Liên hiệp Âu Châu đã quyết định áp dụng các biện pháp mới để chống lại tình trạng bán phá giá của giày có mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Tin từ Brussels của các hãng thông tấn AFP và Reuters cho biết hôm thứ tư, chỉ vài ngày trước thời hạn chót, 9 nước đã bỏ phiếu chấp thuận kế hoạch áp dụng thuế suất chống bán phá giá trong vòng 2 năm và 4 nước bỏ phiếu trắng khiến cho 12 nước phản đối kế hoạch này không có được đa số để bác bỏ kế hoạch.
Cuộc biểu quyết này sẽ cho phép áp dụng thuế suất 10% đối với giày mũ da của Việt Nam từ ngày 7 tháng 10 thay vì thuế suất tạm thời đang được áp dụng là 16,8%. Thuế suất đối với giày Trung Quốc cũng giảm từ 19,4% xuống còn 16,5%.
Biện pháp có tính chất dung hòa này là kết quả của nhiều cuộc điều đình giữa hai khối bắc Nam trong Liên hiệp Âu Châu, với những nước ở miền bắc thiên về mậu dịch tự do và các nước miền Nam có xu hướng thiên về các nhà sản xuất địa phương và muốn áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch.
Tuần trước, giới hữu trách Pháp đề nghị rằng thuế suất mới nên được áp dụng trong vòng 2 năm, ngắn hơn nhiều so với thời hạn thông thường là 5 năm, rồi sau đó sẽ duyệt xét lại. Những người chỉ trích biện pháp dung hòa này nói rằng việc duyệt xét có phần chắc sẽ phải mất thêm ít nhất 1 năm để tiến hành.
Ông Alisdair Gray, giám đốc của một tổ chức đại diện các công ty bán lẻ ở Anh, nói rằng hành động này của Liên hiệp Âu Châu hoàn toàn có tính chất chính trị và chống người tiêu thụ, và sẽ không giúp ích gì cho việc bảo vệ công ăn việc làm của dân chúng ở Âu Châu. Trước đây, chính phủ ở Hà Nội và các nhà sản xuất ở Việt Nam cũng cực lực phản đối biện pháp chống bán phá giá của Liên hiệp Âu Châu.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao, ông Lê Dũng, nhiều lần nói rằng các nhà sản xuất giày ở Việt Nam không hề bán phá giá và biện pháp chế tài của Âu Châu chẳng những là bất công mà còn khiến cho nhiều công nhân ở Việt Nam bị mất việc và gây phương hại tới công tác giảm nghèo của Việt Nam.