Bây giờ là mùa săn tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ. Hươu, nai, gà tây là những con thú mà người đi săn có thể dễ tìm thấy trong rừng. Nhưng săn bắn tại quốc gia này phải theo đúng các luật lệ qui định, bằng không thì người săn sẽ gặp rắc rối to với luật pháp được tiếng là nghiêm minh ở xứ sở này. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay sẽ nói đến một trong những biện pháp của chính phủ để phát hiện và thộp cổ những tay săn trộm. Mời quí vị theo dõi sau đây với Lan Phương qua bài viết của Brian Bull
Một con nai với cặp sừng thật to đang đứng yên lành bên một con đường quê thì bất chợt một chiếc xe tải trờ tới rồi ngừng và lui lại phía sau. Khi mà con nai quay đầu lại nhìn về phía chiếc xe thì một nòng súng xuất hiện từ cửa kính xe vừa được quay xuống, và rồi thì:
Buông súng xuống,buông xuống ngay, đây là nhân viên bảo vệ thú rừng.
Hai nhân viên bảo vệ thú rừng nhảy ngay ra khỏi bụi cây làm cho tay săn trộm sững sờ, còn con nai thì cứ bình chân như vại chẳng nhúc nhích gì hết. Thưa quí vị, làm sao quí vị gây sợ hãi cho một con nai giả được ? Vì con nai bên vệ đường mà chúng tôi nói tới ở đây chính là một con nai rô bô, nhưng quí vị có thể sẽ bị bắt nếu giương súng bắn nó.
Năm nay chúng tôi bắt được đến 50 vụ săn trộm nhờ những con vật giả này đây, thế nên đây là một dụng cụ để bắt kẻ gian rất hữu hiệu.
Hữu hiệu như thế nên đại tá Jeff Gray thuộc cục bảo vệ Cá và Thú rừng của bang New Hampshire là một khách hàng thường xuyên của công ty Custom Robotic Wildlife., một công ty chuyên sản xuất những con thú trông giống hệt như thật với động cơ ở trong giúp đầu và đuôi chúng cử động được. Ngoài con nai này, ông đã đặt mua 6 con gà tây rô bô của công ty. Mỗi con hươu nai rô bô này giá 1300 đô la., đắt quá phải không quí vị ? Nhưng khi chúng giúp bắt được một tay săn trộm thì quân gian phải nộp phạt hàng trăm đô la, vì vậy, theo đại tá Gray, chính phủ sẽ thu lại tiền vốn rất nhanh.
Nếu chúng tôi tìm thấy một khẩu súng nạp đạn sẵn trong một chiếc xe ở những khu săn bắn mà sở hữu chủ không có giấy phép săn thì tiền phạt vạ có thể lên tới 1200 đô la. Đối với những tội danh nghiêm trọng hơn như săn bất hợp pháp vào ban đêm thì tiền phạt lên tới 2400 đô la.
Đại tá Gray cho biết nguồn nhân lực và tài lực dành cho cục bảo vệ Cá và Thú Rừng chỉ có hạn, vì thế mấy con thú giả này giúp ông rất nhiều trong chi phí công vụ.
Tại cơ xưởng của công ty chuyên sản xuất thú giả tự động Custom Robotic Wildlife f tại Mosinee, bang Wisconsin, ông Brian Wolslegel và người thợ phụ Mike Kleman cưa cặp sừng ra khỏi đầu một con nai. Các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm liên hệ đến thú rừng của Hoa Kỳ và Canada tặng hoặc bán sừng và da thú cần thiết để làm ra những con vật giả như vậy. Sau đó thì cặp sừng được đem gắn vào thân con vật làm bằng chất xốp polyurethane và bọc lớp da bên ngoài, xong xuôi thì gắn động cơ và pin vào để cho đầu đuôi con vật có thể cử động được bằng một dụng cụ viễn khiển.
Tại đây ông Wolslegel đang cho thử một con chồn giả có gắn động cơ. Không ai có thể nghe thấy tiếng rè rè rất nhỏ phát ra từ động cơ, trừ phi người ta đứng cách nó chỉ một sải tay.
Tốt, máy bên trong không gây tiếng động lớn.
Kể từ năm 1993, công ty của ông Wolslegel đã sản xuất những con vật giả cử động được này cho các viện bảo tàng, các cửa hàng bán mồi săn, và cho các khách hàng tư, nhưng khách đặt hàng nhiều nhất là các cơ quan thực thi công lực của chính phủ.
Có lẽ chúng tôi cung cấp cho các cơ quan công lực chừng 50 đến 60 con nai đuôi trắng, 30 con mễn, khoảng 30 hay 40 con gà tây và dăm ba con hươu.
Những tay săn trộm bị phạt than phiền rằng sử dụng những con vật giả tức là hành vi gài bẫy họ phạm tội. Tuy nhiên ông David Youngquist thuộc cục tài nguyên thiên nhiên bang Wisconsin, nói rằng sử dụng những con vật giả đó là để bảo vệ cho việc săn bắn an toàn hợp pháp,và hợp đạo đức.
Tôi chẳng thể hiểu được một tay săn trộm có gì lấy làm hãnh diện khi tình cờ thấy được một con hươu ở bên đường rồi giơ súng bắn nó chết bằng cách rọi đèn pin vào mắt nó ban đêm để nó không thấy đường mà chạy. Ấy thế mà có người sẽ làm bất cứ điều gì để có được cái đầu hươu to đem về treo lên tường khoe khoang như thể là chiến công hiển hách lắm vậy.
Vào một buổi sáng nắng hanh nhưng rất lạnh, ông Youngquist và một nhân viên bảo vệ thú rừng đang đem một con nai rô bô từ nơi khác đến đặt ở đây. Người ta gọi nó là Donald, theo tên của kẻ săn trộm đầu tiên mà nó giúp bắt được. Khu vực này trong bang Wisconsin đầy rẫy những tay săn trộm.
Con nai rô bô Donald này đã bị bắn 15 lần và 15 lần nó giúp giới hữu trách thộp cổ được quân gian. Và trong chốc lát thôi, con nai máy này sẽ lại bắt tay vào việc. Ông Youngquist và nhóm nhân viên bảo vệ thú rừng đã nằm phục sẵn, chờ giây phút công nghệ cao hiện đại ra tay giúp giải quyết một tệ nạn đã có từ rất lâu.