Đường dẫn truy cập

Khủng bố, mậu dịch tự do và Bắc Triều Tiên sẽ được thảo luận tại ASEAN


Nạn khủng bố, mậu dịch tự do, và Bắc Triều Tiên nằm trong số những đề tài sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp Hội ASEAN nhóm ở Cebu tại Philipin trong tuần này. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng phải cứu xét một cấu trúc chính thức mới hơn cho Hiệp hội này.

Cuộc chiến chống khủng bố là một đề tài nhạy cảm tại Đông Nam Á, nơi mà nhóm khủng bố Hồi giáo Jemaah Islamiyah chủ mưu một loạt đánh bom gây chết người. Người ta tin rằng các thành viên của nhóm này đang sống ở Philipin.

Tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo ASEAN dự trù công bố một tuyên cáo chống khủng bố hoặc một công ước có tính cách ràng buộc hơn về mặt pháp lý. Kế hoạch này nhằm giúp cho 10 nước thành viên ASEAN trao đổi thông tin với nhau để truy tầm các nghi can khủng bố một cách có hiệu quả hơn.

Ông Medardo Abad Junior thuộc Văn phòng tổng Thư ký ASEAN nói rằng công ước chống khủng bố là một bước tiến quan trọng.

Ông Abad nói rằng công ước này sẽ buộc các nước thành viên trợ giúp lẫn nhau về mặt pháp lý trong các vụ hình sự, kể cả việc dẫn độ hay truy tố những kẻ có hành vi khủng bố. Đây là một công cụ của ngành tư pháp và luật hình sự để xác minh hành vi đó là hình sự hoặc khủng bố, phù hợp với các công ước và nghị định thư của Liên Hiệp Quốc liên quan đến khủng bố.

Một đề tài quan trọng khác tại cuộc hội nghị thượng đỉnh là soạn thảo một bảnhiến chương ASEAN nhằm giúp cho hiệp hội này có một cơ sở pháp lý vững mạnh hơn khiến cho Hiệp hội có thể thực thi những gì đã thỏa thuận với nhau. Đây là một thay đổi nội bộ quan trọng của Hiệp hội và sẽ cho phép Hiệp hội trừng phạt những thành viên nào không tuân theo luật lệ.

Ông Luis Cruz đặc trách các vấn đề ASEAN tại Bộ ngoại giao Philipin nói rằng vào lúc này Hiệp hội không có một hiến chương mà chỉ có rất nhiều bản tuyên cáo, thoả thuận, công ước, v.v... Nhưng thật khó thực thi các văn kiện này bởi vì Hiệp hội không phải là một tổ chức dựa trên các luật lệ. Nhưng một khi Hiệp hội dựa trên các luật lệ thì chúng tôi sẽ thực thi các luật này dễ dàng hơn bởi vì các thành viên sẽ bị trừng phạt nếu không tuân theo luật.

Trong những năm đầu ASEAN chỉ có 6 thành viên và hoạt động dựa trên sự đồng thuận. Nhưng tổ chức này giờ đây có 10 nước thành viên có những mức độ phát triển và sinh hoạt rất khác nhau nên cần phải có một tổ chức chặt chẽ hơn.

Hiến chương này sẽ do một nhóm các cựu giới chức chính phủ cao cấp soạna thảo, và sau khi được soạn thảo xong thì các nước thành viên có thể chấp thuận hiến chương này vào cuối năm tới.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc Hội nghị thượng đỉnh cũng dự trù thông qua một kế hoạch gia tốc sự hội nhập trong khu vực và tạo một thị trường chung vào trước năm 2015 thay vì 2020 như được dự định trước đây. Điều này sẽ giúp tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong khắp khu vực để có thể cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông Ramon Kabigting thuộc Văn phòng Quan hệ Mậu dịch quốc tế Philipin nói rằng: điều tối quan trọng là ASEAN phải hưởng lợi nhờ sự toàn cầu hóa thay vì bị gạt ra ngoài lề.

Ông Kabigting nói rằng, hiện tượng toàn cầu hóa này ảnh hưởng tất cả mọi người và tùy vào việc chúng ta tham gia trò chơi này khéo léo như thế nào để có thể mang lại nhiều lợi ích nhất cho dân chúng. Và Hiệp định Mậu dịch tự do của ASEAN là một cơ chế để giúp chúng ta thực thi mục tiêu này.

Các vấn đề nhạy cảm khác trong khu vực bao gồm cả việc quân đội chiếm quyền tại Thái Lan và những vi phạm nhân quyền tại Miến diện. ASEAN đang bị áp lực của các đối tác thương mại quan trọng như Hoa kỳ và Liên Hiệp Châu Âu để hối thúc chính phủ quân nhân Miến điện cho phép cải cách dân chủ.

Các đề tài không có trong chương trình nghị sự nhưng có thể được đưa ra thảo luận trong thời gian các nhà lãnh đạo nghỉ ngơi vì họ có thể thảo luận không chính thức bất cứ đề tài nào họ muốn. Các giới chức nói rằng quá trình thảo luận kín các đề tài nhạy cảm sẽ tránh làm bẽ mặt các nước thành viên ASEAN vì họ không bị chất vấn công khai.

Hiệp hội ASEAN được thành lập năm 1967 với Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore, và Thái Lan. Brunei gia nhập năm 1984, còn 4 nước thành viên còn lại là Việt Nam, Lào, Miến điện và Campuchia thì gia nhập trong thập niên 1990.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG