardt nói rằng trong thời gian ông làm đại sứ tại Việt Nam vào năm 2003, sau một Đại hôi đảng quan trọng tại Hà Nội và giữa lúc Hoa Kỳ đang lãnh đạo cuộc chiến tranh tại Iraq, thì cả hai nước đã thực hiện một cuộc đánh giá lại sách lược về mối bang giao này so với một Trung Quốc đang lên.

Trong những cuộc nói chuyện đó, bắt đầu có việc thảo luận về các vấn đề sách lược. Và đó là một sự kiện mới lạ trong bang giao với Việt Nam. Trước kia thì các vấn đề này dường như là cấm kỵ. Có một cái gì đó mà Việt Nam không muốn nói chuyện với chúng ta. Nay thì ta thấy một thiện chí mới trong việc đề cập đến Trung Quốc với chúng ta.

Ông Alexander Vu Vinh là một giáo sư về các vấn đề quốc tế tại trường đại học Harvard. Ông Vinh nói rằng đường lối mới này xuất phát một phần từ sự chuyển biến dần dà của Hà Nội bứt ra khỏi sự thống trị của chủ thuyết xã hội chủ nghĩa và tiến tới việc hiện đại hóa và hòa nhập. Điều đó có nghĩa là sự lệ thuộc nhiều hơn vào công cuộc giao tiếp với các đối tác trong khối ASEAN, và với các nước như Hoa Kỳ.

Ông Vũ Vinh nói rằng tuy có ảnh hưởng rộng lớn trong khu vực, Trung Quốc đã cố gắng hòa thuận với các nước xung quanh, phần lớn là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế Á Châu.

Bang giao của Trung Quốc với ASEAN đã cải thiện đáng kể trong 15 năm vừa qua, cao điểm là một hiệp định thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc ký kết vào tháng giêng ở Philippin. Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo được trích thuật nói rằng ASEAN “sung sướng được nhận Trung Quốc làm người anh cả trong vùng.”

Tuy nhiên, phần lớn Ðông Nam Châu Á dựa nhiều vào vốn và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ.

Giáo sư Frederick Brown, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, nói rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đề cao cảnh giác đối với Trung Quốc như họ từng làm trong mấy ngàn năm qua. Theo ông Brown, thái độ này của Việt Nam có lợi cho giới hữu trách ở Washington:

Rõ ràng là cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều cảm thấy lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khuôn khổ của quyền lợi hỗ tương về chiến lược này, chúng ta có thể dự kiến là Việt Nam sẽ có những hành động tích cực để xích lại gần hơn với chúng ta nếu chúng ta không đưa ra những luận điệu tự tin quá mức.

Cựu đại sứ Burghardt nhấn mạnh rằng Hà Nội chỉ muốn tăng cường quan hệ với Washington tới một mức độ nào đó mà thôi.

Sự thay đổi về chiến lược này giúp cho đôi bên cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, điều quan trọng, rất quan trọng, là không nên thổi phồng quá đáng. Việt Nam vẫn còn nghi ngại đối với Hoa Kỳ. Hiện nay Việt Nam quí trọng vai trò cân bằng sức mạnh mà Hoa Kỳ đang nắm giữ trong khu vực, nhưng họ lo ngại một cách sâu sắc đối với những điều mà chúng ta thường hay lên tiếng cổ xướng như dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo.

Giáo sư Brown cho biết ông không tin là Việt Nam có khả năng trở thành một tiền đồn vững chắc để ngăn chận sự chế ngự của Trung Quốc đối với vùng Đông Nam Á. Theo ông, hai nước láng giềng này có một mối quan hệ lâu dài, với những sự tiếp xúc chặt chẽ và gần gũi ở mọi cấp bậc. Mặc dầu vậy, ông Brown cũng nhấn mạnh rằng rốt cuộc thì Việt Nam chứ không phải Hoa Kỳ là nước có quyền lợi thiết thân trong việc chận đứng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tuy Trung Quốc rõ ràng là mạnh hơn Việt Nam nhưng họ không thể dễ dàng ép buộc Việt Nam làm những gì mà họ muốn. Tại sao vậy? Tại vì, ở một mức độ nào đó mà nói, sự sinh tồn chính là động cơ của sự kháng cự của Việt Nam. Và động cơ này lúc nào cũng mạnh hơn động cơ của Trung Quốc là tìm cách chế ngự nước khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG