Các khu công nghiệp ở Việt Nam, nơi các doanh nghiệp được hưởng nhiều biện pháp khích lệ, đã góp phần đáng kể cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong số hơn 200 khu công nghiệp trên cả nước, có đến 66 khu nằm ở các tỉnh miền Nam, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực được gọi là kinh tế trọng điểm miền Nam này thu dụng hơn nửa triệu lao động và con số này có phần chắc sẽ gia tăng trong thời gian tới đây vì lượng đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh trong năm nay.
Đoạn đường từ thành phố Hồ Chí Minh tới Biên Hòa là đoạn đường tràn ngập xe cộ, nhưng sau khi lên tới Quốc lộ 51 và đi về hướng Long Thành, chúng tôi có cảm giác như đã cách xa thành phố cả ngàn cây số.
Một người phụ nữ đạp xe đạp ngang qua những con bò đang gặm cỏ gần cổng vào của khu công nghiệp Long Thành, khu công nghiệp mới nhất ở tỉnh Đồng Nai. Thoạt nhìn thì khu vực này có vẻ rất yên tĩnh, nhưng bên trong thì có mười mấy công xưởng do người nước ngoài làm chủ đã bắt đầu hoạt động và 54 công ty khác đã được cấp phép.
Bà Chu Thị Thư, giám đốc Sonadezi, công ty điều hành khu công nghiệp rộng hơn 500 hécta này cùng với 6 khu công nghiệp khác ở tỉnh Đồng Nai.
Những gì đang diễn ra ở Long Thành là dấu hiệu cho thấy sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Việt Nam. Với làn sóng đầu tư nước ngoài tràn vào trong vài năm qua, chính quyền địa phương đã di dời khoảng 200 gia đình tới những căn chung cư gần đó, và xây dựng các cơ sở hạ tầng, như điện, nước, điện thoại, và nhà máy xử lý nước thải, để thu hút các nhà đầu tư. Bà Chu Thị Thư cho biết công ty bà đã đầu tư khoảng 100 triệu đô la cho địa điểm này và đang kêu gọi thêm 100 công ty đầu tư với kinh phí tổng cộng lên tới 350 triệu đô la.
Tỉnh Đồng Nai giờ đây đã trở thành một điểm hẹn khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với số đầu tư được cam kết lên tới 8 tỉ 400 triệu đô la, tỉnh này hiện xếp hàng thứ 3 sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội về số đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đã có 21 khu công nghiệp được xây dựng ở đây trong lúc 11 khu khác đang chờ giấy phép của chính phủ.
Một trong các công ty đang hoạt động ở khu công nghiệp Long Thành là công ty Global Dyeing của Nam Triều Tiên. Giám đốc của công ty nhuộm và dệt này là ông Kangyeol Lee. Ông cho biết lý do ông chọn Long Thành làm nơi lập công xưởng:
Chúng tôi đã thăm dò tất cả các khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, chúng tôi chọn Long Thành vì vùng ít chật chội hơn, ít ồn ào hơn, và dân chúng ở đây cũng dễ chịu hơn.
Lẽ dĩ nhiên, việc có được những người dân dễ chịu và làm việc cần cù không phải là lý do duy nhất khiến cho công ty Global Dyeing quyết định đầu tư thêm 54 triệu đô la vào năm tới để biến cơ sở của họ ở đây thành công xưởng nhuộm dệt lớn hàng thứ 10 thế giới, với doanh thu hàng năm lên tới 100 triệu đô la. Ông Lee cho biết về việc này như sau:
Công ty mẹ của chúng tôi ở Nam Triều Tiên đã không chọn Trung quốc mà chọn Việt Nam. Chúng tôi có đầu tư ở các nước khác, như Indonesia, Kăm Pu Chia, Guatemala, Honduras, và ngay cả Saipan, là lãnh thổ của Mỹ ở Thái bình dương. Nhưng Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn tất cả các nước đó. Vì vậy công ty chúng tôi đang tập trung đầu tư ở Việt Nam.
Ông Lee cho biết khoảng 5 năm trước, những khách chính của công ty ông ở Mỹ, như JC Penny và Victoria’s Secret, cứ nghĩ rằng hàng may mặc làm ở Việt Nam là hàng có phẩm chất thấp và được sản xuất với những máy móc cũ kỹ. Giờ đây, tình hình đã thay đổi.
Các công ty Mỹ lâu nay vẫn có ấn tượng là vải vóc ở Việt Nam có phẩm chất xấu và cơ sở sản xuất không đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, họ đã ngạc nhiên khi thấy những máy móc thiết bị và những hệ thống mà chúng tôi lắp đặt ở đây. Họ rất ngạc nhiên. Công xưởng của chúng tôi ở đây có sức cạnh tranh cao hơn các nước khác và cao hơn các công ty khác.
Bà Chu Thị Thư của công ty Sonadezi cho biết: vài năm trước đây, việc thu hút đầu tư có phần khó khăn vì cơ sở hạ tầng của tỉnh Đồng Nai không theo kịp đà phát triển nhanh chóng. Bà nói thêm như sau:
Ông Lee của công ty Global Dyeing tán đồng ý kiến của bà Thư là hệ thống đường xá ở đây cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa, đặc biệt là những con đường ra vào thành phố Hồ Chí Minh. Bà Thư cho biết thêm như sau về nhu cầu cải thiện hệ thống giao thông.
Ông Lee thì cho rằng tuy có lo ngại về tình trạng tương đối yếu kém về mặt cơ sở hạ tầng nhưng nói chung điều kiện kinh doanh ở Việt Nam hiện nay rất tốt. Ông nói thêm như sau:
Hiện giờ chúng tôi rất hài lòng. Nhưng khối lượng hàng hóa của chúng tôi sẽ gia tăng và chúng tôi hơi lo âu. Tuy nhiên, nếu trong vòng 3 năm năm nữa mà họ giải quyết được các vấn đề này thì không sao cả.
Theo các số liệu của chính phủ ở Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm nay Việt Nam đã thu hút một số lượng đầu tư nước ngoài lên tới hơn 8 tỉ đô la, cao hơn khoảng 50% so với năm ngoái, một phần là nhờ vào những dự án qui mô lớn, như dự án trị giá 1 tỉ đô la của đại công ty Intel nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất chíp điện toán ở Khu Công nghệ Cao Sài Gòn, nằm ở bên kia bờ sông Đồng Nai.
Mời quí vị bấm vào link ở trên để theo dõi toàn bộ bài tường trình: