Đường dẫn truy cập

EU không đạt được thỏa thuận về các sắc thuế đánh vào giầy dép từ Việt Nam và Trung Quốc


Hôm thứ tư, các quốc gia trong Liên hiệp Châu Âu đã không đạt được thỏa thuận về các sắc thuế đánh vào giầy dép nhập từ Trung Quốc và Việt Nam. Những người ủng hộ cho rằng cần phải duy trì các sắc thuế này để bảo vệ giới sản xuất giầy dép của Châu Âu khỏi bị thiệt hại vì hàng nhập bán dưới giá.

Theo bản tin của hãng AP đánh đi từ Bruxelle, Anh, Hà Lan và các nước Bắc Âu dẫn đầu việc chống lại một đề nghị của ủy ban điều hành Liên hiệp Châu Âu áp dụng khoản thuế 16,5% đánh vào giầy nhập của Trung Quốc và 10% vào giầy nhập từ Việt Nam trong thời hạn tới 5 năm.

Italia và Pháp dẫn đầu một nhóm đối nghịch nói rằng cần phải đánh những sắc thuế đó để ngăn chặn các nước Á Châu bán phá giá hàng nhập vào châu Âu.

Các giới chức của Liên hiệp Châu Âu cho biết một quyết định có thể được dời lại đến cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày 5 tháng tới, là kỳ hạn đã định cho việc tìm ra một giải pháp, bởi vì các sắc thuế chống phá giá sẽ đáo hạn vào ngày 6.

Các đại sứ của 25 quốc gia Âu Châu vẫn không đồng ý với nhau sau vòng đàm phán mới nhất. Các nhà ngoại giao nói rằng lập trường vẫn được giữ vững kể từ vòng đàm phán trước, khi 14 nước chống thuế, 9 nước ủng hộ, và 2 nước không bỏ phiếu.

Theo các quy định phức tạp về biểu quyết của Liên hiệp Châu Âu, không bên đào đạt được thế đa số để được thông qua lập trường.

Một thỏa hiệp dung hòa của Áo đề nghị đánh các sắc thuế trong 1 năm thôi đã không đạt được sự ủng hộ trong tuần trước, và các nhà ngoại giao đang tìm cách cứu xét khả năng kéo dài thời gian tới 3 năm.

Sau một cuộc điều tra kéo dài 15 tháng, Ủy hội Châu Âu phát hiện rằng các nhà sản xuất giầy dép của Trung Quốc và Việt Nam đã hưởng lợi một cách không chính đáng nhờ trợ cấp của nhà nước dưới nhiều hình thức như được vay tiền, giảm thuế và thuê đất với giá rẻ.

Theo Ủy hội, thì trong khi lượng giầy dép nhập từ Trung Quốc và Việt Nam tăng vọt, thì sản lượng giầy dép của châu Âu sụt gần 1/3 trong 5 năm qua, khiến 40,000 người mất công ăn việc làm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG