Tony Bennett là một trong số ít nam ca sĩ ở Hoa Kỳ được xem là có phong cách diễn đạt âm nhạc hay nhất, ông nổi tiếng nhờ trình diễn các thể loại nhạc nổi tiếng và nhạc jazz kéo dài suốt từ thập niên 1950 đến nay, tức hơn 50 năm hoạt động âm nhạc. Ông cũng là tấm gương của sự kiên trì dù cuộc đời ông năm chìm bảy nổi, từng lên đến tột đỉnh danh vọng, nhưng cũng có lúc xuống tận bùn đen.
Tên thật là Anthony Benedetto, sinh ra từ thành phố Queens ở New York từ một gia đình lao động. Nhờ ông cậu là một chuyên viên khiêu vũ tap, tức là dùng gót giày đánh xuống sàn gỗ, ngay từ nhỏ Tony Benette đã có cơ hội gần gũi với âm nhạc. Năm lên 10 tuổi, Benette bắt đầu hát và trình diễn trong các lớp tiểu học. Lớn lên, ông theo học âm nhạc và ngành họa nhưng năm 16 tuổi, ông phải bỏ trường để đi làm phụ giúp gia đình. Trong thời gian này ông làm việc trong các nhà hàng Ý ở New York và thường xuyên hát giải trí cho thực khách. Năm 1944, vào cuối thế chiến thứ 2, Tony Bennett bị động viên đi lính và phục vụ trong sư đoàn 63 ở Pháp và Ðức, trong gần 1 năm chiến đấu, ông nhiều lần thoát chết và cuối tháng 4 năm 1945 ông cùng đoàn quân vào giải phóng trại tập trung người Do thái ở Landsberg, Ðức. Nhờ giọng hát, ông được chuyển sang ban quân nhạc Hoa Kỳ. Năm 1946 ông được phép giải ngũ và trở về Hoa Kỳ để học trường nghệ thuật sân khấu. Cũng nhờ kỷ luật quân trường và cách luyện tập thanh nhạc, ông giữ được giọng hát trong 50 năm qua. Cũng vào thời gian này ông sáng chế ra phong cách trình diễn mới, bắt chước các nhạc cụ và diễn dịch lại các bài hát nổi tiếng đương thời, ông không hát theo nhịp điệu đã được viết sẵn, mà đi tìm cách hát khác để làm mới lạ bài hát. Năm 1950 giọng hát của ông được nhà sản xuất Mitch Miller ghi nhận và được hãng Columbia ký hợp đồng. Từ Anthony Benedetto, ông đổi tên ngắn gọn là Tony Benette và sự nghiệp âm nhạc bắt đầu đi lên.
Vào thập niên 1950, Hoa Kỳ đang có Frank Sinatra làm bá chủ thế giới, Tony Benette được khuyến cáo là chớ nên bắt chước phong cách của Frank Sinatra mà hãy cứ đi theo phong cách do ông tự sáng chế. Bài hát đầu tiên đưa tên tuổi Tony Benette nổi danh khắp nước Mỹ là “Because of You” với phần hòa âm của giàn dây nghe rất lãng mạn, bài hát này đứng đầu bảng xếp hạng năm 1951, kéo dài suốt 10 tuần lễ và bán được 1 triệu đĩa.
BECAUSE OF YOU
Nhạc phẩm “Because of You” Vì Ðó Là Em, qua tiến hát của Tony Bennette.
Kế đến là bài hát “Blue Velvet” đã được giới ái mộ đa số là thiếu nữ mê mệt. Lúc này Tony Benette hát thường xuyên ở hí viện Paramount New York, 7 buổi một ngày, bắt đầu từ 10:30 sáng và lúc nào cũng nghẹt người.
BLUE VELVET
Nhạc phẩm Blue Velvet, Nhung Xanh gặt hái nhiều thành công năm 1952. Ông trình diễn Live mới đây. Sau Blue Velvet là một loạt các nhạc phẩm nổi tiếng khác đã đưa Tony Bennett lên tột đỉnh danh vọng, chẳng hạn như bài “Stranger in Paradise” rất nổi tiếng. Vào năm 1955, nền âm nhạc Rock and roll bắt đầu xâm nhập thị trường Hoa Kỳ, dù gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ nhưng những nhạc phẩm ông trình diễn vẫn còn rất nhiều ngừơi nghe, có đến 8 bài hát xếp hạng cao trên Billboard. Vào năm 1956 ông được mời làm người điều hợp chương trình truyền hình mang tên của chính ông “The Tony Bennett Show.
STRANGER IN PARADISE
Nhạc phẩm Stranger in Paradise, Kẻ Lạ trên Thiên Ðường Hạ Giới, bài hát rất nổi tiếng và hầu như được các nam ca sĩ Hoa Kỳ chiếu cố. Liên tục nhiều năm sau đó, Tony Bennett xuất hiện ở khắp nơi, trên truyền hình, đi lưu diễn, tên tuổi ai cũng biết đến và yêu thích. Năm 1962, ông phát hành nhạc phẩm “I Left My Heart in San Francisco” Tôi để trái tim ở lại San Francisco, bài hát rất nổi tiếng và thành công vượt bực và giành cho ông giải Grammy Award, giọng ca nam hay nhất trong năm, đây cũng là bài hát mà mỗi khi nhắc đến người ta phải nghĩ đến tên Tony Bennett. Tuy nhiên sự nghiệp của Tony Bennett bắt đầu đi xuống kể từ khi ban nhạc Anh quốc The Beatles xâm chiếm thị trường âm nhạc Hoa Kỳ. Ðây cũng là thời gian hôn nhân đầu tiên của ông bị tan vỡ. Do nền âm nhạc của Hoa Kỳ bắt đầu chuyển hướng, các nhà sản xuất trong hãng Colombia khuyên ông nên thay đổi phong cách và thu âm những bài hát có vẻ kích động hơn, vì lúc này, những nhạc tình lãng mạn mà ông hát đã không còn ăn khách nữa. Tony Bennett rất ngại để chuyển hướng và kết quả là một sự thất bại hoàn toàn khi ông cố thu âm những gì mình không yêu thích. Liên tục trong vòng 7 năm trời, Tony Bennett không tìm được chỗ dựa, và hợp đồng của ông với hãng Colombia chấm dứt. Năm 1972 ông tự thành lập hãng đĩa riêng, đặt tên là Improv, thành hôn lần thứ nhì và có 2 người con gái. Mặc dù một vài đĩa hát Jazz nhận được sự hưởng ứng của người nghe và người ái mộ từ trước nhưng đĩa không bán mạnh cho đến năm 1977, hãng đĩa của ông phá sản. Liên tục nhiều năm sau đó, Tony Bennett như người không nhà, ông không có hợp đồng thu âm, không được mời đi đâu hát ngoại trừ Las Vegas. Năm 1980, hôn nhân thứ nhì của ông tan vỡ, cũng từ lúc này, ông bắt đầu nghiện ruợu, và nghiện ma túy, tài sản dần dần tiêu tan vì ma túy, nhà của ông ở Los Angeles cũng bị sở thuế chiếu cố. Cuộc đời của Tony Bennett đã xuống tận bùn đen.
THE BOULEVARD OF BROKEN DREAM
Nhạc phẩm The Boulevard of Broken Dream, Ðại Lộ của giấc mơ tan vỡ, ông hát như thuật lại cuộc đời của mình. Năm 1979, Tony Bennett phải vào nhà thương vì bị ma túy hành hạ cơ thể. Sau khi ra bệnh viện, không còn nơi nương tựa, ông gọi con trai là Danny để xin được giúp đỡ. Danny Bennett lúc này là một nhạc sĩ nhưng là người có đầu óc thương mại, Danny vẫn đặt hy vọng vào tiếng tăm của cha để có thể vực lại sự nghiệp âm nhạc cho ông. Dưới sự quản trị của con trai, Tony Bennett cai ma túy, và luyện hát trở lại. Ông phải dời sang New York để sinh sống và tránh xa sự cám dỗ của Las Vegas. Người con trai Danny bắt đầu thu xếp cho ông trình diễn trở lại bằng những hí viện nhỏ và trường đại học, những nơi người trẻ và du khách không biết Tony Bennett là ai. Và liên tục trong 7 năm trời, Tony sinh sống ở New York và đi hát lại, nhưng đây cũng là lúc Colombia tìm lại tài năng của Tony và chấp nhận ký hợp đồng thứ hai với ông. Cũng vào năm này đĩa hát The Art of Excellence nhảy lên bảng xếp hạng, dù khiêm nhường nhưng tên tuổi của Tony Bennett đã được vực dậy so với năm 1972.
THE SHADOW OF YOUR SMILE
Nhạc phẩm The Shadow of Your Smile với Tony Bennett. Sau thời kỳ Beatles, nước Mỹ tràn ngập các loại nhạc Disco, Punk Rock và New Wave, tuy nhiên những thể nhạc này chỉ sống được vài năm rồi chết. Nhà quản trị và con trai của ông nhận thấy rằng, họ cần giới thiệu Tony Bennett đến với giới trẻ, nhất là còn quá nhiều bài hát cổ điển của Hoa Kỳ ít được người trẻ biết đến. Và Tony Bennett được gửi đi trình diễn ở những nơi đa số là giới trẻ. Kế hoạch này đã gặt hái được thành công, theo lời Tony Bennett kể lại, thì những tác phẩm của ông trình diễn, hầu hết giới trẻ đều không biết, chính vì thế mà ông lại có vị trí rất đặc biệt, và tạo được sự tò mò. Vào tuổi 68, Tony Bennett đã lấy lại danh vọng mà ông đã mất từ năm 1978. Ðĩa hát MTV Unplugged: Tony Bennett đã bán nhiều triệu đĩa và đoạt thêm cho ông những giải Grammy khác, nhất là giải Grammy giành cho đĩa hát hay nhất trong năm.
FLY ME TO THE MOON
Dù ở tuổi 70, Tony Bennett vẫn không ngưng nghỉ hoạt động, dường như ông muốn lấy lại những gì đã mất trong thập niên 1970 kéo dài đến 1980, kể từ khi học được bài học ma túy đã hãm hại con người nghệ sĩ như thế nào. Ông tiếp tục đoạt nhiều giải âm nhạc quan trọng và xuất hiện liên tục trong các chương trình trình diễn âm nhạc. Tính đến ngày nay, hơn 50 năm âm nhạc, Tony Bennett đã bán được hơn 50 triệu đĩa.