Đường dẫn truy cập

APEC cam kết thúc đẩy để tái khởi động vòng đàm phán Doha


Các vị bộ trưởng tài chánh của khối APEC, tức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương, cho biết họ sẽ ra sức làm việc để khởi động lại các cuộc đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu và giải quyết vấn đề mất cân bằng mậu dịch quốc tế. Cam kết này được 21 vị bộ trưởng đưa ra ngày hôm nay vào lúc kết thúc hội nghị ở Hà Nội. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết về việc này qua bài tường thuật của thông tín viên Matt Steinglass của đài VOA:

Các vị bộ trưởng tài chánh APEC cam kết sẽ xử dụng sức mạnh và uy tín của mình để tìm cách mở lại cuộc đàm phán bị bế tắc khá lâu về vấn đề tự do hóa mậu dịch toàn cầu. Cam kết này được loan báo ngày hôm nay trong thông cáo chung công bố vào lúc kết thúc cuộc họp hai ngày ở Hà Nội. Bộ trưởng tài chánh Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh kêu gọi các nước thành viên APEC tái khởi động vòng đàm phán Doha để trợ giúp cho các nước trong thế giới đang phát triển.

Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới có mục đích tiêu chuẩn hóa công cuộc mậu dịch quốc tế và các qui định về thuế xuất nhập khẩu với những thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, những vụ tranh chấp dằng dai đối với việc phải làm thế nào để có thể tự do hóa mậu dịch mà không gây thiệt hại cho các nước đang phát triển đã khiến cho cuộc đàm phán này bị bế tắc trong năm qua. Vòng đàm phán Doha đã bị đổ vỡ hồi tháng 7 vừa qua sau nhiều lần không đạt được kết quả trước những thời hạn chót đã được ấn định. Vấn đề gây bế tắc là những khoản trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu khiến cho các nước đang phát triển khó lòng cạnh tranh trên thị trường nông phẩm thế giới.

Phát biểu tại hội nghị ở Hà Nội, Bộ trưởng Tài chánh Australia, ông Peter Costello nói rằng các chỉ tiêu mà vòng đàm phán Doha đề ra là phương cách tốt nhất để có được tự do thương mại toàn cầu.

Nếu chúng ta muốn đạt được chỉ tiêu tự do thương mại giữa các nước đã phát triển vào năm 2010 và giữa các nước đang phát triển vào năm 2020, thì tự do mậu dịch và tự do lưu thông nguồn vốn là những yếu tố vô cùng quan trọng.

Sự đổ vỡ của các cuộc thương thuyết trong vòng đàm phán Doha đã khiến nhiều người lo ngại là các khối thương mại khu vực có thể sẽ chiếm lấy vị thế của Tổ chức Thương mại Thế giới và làm chệch hướng toàn bộ chương trình làm việc về tự do mậu dịch toàn cầu.

Bên cạnh vấn đề liên quan tới vòng đàm phán Doha, các vị bộ trưởng tài chánh của Apec cũng cam kết giảm thiểu mức độ mất cân bằng trong cán cân thương mại quốc tế, đặc biệt là thông qua việc áp dụng những chế độ hối suất có tính chất linh động hơn. Lâu nay, Hoa Kỳ vẫn chỉ trích Trung Quốc về việc giữ cho tỉ giá hối đoái của đồng Nguyên của họ ở mức thấp một cách giả tạo và khiến cho hàng xuất khẩu của họ rẻ hơn.

Hoa Kỳ và những nước có mức thâm hụt mậu dịch khổng lồ đối với Trung Quốc đã làm áp lực để giới hữu trách Bắc Kinh nới lỏng sự kiểm soát đối với tỉ giá hối đoái của đồng nguyên. Tuy nhiên, bộ trưởng tài chánh Trung Quốc, ông Kim Nhân Khánh, hôm thứ sáu đã nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh: Ðó là việc để cho thị trường quyết định giá trị của đồng Nguyên cần phải được thực hiện một cách tuần tự. Sau đây là vài lời của ông Kim:

Kinh tế Trung Quốc chiếm chưa tới 5% GDP của thế giới. Và vì thế việc tỉ giá hối đoái của đồng Nguyên được cố định không phải là một nguyên do chính đưa tới tình trạng mất cân bằng mậu dịch quốc tế.

21 nước thành viên APEC chiếm gần phân nửa kim ngạch mậu dịch của toàn thế giới. Cuộc họp hai ngày ở Hà Nội của các vị bộ trưởng tài chánh APEC có mục đích ấn định chương trình nghị sự cho cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 tới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG