Đường dẫn truy cập

Triển lãm: "Lìa Xa Sài Gòn Yêu Dấu, Nhập Tiểu Sài Gòn Thân Thương"


Vào thứ bảy 20 tháng giêng vừa qua, một cuộc triển lãm về những bước tiến của người Việt tỵ nạn sau hơn 30 năm tại Hoa Kỳ đã được khai mạc tại một trong những cơ sở trưng bày của hệ thống viện bảo tàng đồ sộ Smithsonian ở thủ đô Washington. Chúng tôi đã tiếp xúc vơi tiến sỹ Phạm Hồng Vũ, một trong những người trong ban tổ chức cuộc triển lãm này, và lấy ý kiến của một số khách đến xem. Mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây với Lan Phương.

(Xin vui lòng bấm vào đường dẫn trên đây để nghe toàn bộ bài này).

Người Việt đã hiện diện đông đảo tại Hoa Kỳ sau biến cố tháng tư năm 1975. Họ đến đây qua chương trình giúp đỡ của chính phủ sở tại và từ bước đầu tay trắng, bỡ ngỡ nơi xứ sở mới và phải bắt đầu lại cuộc sống từ con số không, sau 30 cần cù vất vả để kiếm sống, để học hỏi và để hội nhập, phần lớn khối người Việt bỏ nước ra đi đã có cuộc sống ổn định và đóng góp đáng kể cho xã hội đã cưu mang họ. Trong số khối người Việt tỵ nạn mà giờ đây lên tới khoảng 1 triệu 500 ngàn người trên troàn quốc Hoa Kỳ đã có những con người xuất sắc tiến vào hầu như tất cả mọi lãnh vực của đời sống xã hội, văn hóa, khoa học, kinh tế, chính trị ở đất nước này. Ngoài những thành quả đó, người Việt còn đem những khả năng của họ giúp đỡ cho những người cần được giúp đỡ ở quê hương mà 30 năm trước họ đã phải rời bỏ ra đi.

Những hình ảnh và hiện vật được trưng bày trong cuộc triển lãm có tên là “Exit Saigon, Enter Little Saigon“, được ban tổ chức dịch ra từ “Lìa Xa Sài Gòn Yêu Dấu, Nhập Tiểu Sài Gòn Thân Thương“ tại hệ thống viện bảo tàng Smithsonian đã nói lên được phần nào con đường mà khối người Việt tại Hoa Kỳ đã trải qua trong suốt 3 thập niên qua.

Để có tài chính chi phí cho cuộc triển lãm này và thành lập một quĩ tín thác thường trực hầu tổ chức tổ chức các hoạt động văn hóa trong tương lai với hệ thống viện bảo tàng Smithsonian, cộng đồng người Việt vùng Thủ đô đã mở nhiều cuộc gây quĩ và đã được hưởng ứng nồng nhiệt. Chỉ riêng trong buổi gây quĩ hôm thứ năm 18 tháng giêng vừa qua, số tiền đóng góp đã lên tới 175 ngàn đô la. Tiêu chuẩn của quĩ tín thác về Di Sản Văn Hóa Người Mỹ gốc Việt với viện bảo tàng Smithsonian là 1 triệu đô la. Hiện nay số tiền dóng góp đã lên tới trên nửa triệu, trừ chi phí cho cuộc triển lãm, quĩ còn được khoảng 300 ngàn đô la.

Bước vào phòng triển lãm, khách xem sẽ thấy ngay một bảng chỉ đường lấy từ California sang, bảng đường chỉ dẫn cho người lái xe rẽ vào khu Little Sài Gòn, tức tiểu Sài Gòn, tại quận Cam nơi được coi là thủ phủ của người Việt hiện diện tại Hoa Kỳ.

Khách còn được thấy một số hiện vật trong bước đầu tỵ nạn của người Việt Nam, đó là túp lều tạm bợ với những giây phơi quần áo ở trại tỵ nạn điển hình tại Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, cũng như con số đông đảo người tỵ nạn di tản tụ tập trong các trại tiếp nhận của Hoa Kỳ trên đảo Guam hay nội địa Hoa Kỳ. Nhưng chỉ một thoáng sau, khách được xem những chứng tích về thành quả rực rỡ của người Việt trong đủ mọi lãnh vực. Một số những tên tuổi được nhắc đến như Eugene Trịnh, tiến sỹ kỹ thuật, phi hành gia không gian người Mỹ gốc Việt đầu tiên, nghị viên Tony Lâm, người Việt đầu tiên ứng cử và đắc cử vào hội đồng thành phố Westminster, quận Cam, bang California, ông Triệu Phát, một doanh nhân thành công về ngành địa ốc và là nhân vật chính trong việc tạo dựng nên khu thương xá Phước Lộc Thọ của người Việt tại khu vực Little Sài gòn. Betty Nguyễn, một phụ nữ gốc Việt thành công trong ngành truyền thông, phóng viên và là người trình bày tin tức cho đài CNN, ông Đinh Việt, từng giữ chức vụ phụ tá bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, một người gốc Việt giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ Mỹ, Thái Tăng Nhân Hậu, kỹ sư cầm đầu toán chuyên viên của công ty xe hơi Ford với kiểu xe Mustang thế hệ mới, Đạt Nguyễn, một cầu thủ gốc Việt chơi trong đội banh bầu dục Dallas Cowboy, Chloe Đào, được giải thưởng trong ngành thời trang, Đạt Phan, chiếm giải thưởng trong chương trình hài hước “ Last Comic Standing”. rồi Tony Bùi, với phim Ba Mùa. Một vài tờ tạp chí tiêu biểu cũng được trưng bày như “ Nhà“, “BN Magazine”, hình ảnh về các khu thương xá của người Việt tại Califronia, khu Eden ở bắc Virginia, các hoạt động văn hóa ngày lễ tết và hội hè, v..v ..Trên màn hình, một số công việc và thành quả dược nhắc đến như Hội giúp xe lăn cho người tàn tật tại Việt Nam với ông Trần Văn Ca và nhiều hình ảnh khác.

Để thay lời kết, mời quí thính giả nghe cảm tưởng của một vị khách người Mỹ gốc Phi châu đến xem cuộc triển lãm :

VOICE : Đây là một sự vươn lên từ tro tàn gạch vụn đến thành quả to lớn, và khi tôi nhìn vào những thống khổ của người tỵ nạn, nó nhắc nhở cho tôi về những thống khổ mà người (da đen) chúng tôi từng phải chịu đựng, và nó thể hiện cách người ta vươn lên tới quyền lực như thế nào, và tiếp tục vươn lên như thế nào.

Cuộc triển lãm kéo dài từ ngày 20 tháng giêng 2007 đến 31 tháng 3 năm 2007, sau đó sẽ được đưa đi nhiều nơi tại nước Mỹ trong vòng 3 năm.

Cuộc triển lãm được tổ chức tại Concourse Gallery, Smithsonian D. Dillon Ripley Center, 1100 Jefferson Dr, SW,Washington D.C từ 20 tháng giêng 2007 đến 31 tháng 3 năm 2007, sau đó sẽ được đưa đi nhiều nơi tại nước Mỹ trong vòng 3 năm. Nếu cộng đồng hay tổ chức nào có lời yêu cầu đưa cuộc triển lãm đến một nơi nào đó ở HOA KỲ , xin liên lạc với số điện thoại: (202 ) - 633 - 2690 hoặc vào địa chỉ trang web : www.vietnam.org/m_outreach.php .

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG