Bạn nghĩ như thế nào sau khi đã là giáo sư trong một thời gian rất lâu rồi lại quay trở lại ghế sinh viên của năm đầu đại học? Đó là câu chuyện mà Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay muốn gửi đến quí thính giả được thuật lại trong cuốn sách nhan đề” My Freshman Year: What a Professor Learned by Becoming a Student. “Xin tạm dịch là “Năm Đầu Đại Học của Tôi: Một Giáo Sư Lãnh Hội Được Những Gì Bằng cách Trở Lại Thời Sinh Viên?“. Mời quí vị theo dõi tiếp qua bài viết của Laurel Morales với Lan Phương sau đây:
Thưa quí thính giả, kể từ khi cuốn sách “My Freshman Year: What a Professor Learned by Becoming a Student. “Xin tạm dịch là “Năm Đầu Đại Học của Tôi: Một giáo sư lãnh hội được những gì bằng cách Trở Lại Thời Sinh Viên?” của giáo sư Cathy Small được bày bán ở các tiệm sách năm ngoái, các trường đại học trên toàn quốc liên tiếp mời tác giả đến nói chuyện với ban giảng huấn của họ về những gì mà bà đã lãnh hội được.
Lý do khiến bà Cathy Small quay trở lại đi học làm sinh viên năm đầu là vì sau 15 năm giảng dậy ngành nhân chủng, bà nhận thấy lề lối học hành, xử sự của sinh viên ngày càng khó hiểu hơn đối với bà, bà thắc mắc không hiểu tại sao sinh viên không chịu đọc các tài liệu, sách vở bà chỉ định, tại sao các sinh viên lại vừa nghe giảng vừa ăn trong lớp, tại sao họ lai không đến gặp bà để thảo luận theo như thời biểu ấn định? bà không có được những cảm thông và gắn bó với thế hệ sinh viên ngày nay nữa.
Về phần tôi thì càng ngày càng già đi, còn các sinh viên của tôi thì năm nào cũng ở một lứa tuổi như vậy. Thế nên tôi hiểu rằng khoảng cách giữa hai thế hệ thày trò ngày càng lớn hơn. Tôi bắt đầu có một số những câu hỏi đặt ra trong đầu về các sinh viên của tôi khi nhìn vào các em, như thể các em từ sao hỏa hay từ một nền văn hóa xa lạ nào đến đây vậy.
Bà nhận ra rằng đã đến lúc bà phải hướng sự chú ý vào chính các sinh viên thay vì vào đề tài giảng dậy là ngành nhân chủng. Vì vậy bà xin nghỉ nguyên một năm và ghi tên học năm đầu trong một đại học. Bà dọn vào ký túc xá sinh viên, sống một đời y hệt như các sinh viên khác, xếp hàng chờ đến lượt vào phòng tắm, ăn trong nhà ăn tập thể của trường và chọn các lớp học như một sinh viên toàn thời gian. Bà muốn có được tất cả kinh nghiệm năm đầu đại học của thế hệ sinh viên hiện nay.
Một trong những điểu khiến tôi sợ hãi nhất là tôi đã hứa với chính mình rằng sẽ không bỏ về thăm nhà và sẽ không đàn đúm với những bạn bè. Cái kinh nghiệm mà tôi có khi trở lại trường học có lẽ cũng giống như của một sinh viên năm đầu, đó là tôi thấy nhớ nhà.
Nhiều bạn bè của giáo sư Small cho rằng bà điên khùng mới làm như vậy. Họ nghĩ rằng bà chỉ nói đùa chơi thôi, chứ làm sao mà một người đã lớn tuổi rồi mà lại đến sống chung với bọn trẻ trong lứa tuổi 18 ở ký túc xá như vậy?
Nhà nhân chủng học trong lứa tuổi ngoài 50 này cho biết bà rất ngạc nhiên khi hiểu ra những nỗi khó khăn của một sinh viên học toàn thời gian.
Có lẽ đến 2/3 sinh viên trên toàn nước Mỹ đều phải đi làm. Vì thế khi mà quí vị kết hợp vừa các hoạt động hội nọ, hội kia, các đoàn thể chuyên nghiệp, các công việc thiện nguyện với chuyện học thì quả thật quí vị đang sống một cuộc sống bận rộn, rối mù, và phải tài lắm thì mới dàn xếp công việc cho đâu ra đấy.
Giáo sư Small cho biết bà phải học cách làm sao sắp xếp thời giờ để bắt kịp công việc. Và rốt cuộc, càng ngày bà càng thấy cảm thông hơn với sinh viên.
Các giáo sư giảng dậy thường được nghe sinh viên nói những điều như: họ muốn học những lớp dễ để kiếm điểm A, nhưng sự thực những lớp như vậy đều quan trọng khi các sinh viên phải kết hợp với các môn học đầy thử thách.
Sau khi trở lại giảng dậy tại đại học Northern Arizona, bà được sinh viên bầu làm giáo sư giỏi nhất trong năm. Nhưng bà cho biết lớp bà giảng dậy sẽ không phải là một lớp dễ mà kiếm được điểm A. Đem áp dụng những gì bà học hỏi được khi trở lại làm sinh viên năm thứ nhất, giáo sư Small tạo bầu không khí học tập sinh động hơn, nhiều tương tác hơn trong lớp.
Một sinh viên trong lớp của giáo sư Small, cô Jeana Butler, phát biểu:
Tôi hiểu là giáo sư đã cố gắng rất nhiều trong lớp học để taọ bầu không khí học tập tranh luận thay vì nói rằng tôi đang cho các em thực tập. Dần dần thì sinh viên tự suy luận để hiểu được vấn đề theo một mức độ nào đó, và như vậy tốt hơn là thày nói gì trò chỉ cứ ngồi ghi chép.
Cô Butler cho biết chính sự say mê của giáo sư Small đối với ngành nhân chủng đã khiến cô thích môn học này.
Tôi rất thích ngồi trong lớp nghe bà giảng bài. Bà dạy rất hay và sống động. Chính sự thích thú của bà với ngành nhân chủng đã lây sang tôi khiến tôi càng muốn tìm hiểu sâu hơn và học hỏi thêm nữa.
Giáo sư Small hiện còn đang chia sẻ kinh nghiệm bản thân, sự say mê và những nhận thức mới của bà với các giáo chức khác.
Trong năm kể từ khi cuốn sách của bà ra mắt độc giả, bà đã nhận được hàng trăm điện thư từ các giáo sự thuộc nhiều đại học khắp HK. Rất nhiều người đều có chung mục đích là: hiểu được sinh viên và giúp các em có hứng thú trong việc học.
Tôi chỉ là một nhà giáo bình thường, loay hoay suy nghĩ, tìm cách thay đổi cho tốt đẹp hơn, những vấn đề mà những nhà giáo lão thành vẫn có chung với nhau. Bởi vậy tôi có đôi chút không thoải mái khi được tặng cho danh hiệu là nhà giáo giỏi trong năm, bởi lẽ tôi chỉ là một nhà giáo dạy học đã 15 năm cố gắng tìm cách cải thiện cách giảng dạy và tìm cách giải quyết những gì không đem lại kết quả.
Tuy nhiên dù có muốn thăng tiến lề lối giảng dạy, không phải nhà giáo nào cũng làm được đến mức độ như giáo sư Cathy Small trở lại ngồi ghế nhà trường để tìm hiểu sinh viên.