Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Việt Nam và Philippin đã bầy tỏ các quan điểm khác biệt về cách thức thuyết phục Miến Điện hướng tới dân chủ.
Sự kiện này phản ánh tiềm năng của các vấn đề cho một khối thị trường chung và một khu vực mậu dịch tự do mà ASEAN đang dự định thành lập.
Tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo khối 10 quốc gia ASEAN ở Cebu trước đây trong tháng này, tổ chức đã phá lệ thường trước đây là luôn luôn nhất trí khi đồng ý thảo luận một kế hoạch cho một tổ chức thống nhất hơn có khả năng chế tài, và thậm chí khai trừ, các thành viên không tuân hành các quy định của tổ chức.
Các nước trong khối đã đồng ý soạn thảo một hiến chương chung để định ra khung sườn cơ chế cho một cộng đồng ASEAN và đề nghị thêm những biện pháp chế tài.
Nhưng các bất đồng về những gì có thể được coi như là can thiệp vào nội bộ các thành viên khác đã nẩy sinh tại Diễn Đàn Kinh tế Thế giới ở thành phố nghỉ mát của Thụy Sĩ này trong một cuộc thảo luận về “40 năm ASEAN, Một Tương lai mới” hôm thứ sáu tuần rồi.
Phát biểu trong buổi thảo luận gồm thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi của Malaysia, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam, tổng thống Macapagal-Arroyo của Philippin đã nêu lên một vấn đề mà ASEAN đã có xu hướng tránh né trước đây.
Bà Arroyo nói rằng Philippin ngày càng lên tiếng bầy tỏ ý muốn Miến Điện tăng tốc trong lộ đồ hướng tới dân chủ và trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.
Tuy không trực tiếp phản đối tổng thống Philippin, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã nêu vấn đề một số thành viên ASEAN cảm thấy không thoải mái, đó là mức độ mà tổ chức có thể kỷ luật các thành viên mà không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ.
Ông Dũng nói rằng cơ chế thực hiện quyết định không nên đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản mà tổ chức được xây dựng.
Theo ông, thành quả của ASEAN trong 40 năm qua một phần là dựa vào việc tôn trọng các nguyên tắc bất can thiệp, đồng thuận và tương kính và ông nói rằng cần phải duy trì tình trạng này.
Như ta đã biết, các thành viên của ASEAN bao gồm Philippin, Malaysia, Lào, Kampuchia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Miến Điện, Brunei và Indonesia.