Đường dẫn truy cập

Vòng quanh thế giới trên Chuyến Xe Lửa Tốc Hành Quốc Tế ở New York


Chuyến xe điện ngầm số 7 chạy ngang qua quận Queens của thành phố New York được đặt cho cái tên là “Chuyến Xe Lửa Tốc Hành Quốc Tế”, bởi vì nó chạy xuyên qua một khu vực nơi qui tụ nhiều sắc dân đến từ 150 quốc gia. Lá thư Mỹ Quốc hôm nay sẽ gửi đến quí thính giả bài viết của TTV Amanda Cassandra về chuyến xe lửa xuyên quốc gia. Mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây với Lan Phương.

Từ Công Trường Times Square ở trung tâm quận Mahattan, đến khu Flushing trong quận Queens của thành phố New York, chuyến xe điện ngầm số 7 chạy ngang qua nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh, văn hóa,viện bảo tàng và những nơi thờ tự của nhiều nền văn hóa chỉ nội torng một tiếng đồng hồ.

Ông Jack Eichenbaum là một nhà địa lý học về thị tứ và là một thổ công sống tại quận Queens từ rất lâu. Queens là một trong số 5 quận của thành phố New York vô cùng to lớn. Ông cho biết thành phố là một trong những nơi có số di dân cao nhất trên thế giới, và đa số các di dân này tập trung tại quận Queens vì giá nhà tương đối hạ và vì vị trí gần với phi trường Kennedy, một trung tâm điểm của màng lưới giao thông quốc tế.

Cuộc kiểm tra dân số mới đây nhất năm 2000 cho thấy 39% dân số tại thành phố New York ra đời ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là cứ 5 người dân của thành phố này thì có 2 người mở mắt chào đời ở ngoài nước Mỹ., và họ là di dân.

Theo ông Eichenbaum thì New York là một nơi đến hấp dẫn cho nhiều di dân vì nhiều lý do:

Di dân thường có 3 loại, thứ nhất là những người đã có thân nhân ở đây sẵn rồi. Thứ nhì là những người có một nghề nghiệp được quí trọng như bác sỹ hay y tá chẳng hạn, và trong số những di dân tại thành phố New York, người Philippines kiếm được đồng lương cao nhất. Hầu hết họ là nữ y tá vì ở Philippines họ có một hệ thống giáo dục theo kiểu Mỹ, và từng là thuộc địa của Hoa Kỳ, họ nói được tiếng Anh thông thạo. Thứ ba là những người có tiền, mang được cả trăm gnàn đô la đến để lập các cơ sở buôn bán, thuê mướn nhân công. Trong số những người thuộc diện này thì dân Nam Triều Tiên được xếp hàng đầu tại thành phố New York. Đây là sắc dân mở nhiều cửa hàng và văn phòng cùng các loại dịch vụ khác nhiều hơn ai hết. Đó là lối sinh sống của họ và cũng là lý do tại sao họ lại nhập cư vào đây.

Theo chuyên gia Eichenbaum thì điều đáng chú ý nhất của cuộc du hành quốc tế trên chuyến xe lửa số 7 không phải là nó chạy ngang qua vô số khu vực văn hóa khác nhau hay con số đông đảo hành kháchh mỗi ngày đến 400 ngàn người mà nó chở đi, nhưng là điều mà theo,một cung cách nào đó mọi người có vẻ như rất tử tế với nhau.

Người Ấn Độ, người Pakistan, người Bangladesh...họ đều đi lại trên những đường phố, mua bán cùng với nhau. Một trong những thắng lợi vẻ vang của nước Mỹ là các nhóm di dân đến đây đã học rất nhanh cách cư xử thân thiện đối với những người mà khi còn trong nước họ rất thù ghét. Điều làm cho người ta cảm thấy ngạc nhiên thích thú là khi thấy có những người tại Âu Châu hoặc Á Châu vẫn tranh chấp với các lân bang thì đến đây họ lại sống chung hòa bình với những người đến từ chính các quốc gia đó, nhất là khi họ cùng cần đến những loại sản phẩm quen dùng nào đó.

Ông Eichenbaum nói rằng chuyến xe điện ngầm số Bảy tự nó đã có công lớn với một số công trình đô thị hóa của quận Queens, vì nhiều di dân định cư gần lộ trình của chuyến xe đã đem đến kết quả là các cửa hàng và cơ sở buôn bán được mở ra đông đảo để phục vụ cho dân số ngày một đông.

Anh Mustafa Ali Hadi 21 tuổi, đã từ Pakistan di cư sang khu Jackson Heights của quan Queens. Anh nói rằng tại Paksitan, người ta biết đến Jackson Heights như là một nước Pakistan thu nhỏ, có sẵn tất cả mọi phương tiện dễ chịu như ở quê nhà.

Từ ngày còn trong nước, tôi đã được nghe nói về Jackson Heights. Họ nói rằng khu này giống hệt như ở Pakistan. Họ so sánh nó với một khu có tên là Lalucade. Thật là tuyệt. Chúng tôi có một khung cảnh sống thật tốt và bạn bè tử tế. Thật là dễ dàng cho chúng tôi sinh sống ở đây, vì chúng tôi không gặp trở ngại ngôn ngữ.

Bà Glen Narkins là một cư dân sinh sống đã lâu đời ở Jackson Heights. Bà đã từng chứng kiến sự thay hình đổi dạng của Jackson Heights từ một cộng động của người Ái Nhĩ Lan và người Ý sang thành một khu vực với đủ mọi sắc dân như ngày nay. Bà cho ibết bà rất thích thú với sự đa dạng khu Jackson Heights cũng như có được cơ hội để thưởng thức đủ mọi món ăn của nhiều sắc dân.

Có rất nhiều tiệm ăn đủ loại, từ các món ăn của sắc dân nam, trung Mỹ gốc tây Ban Nha, đến Ấn Độ, và dĩ nhiên cả những tiệm ăn của người Ý nữa.

Đánh một vòng qua khắp các khu xóm của quận Queens, du khách sẽ thấy các viện bảo tàng, các khu vườn bày các tượng điêu khắc, một công viên rộng lớn từng là nơi tổ chức hội chợ thế giới năm 1939 và năm 1964. Trong khu vực Woodside của quận Queens, du khách sẽ thấy các quán rượu của người Ái Nhĩ Lan và các tiệm ăn Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những nơi thờ tự dành cho nhu cầu tâm linh của các cộng đồng người Triều Tiên, Châu Mỹ La Tinh và người Hoa.

Vào năm 2000, Tòa Bạch Ốc đã đặt tên cho chuyến xe điện ngầm số 7 là chuyến xe Thiên Niên Kỷ Toàn Quốc, công nhận nó như một biểu tượng của kinh nghiệm di dân Hoa Kỳ. Đây là một trong 16 chuyến xe như thế, trong số này có chuyến xe lửa Appalachian và chuyến xe lửa Tự Do của Boston, phản ánh sự chọn lựa để trưng ra những nét đa dạng đã tạo nên lịch sử Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG