Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 60 năm thành lập Chương trình Fulbright


Chương trình Fulbright nổi tiếng của Hoa Kỳ tài trợ cho việc trao đổi giáo dục quốc tế đã đánh dấu 60 năm hiện hữu vào ngày 1 tháng 8.

Lá Thư Mỹ Quốc kỳ này sẽ gửi đến quí vị bài viết của Andrew Baroch cho biết số sinh viên Mỹ xin học bổng Fulbright mới đây tăng vọt chứng tỏ rằng sứ mạng của chương trình này vẫn được dân chúng nội địa ủng hộ rộng rãi.

60 năm sau khi tổng thống Mỹ Harry Truman ký đạo luật thành lập chương trình Fulbright, một con số kỷ lục các sinh viên Mỹ đang nộp đơn xin học bổng này. Ông Thomas Farrell là phó phụ tá bộ trưởng ngoại giao đặc trách các chương trình học thuật, tức là cơ quan điều hành chương trình trao đổi sinh viên Fulbright, cho biết:

Ngay bây giờ chúng ta đang ở vào cao điểm hiểu theo nghĩa sinh viên Mỹ đang nộp đơn xin tham gia chương trình cũng như số học bổng cấp cho họ đã lên cao nhất trong lịch sử. Gần 1200 học bổng mỗi năm. Trước đây chúng ta chưa từng lên tới mức độ như vậy, ngay cả vào giai đoạn đầu của chương trình này năm 1954.

Nghị sỹ Hoa Kỳ J.William Fulbright đã soạn thảo và thiết lập chương trình trao đổi sinh viên này năm 1946. Từ đó đến nay chương trình trao đổi sinh viên vẫn mang tính phi chính trị, tránh không để những tranh chấp giữa các chính phủ ảnh hưởng tới, mà chỉ chú trọng đến điều được gọi là nền ngoại giao giữa các dân tộc, được đề ra để giúp phát triển sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Đây là một chương trình trao đổi học thuật có uy tín khắp thế giới, mặc dù là nó được nhân dân Hoa Kỳ hậu thuẫn, và 60 hay 70 quốc gia khác cùng tham dự. Chương trình đã được tiếng là không có tính cách phe phái.

Chương trình Fulbright dành một số tiền tổng cộng là 250 ngàn đô la mỗi năm để cấp học bổng cho sinh viên và các học giả Mỹ để ra nước ngoài học hỏi va nghiên cứu. Một con số tương tự dành cho các học giả và sinh viên nước ngoài đến Hoa Kỳ để làm cùng những công việc như vậy.

Theo ông Thomas Farrell thì những người Mỹ nhận học bổng Fulbright thường được đón tiếp niềm nở ở bất cứ nơi nào mà họ đến dạy học hoặc khảo cứu.

Những sinh viên và giáo sư Mỹ nhận học bổng Fulbright được đón nhận rất nồng nhiệt ở các trường đại học và những nơi khác ở nước ngoài. Nói thế không có nghĩa là người Mỹ nhận học bổng này sẽ không bao giờ gặp khó khăn. Chắc chắn sẽ có những cuộc tranh luận và những bài thuyết giảng, bởi vì chương trình này dành cho các sinh viên và học giả. Nhưng nói chung khi một người tỏ ý muốn tìm hiểu về một xã hội khác thì họ thường tỏ thái độ tôn trọng và điều đó tạo được một sự chấp nhận và thái độ niềm nở nào đó mà không điều gì khác có thể làm được.

Năm ngoái , anh Nicolas Block 26 tuổi, cư dân tiểu bang Vermont nhận được học bổng Fulbright để đi chụp ảnh thủ đô Riga của Latvia cùng đủ loại kiến trúc của thành phố này, từ thời cổ La Mã đến kiến trúc Gothic thời trung cổ đến các tòa nhà dùng làm văn phòng thời hiện đại. Anh dự tính triển lãm các ảnh chụp này. Anh cho biết cư dân tại Riga thấy anh dựng máy chụp ảnh thường đến gần anh và hỏi anh từ đâu đến.

Tôi cho họ biết là tôi đến từ Hoa Kỳ, thế rồi thường thì chúng tôi nói chuyện với nhau năm ba phút về chính sách dối ngoại. Một tối tôi gặp một người lính người Latvia từng được gửi đến Iraq. Anh nói những điều tích cực về cuộc chiến và tình hình ở đó. Một số người khác thì lại có những ý kiến khác với anh.

Một người Mỹ khác nhận học bổng Fulbright, giáo sư Abel Adekola, ngành kinh doanh tại đại học Wisconsin, mới đây đã nhận được học bổng dậy cho sinh viên tại Vilnius, nước Lithuania, để làm cách nào thành lập cơ sở kinh doanh riêng cho họ.

Nhưng theo ông Adel Adekola thì những lớp giảng về kinh doanh không phải là những gì khiến ông nhớ đến nhiều nhất, mà điều quan trọng nhất là cái ấn tượng mà ông đã tạo được cho những ai tiếp xúc với ông ở Lithuania, đó là nước Mỹ là vùng đất của cơ hội và sự đa dạng. Vị giáo sự dạy môn kinh doanh từ một đại học tiếng tăm của vùng trung tây Hoa Kỳ đã khuấy động nền nếp bình thường tại Vilnius. Giáo sư Adekola là một người da đen ra đời ở thành phố Lagos, nước Nigeria.

Có một số người đến nói với tôi rằng “Những người như ông rất hiếm, chúng tôi không thấy có những người như ông ở đây.”

Có một kinh nghiệm thật đáng nhớ khi lần đầu tiên ông đến một khu thương xá tại Vilnius.

Có một bà ăn mặc rất tề chỉnh, đang ngồi ăn một cái kem. Thấy tôi bà nhìn chăm chăm, kem chảy giọt xuống quần áo mà bà cũng không để ý. Kế đó thì tôi quyết định ngồi xuống cạnh bà ngay chiếc ghế dài đặt trong khu thương xá. Tôi cất tiếng chào bà thì bà ú ớ đáp lễ không ra tiếng. Thế rồi tôi chợt nhớ ra đây là 1 thành phố chỉ có 650 ngàn dân và tôi không thấy 1 người da đen nào cả. Lần đầu tiên thấy người da đen là khi tôi đi xem đấu bóng rổ. Họ đến Hoa Kỳ thu dụng người da đen vào đội banh. Nhưng những cầu thủ này đến thi đấu rồi đi chứ không ở lại. Ngay khi cuộc đấu kết thúc, các cầu thủ lên đường sang Frankfurt hoặc London. Vì thế thời gian tôi làm việc ở đó thực là một kinh nghiệm hi hữu. Chỉ có trời mới biết là hiện giờ có bao nhiêu bức ảnh của tôi ở trong nhà của người Lithuania . Họ rất thích chụp ảnh chung với tôi, họ thường xuyên xin chụp ảnh chung với tôi làm tôi cảm thấy như mình là một ngôi sao nhạc rock vậy đó!

Giáo sư Adekola cho biết kinh nghiệm mà ông đã trải qua ở Lithuania không hề mang tính cách kỳ thị chủng tộc.

Đó là điều mà tôi có thể khẳng định. Dân chúng ở đó chỉ tò mò thôi. Thật là điều khó hiểu đối với tôi khi mà thế giới ở vào năm 2006 này mà có những nơi người ta chưa hề nhìn thấy người da đen. Đó là lúc mà người ta chợt nhận ra những gì Liên Xô đã làm. Họ giam hãm dân chúng trong nước không cho xuất ngoại. Lớn lên ở đâu thì cứ ở nguyên tại đó, vì vậy mà dân chúng chẳng bao giờ nhìn thấy những người da đen.

Ban giám hiệu tại đại học nơi giáo sư Adekola đến giảng dạy qua chương trình Fulbright đã mở tiệc tiễn đưa ông trước khi ông trở về Hoa Kỳ:

Tất cả đều lên tiếng rằng “Ông đã chỉ dẫn cho chúng tôi quá nhiều. Chúng tôi không thể giải thích được những điều chúng tôi cảm nhận”. Tôi đoán họ muốn nói là “Tôi là người da đen mà tôi đã có thể tiến tới, chứ không để cho điều đó làm cho tôi ngần ngại, nản lòng”.

Trong 6 thập niên qua, gần 250 ngàn người từ khoảng 150 quốc gia đã trở thành các học giả qua chương trình Fulbright, theo đuổi sứ mạng đài lâu và vẫn còn rất quan yếu: đó là vượt qua các rào cản về văn hóa, phát huy lòng tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG