Đường dẫn truy cập

Tổng thư ký LHQ và tổng thống Bush thảo luận về vấn đề Sudan


Xuất thân là một nhà ngoại giao Nam Triều Tiên, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của ông trong cương vị người lãnh đạo Liên Hiệp Quốc vào một thời điểm khủng hoảng đang xảy ra tại vùng Darfur bên Sudan, cũng là lúc có nhiều biến động tại Somalia, chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, và tình hình Trung Đông đang đầy những bất ổn. Hôm thứ Ba, Ông Ban Ki Moon và Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận về những đề tài vừa nêu cùng nhiều vấn đề khác mà thế giới đang quan tâm.

Trước một đám đông gồm các đại diện của cộng đồng doanh thương tại thành phố New York, ông Ban Ki-moon đã khởi sự bài diễn văn đầu tiên của ông trong cương vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, bằng một lời nói đùa về cái tên cha mẹ đặt cho ông, bắt đầu bằng chữ “Ban”, tiếng Anh nghĩa là “nghiêm cấm”:

Khi trở thành Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc, tôi ngẫm nghĩ không biết có nên đổi tên vào lúc này hay không. Nhưng nghĩ lại, trong thế giới chúng ta ngày nay, có biết bao nhiêu là điều chúng ta cần “nghiêm cấm”. Là một Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc, tôi nghĩ cái tên ấy nó thích hợp với công việc của tôi lắm!

Nhưng những lời nói đùa đã nhanh chóng nhường chỗ cho những quan tâm, như nhà ngoại giao chuyên nghiệp này đã xác định một cách nghiêm túc về một vấn đề quan yếu nhất mà ông sẽ dành nỗ lực để giải quyết trong những tháng sắp đến. Đó là cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Sudan.

Trong nghị trình làm việc của tôi, tình hình tại Darfur được đặt vào thứ tự ưu tiên cao nhất.

Ông Ban Ki Moon đã đọc bài diễn văn này trước một nhóm doanh nghiệp có tên là Hiệp Hội Cải Thiện New York hôm thứ Tư vào lúc mà đặc sứ Mỹ Bill Richardson từ Khartoum loan báo rằng phe nổi dậy ở Darfur đã thỏa thuận với chính quyền Sudan về một cuộc ngưng bắn 60 ngày. Hai bên đã đạt được thỏa thuận hưu chiến trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Phi vào cuối tháng này, mà ông Ban Ki Moon dự tính sẽ tham dự.

Trong chuyến công du đầu tiên của tôi ra nước ngoài, tôi dự tính sẽ tham gia hội nghị cấp cao Liên Hiệp Châu Phi được tổ chức vào cuối tháng này ở thủ đô Addis Abbaba của Ethiopia. Tại đây, tôi hy vọng sẽ có thể có những hoạt động ngoại giao và những cuộc thương thuyết với Tổng Thống Omar al-Bashir của Sudan và các nhân vật quan trọng khác trong Liên Hiệp Châu Phi. Tôi quyết tâm giải quyết vấn đề liên quan đến vùng Darfur càng sớm càng tốt, để tránh gây ra thêm nhiều đau khổ cho những người dân vô tội tại khu vực Darfur.

Ngay trước khi lên nắm quyền lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, ông Tổng Thư Ký Ban Ki Moon đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về chuyện ông đã không công khai lên án việc áp dụng hình phạt tử hình vào thời gian ông Saddam Hussein bị hành quyết ở Iraq. Ông Ban Ki-moon đã viết thư gửi cho Tòa Thượng Thẩm Iraq, kêu gọi giới hữu trách Iraq hãy tự chế trong vụ án của ông Saddam Hussein. Sau đó, ông Ban Ki-moon tìm cách nói rõ vụ này trong cuộc họp báo đầu tiên của ông với các nhà báo đặc trách tường trình về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Ông Ban Ki Moon phát biểu:

Tôi nhận ra rằng trong luật pháp quốc tế và trong cách hành xử của các quốc gia, có xu hướng hướng tới việc xóa bỏ án tử hình. Tôi khuyến khích xu hướng ấy. Trong khi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đưa ra những quyết định của riêng họ về vấn đề này, tôi trông đợi họ sẽ tuân thủ tất cả những khía cạnh của luật pháp quốc tế.

Những cuộc bạo động tiếp diễn tại Iraq đã thu hút sự chú ý của thế giới trong tuần này, sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush quyết định tăng quân số của lực lượng Hoa Kỳ ở Baghdad và các địa điểm có nhiều biến động khác ở Iraq. Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, bà Condoleeza Rice, đã đến Trung Đông để thực hiện một chiến dịch ngoại giao nhằm vận động sự ủng hộ của các nước đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Được hỏi Liên Hiệp Quốc có thể làm gì để giúp giải quyết cuộc xung đột ở Iraq, Tổng Thư Ký Ban Ki Moon đã tránh đưa ra bất cứ cam kết nào hướng tới việc nới rộng vai trò của Liên Hiệp Quốc ở Iraq. Ông phát biểu:

Chúng tôi sẽ tìm cách tham gia vào tiến trình ấy trong khả năng có được. Nhưng mức độ tham dự và đóng góp của Liên Hiệp Quốc, tại thời điểm này, về phần lớn, do tình trạng an ninh tại hiện trường quyết định. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ tình hình Iraq.

Ông Ban Ki Moon nói trên khắp thế giới ngày nay, nhu cầu cần những dịch vụ gìn giữ hòa bình và hòa giải của Liên Hiệp Quốc đang lên đến mức cao nhất từ trước tới nay, và ông hứa sẽ hợp lý hóa các nỗ lực ấy, để tăng hiệu năng của chúng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG