Thưa quí vị và các bạn, lần đầu tiên trong hơn 200 năm qua tại nước Mỹ, một nữ chính trị gia đã được bầu làm chủ tịch Hạ viện, một cơ quan quyền lực tối cao của Hoa Kỳ. Khi Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp trở lại vào đầu tháng 1 năm nay, cũng là lúc Bà Nancy Pelosi làm nên lịch sử khi bà trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hạ viện. Trong chuyên mục Câu chuyện Phụ nữ kỳ này, Minh Anh xin cùng quí vị và các bạn tìm hiểu thêm đôi nét về bà Nancy Pelosi về tuổi thơ của bà, về sự nghiệp chính trị cũng như quan điểm chính sách của bà đối với những vấn đề trọng tâm hiện tại của nước Mỹ.
Bà Nancy Pelosi sinh trưởng và lớn lên tại một làng của người Mỹ gốc Italia tại Baltimore, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị, thân phụ của bà ông Thomas D'Alesandro đã từng là dân biểu đại diện tiểu bang Maryland trong thời gian từ năm 1939-1947, sau đó ông giữ chức thị trưởng thành phố Baltimore từ năm 1947-1959. Một trong số 5 anh em trai của bà, ông Thomas J. D'Alesandro III cũng đã từng giữ chức thị trưởng Baltimore từ năm 1967 đến năm 1971.
Có lẽ truyền thống gia đình đã vun đắp cho tham vọng chính trị của người phụ nữ này. Ngay từ nhỏ bà đã từng giúp cha dán những chiếc phong bì trong các chiến dịch vận động của ông, đôi khi bà cũng làm việc ở bàn tiếp tân tại nhà để ghi lại những câu chuyện buồn, những lời thỉnh cầu của những người dân nơi đây và chuyển tới cha Bà. Bà lớn lên chứng kiến những toan tính chính trị, chứng kiến việc những ân huệ được người ta đáp trả ra sao. Phố Albemarle là cái nôi chính trị đầu tiên nơi đã đào tạo bà Nancy Pelosi, nơi đây là trung tâm chính trị của ngôi làng nhỏ của cộng đồng những người Mỹ gốc Italia. Trong những năm tháng này, bà cũng đã học được nhiều điều về sức mạnh của lòng trung thành.
Anh trai đầu của bà, ông Thomas D’Alesandro nhớ lại: “tất cả chúng tôi đều sinh ra và được nuôi dạy trong môi truờng chính trị, và chúng tôi đều đi theo con đường này”. Oâng nói thêm “cửa nhà chúng tôi luôn luôn rộng mở, mọi người đến để tìm việc làm, xin trợ giúp y tế, trợ giúp về nhà cửa…và Nancy đã có cơ hội ngay từ những năm tháng tuổi thơ để được sống trong thế giới chính trị ở ngay cấp địa phương”.
Vào thời điểm đó, chính trị trong thời đại của thân phụ bà là việc lo cho sự tồn tại của con cái của những người Italia nhập cư, là làm sao để có được việc làm, để tồn tại ở một thành phố lớn, làm sao để được hưởng những quyền lợi công bằng. Chính những điều này đã khơi nguồn cho khát vọng được làm một điều gì đó để đem lại sự công bằng nhất là về mặt kinh tế cho những người dân Mỹ của bà Pelosi.
Khi được hỏi môi trường gia đình đã có ảnh hưởng như thế nào đến con đường chính trị của bà, bà Nancy Pelosi nói rằng điều mà bà học hỏi được từ gia đình là về sự công bằng về mặt kinh tế, và bà luôn tâm niệm về một chương trình nghị sự của một nền kinh tế công bằng, nơi nhiều người dân Mỹ, tất cả mọi người dân Mỹ, đều có thể tham gia vào sự thành công của đất nước.
Bà Pelosi rời khu Little Italy để đi học trung học và kể từ đó chưa từng trở lại đây để sống như một cư dân ở khu này, tuy nhiên nhiều người láng giềng vẫn còn nhớ đến một cô gái bé nhỏ lịch lãm thường cùng cha đi trong những chiếc xe mui trần trong các cuộc tuần hành tại thành phố Baltimore.
Bà Pelosi tốt nghiệp trường đại học Trinity ở Washington, D.C. vào năm 1962, sau đó bà lập gia đình với một doanh nhân, ông Paul Pelosi, và dọn đến sinh sống tại thành phố San Francisco quê nhà ông. Bà tiếp tục theo đuổi con đường chính trị và tham gia vào đảng Dân chủ của tiểu bang California trước khi được bầu vào quốc hội sau một cuộc bầu cử đặc biệt tại quận thứ 8 của tiểu bang California vào năm 1987, để thay thế Dân biểu Sala Burton, người đã từ trần khi còn đương nhiệm. Bà đã được tín nhiệm chọn làm Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Quốc hội vào năm 2002, khi đó đảng Dân chủ không nắm được quyền kiểm soát Quốc hội Hoa Kỳ.
Sau khi Đảng Dân chủ giành đuợc quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra vào tháng 11 năm 2006 vừa qua, bà đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện và đã chính thức nhậm chức vào đầu tháng 1 này.
Trong ngày đầu nhậm chức Bà Nancy Pelosi phát biểu:
Chúng ta hãy sát cánh bên nhau để đưa đất nước tiến về phía trước, hãy cùng nhau tìm tiếng nói chung để đem lại mọi điều tốt đẹp cho tất cả mọi người. Chúng ta đã làm nên lịch sử. Giờ đây chúng ta hãy cùng đạt thêm nhiều tiến bộ cho người dân Mỹ.
Về mặt kinh tế và xã hội bà Nancy là người luôn ủng hộ các chính sách đối với phụ nữ. Bà luôn luôn bảo vệ các quyền của người phụ nữ, đặc biệt là việc chấp thuận ngân sách liên bang đối với các cơ sở nạo thai và hỗ trợ tài chính cho những tổ chức này, mặc dù vấn đề nạo thai là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ do những giáo lý của Công giáo.
Bà cũng đã ủng hộ nhiều đạo luật về tăng cường hỗ trợ cho người nghèo và người khuyết tật trong khi tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu ở Mỹ. Bà cũng là người ủng hộ các quyền của người nhập cư trong đó có việc bỏ phiếu chống lại Đạo luật Xây dựng Hàng rào biên giới vào năm 2006 của Hoa Kỳ.
Những điểm chính trong chính sách ngoại giao của bà là việc ủng hộ quan hệ không thể tách rời giữa Hoa Kỳ và Israel. Bà cũng đã mạnh mẽ lên án các vụ thử nghiệm phi đạn và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Về chính sách đối với Iraq bà nói rằng người Mỹ muốn có một sự thay đổi ở Iraq:
Người dân Mỹ không chấp nhận một nghĩa vụ đối với một cuộc chiếnï không có hồi kết. Ngay sau khi Tổng thống Bush đọc diễn văn trước toàn thể dân chúng về vấn đề Iraq. Nhiệm vụ của Tổng thống là đưa ra một kế hoạch mới về Iraq để người raq hiểu rõ rằng họ phải tự bảo vệ các đường phố của họ, tự đảm bảo an ninh cho chính họ – một kế hoạch có thể xúc tiến cho sự ổn định trong khu vực và một kế hoạch cho phép chúng ta rút quân đội về một cách có trách nhiệm.
Tuy nhiên Bà cũng phát biểu rằng Đảng dân chủ luôn luôn ủng hộ quân đội Hoa Kỳ ở Iraq.
Quí vị có thể đều biết trên thế giới đã có nhiều người phụ nữ giữ những chức vụ lãnh đạo cao nhất tại đất nước họ, trong đó có Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Thủ tướng của Đức Angela Merkel, Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf của Lyberia hay Tổng thống Gloria Maccapgal Arroyo của Philippines. Tuy nhiên, nước Mỹ đã phải đợi tới hơn 200 năm mới có một người phụ nữ có quyền lực cao như bà Nancy Pelosi.
Đây là thời khắc mà chúng ta đã chờ đợi hơn 200 năm nay. Chúng ta chưa từng để mất niềm tin, chúng ta đã đợi chờ trong suốt những năm qua để đấu tranh giành quyền lợi của mình. Tuy nhiên phụ nữ không chỉ chờ đợi, phụ nữ chúng ta đã hành động. Chưa bao giờ để mất niềm tin, chúng ta đã cùng nhau thực hiện lời hứa của nước Mỹ rằng mọi người sinh ra, cả nam giới và nữ giới, đều bình đẳng.
Trong những thập niên gần đây nhiều phụ nữ Mỹ đã có được những vị trí cao trong chính phủ Hoa Kỳ. Người nữ ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ là bà Madeleine Albright, bà đã giữ chức ngoại trưởng trong chính quyền của Tổng thống Clinton từ năm 1997 cho tới năm 2001. Sau đó vào tháng 1 năm 2005, Bà Condoleezza Rice đã trở thành người phụ nữ thứ hai đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Liệu người dân Mỹ nói chung và những phụ nữ Mỹ nói riêng có thể hy vọng vào một ngày không xa, sẽ có một người phụ nữ Mỹ được bầu làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ hay không? Liệu lịch sử có lại một lần nữa nghiêng về những phụ nữ Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2008 tới đây hay không? Chúng ta hãy cùng chờ đợi và hy vọng sẽ được chứng kiến thêm một người phụ nữ Mỹ nữa làm nên lịch sử.