Đường dẫn truy cập

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Minh Cần về Hội nghị Varsawa 2006


Cuối tháng 10 vừa qua tại Varsawa, thủ đô nước Cộng hòa Ba Lan đã diễn ra một Hội nghị quan trọng của những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam trên khắp thế giới. Hội nghị lần này đã thu được nhiều kết quả đáng mừng. Để quý độc giả có thể hiểu được những điểm quan trọng của Hội nghị này, cộng tác viên Tô Hà Giang đã trò chuyện với ông Nguyễn Minh Cần, một người đã trực tiếp tham dự Hội nghị và hiểu thấu đáo những vấn đề trong Hội nghị này.

Phóng viên: Xin chào ông Nguyễn Minh Cần, được biết ông vừa đi dự Hội nghị Varsawa bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam với khẩu hiệu “cơm áo và tự do” về. Xin ông cho biết nội dung chính của hội nghị lần này.

Ông Nguyễn Minh Cần: Xin chào cô. Trước hết tôi muốn nói, hội nghị lần này có tên chính thức là “Hội nghị Varsawa 2006”. Tại sao lại gọi là hội nghị Varsawa? Vì Varsawa là nơi đã diễn ra cuộc cách mạng nhung năm 1989. Cuộc cách mạng nhung này đã bắt nguồn từ Công đoàn Đoàn kết. Công đoàn Đoàn kết thành lập năm 1980 ở Gdansk, xưởng đóng tầu lớn nhất của Balan hồi đó. Chúng tôi muốn học hỏi kinh nghiệm của Công đoàn Đoàn kết, dựa vào sự giúp đỡ về mặt kinh nghiệm đó để nghiên cứu tình hình của công nhân và người lao động Việt Nam, để có một kế họach nhằm bảo vệ người lao động Việt Nam, giúp đỡ cho người lao động Việt Nam thành lập công đoàn độc lập hay nghiệp đoàn tự do của mình. Tinh thần đặt ra nó là như vậy. Trong thời gian chuẩn bị Hội nghị Varsawa 2006 thì Công đoàn Độc lập Việt Nam ra đời ở trong nước ngày 20.10, nên hội nghị cũng đã dành một phần thì giờ để bàn việc ủng hộ Công đoàn Độc lập Việt Nam.

PV: Vậy sau 3 ngày họp, Hội nghị đã giải quyết được những mục tiêu gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Cần: Theo tôi, Hội nghị đã thu được những thành quả như sau:
Thứ nhất: Công đoàn Đoàn kết cũng như Ủy ban tự do ngôn luận của Ba Lan (SWS) - trước đây gọi là Ủy ban bảo vệ công nhân Ba Lan (KOR) - là hai đồng tổ chức hội nghị này. Các bạn Ba Lan đã rất tích cực đến tham dự hội nghị, cố gắng để trình bày và truyền đạt kinh nghiệm của họ, làm thế nào để Công đoàn Đoàn kết trong những điều kiện cực kỳ khó khăn thời kỳ cộng sản thống trị hồi đó mà vẫn có thể giúp đỡ được công nhân Ba Lan, và ở bên ngoài vẫn có thể giúp đỡ cho Công đoàn Đoàn kết được. Chúng tôi đã tiếp thu được kinh nghiêm quý báu này của họ. Tất nhiên với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, mình cũng phải suy nghĩ làm sao cho nó thích hợp với điều kiện của Việt Nam, vì tình hình Việt Nam khác biệt rất nhiều so với tình hình Ba Lan hồi đó.

Điểm thứ hai, mà tôi cho rằng đã đạt được một bước tiến quan trọng. Đó là lần đầu tiên người Việt dân chủ ở khắp nơi trên thế giới đã ngồi lại được với nhau, bất kể quá khứ nào, xu hướng chính trị nào, đảng phái nào để cùng nhau ngồi bàn định kế họach, làm thế nào để giúp đỡ, bảo vệ cho người lao động Việt Nam ở trong nước. Tất cả mọi người đều thấy đây là trách nhiệm của mỗi người dân chủ ở hải ngọai phải làm cho được. Tôi rất mừng là trong Hội nghị không hề có sự tranh cãi gay gắt, mà tất cả mọi người đều cố gức góp ý kiến mình với tinh thần xây dựng. Đó là một điểm son nổi bật. Kết quả của Hội nghị đã bầu ra được một Ủy ban Bảo vệ Người lao động Việt Nam. Hội nghị cũng đã đề ra được những nhiệm vụ cụ thể, phương hướng họat động cụ thể để tạo cho Công đoàn Độc lập ở trong nước có một cơ sở pháp lý vững vàng ở trong và ngoài nước, có một chỗ đứng vừng chắc trong các tổ chức lao động quốc tế, thêm nữa, có một kế họach thiết thực để giúp đỡ cho người lao động ở trong nước: giúp đỡ về mặt ý kiến, giúp đỡ về mặt vật chất, đấu tranh dư luận để giúp đỡ cho những người tham gia đình công, tham gia Công đoàn Độc lập hay mọi tổ chức phi chính phủ (NGO) khác của người lao động Viêt Nam. Chúng tôi đã bàn bạc rất cụ thể và trong tương lai sẽ có những người chịu trách nhiệm cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ này.

Ngoài ra Hội nghị đã gây được một tiếng vang rất lớn. Trước hết, là nhờ chính quyền Ba Lan đã dành cho Hội nghi của chúng tôi một cảm tình đặc biệt. Trước hôm Hội nghị khai mạc, ông Adam Lipinski, Bộ trưởng Văn phòng Phủ Thủ tướng đã thay mặt Thủ tướng Ba Lan, tiếp đoàn đại biểu của chúng tôi, đã lắng nghe những điều thỉnh nguyện của đoàn đại biểu và biểu lộ thiện cảm đối với cuộc đấu tranh của công nhân lao động Việt Nam cho quyền lợi thiết thân của mình. Có thể nói đây là một điều xảy ra quá sự mong ước của chúng tôi. Chính phủ Ba Lan, vì mối quan hệ ngoại giao với Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên họ cũng rất thận trọng. Lúc đầu họ cũng chưa dứt khoát để cho Hội nghị của chúng tôi được họp ở trụ sở Quốc hộ Ba Lan, nhưng khi giới ngoại giao Hà Nội tỏ ra thiếu tế nhị, không đếm xỉa đến lòng tự tôn của dân tộc Ba Lan, đã gửi thư phản đối thẳng đến Tổng Thống Ba Lan đòi Ba Lan ngăn cản không cho Hội nghị của chúng tôi họp, thì người Ba Lan đã tỏ rõ tinh thần tự cường của họ, tôn trọng chủ quyền của họ, vì thế ông Marek Junek, Chủ tịch Quốc hội Ba Lan đã ký ‎giấy cho phép Hội nghị Bảo vệ quyền lao động của Việt Nam được họp tại đại sảnh Quốc hội Ba Lan. Chắc cô có thể hình dung là thắng lợi đó lớn như thế nào của phe dân chủ đối lập của Việt Nam. Lần đầu tiên một Nhà nước có uy tín trên trường quốc tế, thành viên của Liên hiệp Châu Âu, đã công nhiên tỏ rõ thái độ ủng hộ phe dân chủ đối lập của Việt Nam như vậy. Điều đó gây tiếng vang lớn. Thêm nữa, nhiều đài phát thanh quốc tế và Ba Lan, nhiều báo chí Ba Lan đã tham gia Hội nghị và viết bài về Hội nghị. Hội nghị này đã đựơc phản ánh trên nhiều báo chí và đài truyền hình công cũng như tư của Balan, tạo được dư luận quốc tế về Hội nghị này. Tiếng vang đối với dư luận thế giới, sẽ là sự giúp đỡ gián tiếp rất lớn cho anh chị em công nhân lao động nước ta trong cuộc đấu tranh sau này.

PV: Xin ông cho biết cảm xúc cũng như đánh giá của ông về Hội nghị này?

Ông Nguyễn Minh Cần: Tôi thấy rất vui vì từ ngày tôi thoát ly ra khỏi đảng cộng sản hồi năm 1964, dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do và dân chủ, chưa bao giờ có một Hội nghị nào có nội dung và thiết thực như Hội nghị Varsawa 2006 này. Trước đây tôi cũng đã từng tham dự nhiều cuộc họp mặt có hàng trăm, hàng hai ba trăm người. Nhưng đó chỉ là những cuộc mạn đàm với nhau, những cuộc trao đổi ý kiến rồi sau đó mỗi người đi một nơi, không có ý nghĩa thiết thực nào cả. Cho nên tôi cảm thấy lần này là một việc làm thiết thực mà chính mình đựơc tham dự.

Cảm giác thứ hai của tôi là hết sức hãnh diện vì cuộc họp của những người dân chủ Việt Nam được tiến hành tại trụ sở Quốc hội của Ba Lan. Hai ngày đầu chúng tôi họp tại trụ sở Quốc Hội Ba Lan, sang đến ngày thứ ba, do nội dung Hội nghị mang tính nội bộ, nên chúng tôi chuyển sang họp tại một phòng họp của một cơ quan văn hóa. Một Hội nghị của những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ được họp tại quốc hội của một quốc gia khác, điều đó là một niềm hãnh diện rất lớn cho phong trào dân chủ Việt Nam. Ngoài ra tôi cũng thấy lạc quan về cao trào dân chủ đang lên ở trong nước, nhiều tổ chức không cộng sản, nhiều bán nguyệt san dân chủ đã “xé rào” cứ mạnh dạn xuất bản và phát hành, bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền độc tài toàn trị. Cố nhiên, khó khăn còn nhiều, nhiều lắm, nhưng tôi tin rằng mấy chục năm nay nhà cầm quyền độc tài không thể đè bẹp được phong trào thì lần này chắc chắn họ chẳng làm gì được hơn là Đảng cộng sản ngày càng dấn sâu vào khủng hoảng trầm trọng, nếu họ không chịu tiếp thu những đề nghị đúng đắn của các nhà dân chủ trong nước.

PV: Theo ông đánh giá Hội nghị Varsava 2006 đã thu được những thành quả hết sức to lớn như vậy, chắc chắn chính phủ Việt nam đã hết sức lo ngại, vậy họ đã có những phản ứng như thế nào trong đợt này?

Ông Nguyễn Minh Cần: Ngay từ khi họ biết về cuộc họp này họ đã tìm mọi cách ngăn cản và chống đối. Họ đã gửi công hàm phản đối đến chính phủ Ba Lan, tiếp đến giới ngoại giao Việt Nam ra một công hàm phản đối để gửi đến Tổng thống Ba Lan, như tôi đã nói trên. Tuy nhiên giới ngoại giao Việt Nam đã không thể hiểu được lòng tự tôn và tự hào của người dân Ba Lan, chính cái công hàm này đã tác động đến nhà cầm quyền Ba Lan, làm họ quyết định cho Hội nghị được phép tiến hành trong trụ sở quốc hội Ba Lan để tỏ rõ chủ quyền và thái độ của họ.

Đó là về mặt ngọai giao. Ngoài ra chính phủ Việt Nam cũng có rất nhiều họat động chống đồi khác nữa. Theo anh chị em ta ở Ba Lan cho biết, nhà nước Việt Nam đã cử sáu nhân viên an ninh sang Ba Lan để tìm cách lọt vào hội nghị, nhưng ban tổ chức đã hết sức cảnh giác, nên họ đã không làm được gì.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG