Đường dẫn truy cập

Nhận định của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về đường lối cải cách của Việt Nam


Trong vài tháng qua, truyền thông Trung Quốc đã đưa ra những tường thuật trái ngược nhau về nhận định của ông Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc, đối với những biện pháp cải cách về mặt chính trị của giới lãnh đạo ở Hà nội. Có tin cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ý tán thưởng đường lối cải cách của Việt Nam, nhưng mặt khác lại có người nói rằng ông Hồ Cẩm Đào cho rằng những hành động của Việt Nam hồi gần đây là “phản bội những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.”

Hạ tuần tháng 8 vừa qua, ông Nông Đức Mạnh đã đến thăm Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi được bầu lại vào chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân chuyến viếng thăm này, truyền thông Trung Quốc đã cho loan tải những bài viết đề cao mối quan hệ Việt-Trung mà họ mô tả là “đồng chí gia huynh đệ” hay “vừa là đồng chí vừa là anh em.” Theo thông cáo báo chí của bộ ngoại giao ở Bắc kinh, khi tiếp kiến ông Nông Đức Mạnh hôm 22 tháng 8, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng: Trung Quốc và Việt Nam chẳng những “núi liền núi, sông liền sông”, mà còn có những lý tưởng giống hệt nhau và những quyền lợi chung. Ông Hồ Cẩm Đào cũng đề nghị đôi bên tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về công tác điều hành việc đảng và việc nước, và trao đổi ý kiến về lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội.

Cũng trong thời gian này, Tuần báo Á Châu, do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, đã đăng tải một bài viết tỏ ý tán dương những biện pháp cải cách mà giới lãnh đạo ở Hà nội đã thực hiện trong vài năm gần đây, đặc biệt là trong thời gian trước và sau Đại hội X của đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo nhan đề “Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào ủng hộ đường lối cải cách của đảng Cộng sản Việt Nam”, nói rằng: Hà nội đã có những hành động cầu tiến mà họ gọi là “phá vỡ gọng kềm ý thức hệ”, trong đó có việc áp dụng chế độ bầu cử sai ngạch trong cuộc bầu cử Ban chấp hành Trung ương Đảng và thực hiện những cuộc chất vấn công khai ở Quốc hội. Bài báo này nói thêm rằng những hành động đổi mới có tính chất sắc bén của Việt Nam đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận Trung Quốc, mang lại niềm phấn khởi cho nhiều người, và thậm chí còn tạo ra áp lực đối với tiến độ cải cách chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những nhận định có tính chất tích cực của giới lãnh đạo ở Bắc kinh đối với những diễn tiến chính trị ở Hà Nội trong thời gian gần đây cũng đã được giáo sư Brantly Womack xác nhận. Giáo sư Womack của đại học Virginia là tác giả nhiều cuốn sách về chính trị Trung Quốc, trong đó có cuốn sách mới xuất bản hồi tháng hai, nói về lịch sử quan hệ Việt-Trung, có nhan đề “China-VietNam: The Politics of Asymmetry” mà chúng tôi tạm dịch là “Trung Quốc–Việt Nam: Chính trị của Sự Bất Cân Xứng”. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho ban Việt Ngữ đài VOA, giáo sư Womack cho biết như sau:

Trong 4 tháng vừa qua tôi đã đi thăm Bộ Liên lạc của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Cơ quan này nay đã đổi tên thành Bộ Quốc tế. Tôi cũng đến thăm Viện Nghiên cứu quan hệ Quốc tế hiện đại – là cơ quan nghiên cứu của Bộ An toàn. Tôi cũng đi thăm Trung tâm Đông Nam Á của Viện Khoa học xã hội, và Trường Đảng Trung ương. Những cuộc thảo luận của tôi tại những nơi đó có một số đề tài liên quan tới Việt Nam, và những chuyên gia và giới chức Trung Quốc đều có nhận xét rất tích cực về những biện pháp cải cách chính trị đang được thực hiện tại Việt Nam.

Những nhận xét này chính là điều đã khiến giáo sư Womack cảm thấy ngạc nhiên khi ông đọc một bài báo mới đây trên tạp chí Khai Phóng ở Hồng kông. Theo bài báo của tạp chí có lập trường cổ xúy cho dân chủ này, ông Hồ Cẩm Đào đã tự tay cầm bút viết lời phê cho bản báo cáo về “Tình hình chính trị ở Cuba và Việt Nam”, do Bộ Liên lạc và Bộ An toàn phối hợp soạn thảo và phổ biến trong nội bộ đảng vào hạ tuần tháng 8. Ngoài việc cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của chế độ Fidel Castro ở Cuba, lời phê của nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng “cải cách của Việt Nam trong giai đoạn đầu là cải cách, nhưng những thay đổi trong thời kỳ gần đây không phải là cải cách mà là phản bội những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.” Ông Hồ Cẩm Đào cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc loan tải những tin tức liên quan tới Việt Nam. Theo nhận xét của giáo sư Womack, bài báo của Tạp chí Khai phóng có thể không chính xác và có phần chắc chỉ là những lời đồn đãi, tuy đây là một lời đồn đoán mà ông gọi là “thú vị” và “có vẻ tin được”.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong ở Mỹ, cho biết ông sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu quả thật là ông Hồ Cẩm Đào đã có những lời chỉ trích nặng nề nhằm vào giới lãnh đạo ở Hà Nội. Ông giải thích như sau:

Trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam cũng có mâu thuẫn trong quan điểm đối với Trung Quốc, và do đó, cũng có phía cấp tiến hơn thì muốn gần với nước Mỹ nhiều hơn để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là một vị thế mà Việt Nam đang muốn duy trì, và gần đây, càng ngày càng muốn gần với Tây phương và với phía Đông Nam Á cũng như với phía Mỹ nhiều hơn. Cho nên chắc chắn là những thành phần lãnh đạo của Trung Quốc có rất nhiều điểm không thể hài lòng được. Chưa kể rằng truyền thống của Trung Quốc, bất kể là Cộng sản hay Quốc gia, đều là truyền thống bành trướng. Vì vậy cho nên bất cứ một người Việt Nam nào, kể cả những người Việt Nam Cộng sản, cũng phải hiểu được điều đó, đặc biệt là những người lãnh đạo, những người có trách nhiệm, thì họ chắc chắn phải hiểu được rằng áp lực của Bắc kinh rất mạnh mẽ, và thực sự đã có đụng độ trên thực tế. Cho nên nếu gần đây Việt Nam hiểu được rằng mình không thể nào phát triển được nếu không có sự hỗ trợ của những nước như Hoa Kỳ thì tất nhiên sẽ cố gắng nhích lại gần hơn để tìm cách độc lập hơn với Trung Quốc. Do đó, tôi không ngạc nhiên nếu thái độ, đặc biệt là thái độ bên trong của đảng Cộng sản Trung Quốc, được biểu lộ như vậy.

Theo nhận định của giáo sư Womack, tiến độ cải cách chính trị của Việt Nam hiện nay nhanh hơn Trung Quốc, đặc biệt là những nỗ lực thực hiện dân chủ trong đảng ở cấp độ trung ương, và đây là điều có thể khiến cho một số người trong giới lãnh đạo ở Bắc kinh cảm thấy bất an trong lúc họ đang chuẩn bị cho đại hội đảng vào năm tới. Giáo sư Womack cho biết thêm như sau:

Việt Nam và Trung Quốc có hệ thống chính trị và kinh tế giống nhau. Tuy nhiên mọi người ở Việt Nam đều biết rằng tình hình Việt Nam không giống như Trung Quốc và Việt Nam phải có quyết định riêng của mình. Trong lãnh vực chính trị điều này rõ nét hơn so với lãnh vực kinh tế. Việt Nam không trải qua kinh nghiệm của Cách mạng văn hóa và của vụ thảm sát Thiên an môn. Tôi nghĩ rằng những sự kiện này khiến người Trung Quốc dè dặt hơn trong việc bày tỏ ý kiến và lo ngại hơn về mối nguy hỗn loạn chính trị. Về phần Việt Nam, mức độ cởi mở và thái độ sẵn sàng bày tỏ ý kiến trong những năm gần đây đã mang lại cho tôi những ấn tượng sâu đậm.

Ông Hồ Bình, chủ biên nguyệt san “Mùa Xuân Bắc kinh’ (Beijing Spring) ở New York, cho rằng: cho dù ông Hồ Cẩm Đào có thật sự chỉ trích Việt Nam “phản bội xã hội chủ nghĩa” đi nữa, thì điều này cũng chỉ khiến giới lãnh đạo Hà nội cảm thấy phật lòng đôi chút nhưng mối quan hệ song phương sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Tôi nghĩ rằng cho dù ông Hồ Cẩm Đào có nói như thế đi nữa thì điều này cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới mối quan hệ giữa hai nước và giữa đảng Cộng sản Việt Nam với đảng Cộng sản Trung Quốc. Lý do là vì cơ sở của việc giao tiếp giưã đôi bên trong nhiều năm qua đã không còn dựa vào những tín điều của chủ nghĩa xã hội. Cả đôi bên đều đã trở nên thực tế hơn và sự tương tác của họ hoàn toàn không còn dính líu gì tới vấn đề ý thức hệ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG