Đường dẫn truy cập

Tình trạng căng thẳng giữa Nam-Bắc Triều Tiên lại gia tăng


Tình trạng căng thẳng giữa Nam và Bắc Triều Tiên lại gia tăng sau khi xảy ra cuộc nổ súng qua lại tại khu vực biên giới được canh phòng nghiêm ngặt và việc hủy bỏ buổi lễ chung mừng ngày giải phóng đất nước. Từ thủ đô Hán thành của Nam Triều Tiên, TTV Kurt Achin của đài VOA trình bày thêm chi tiết trong bài tường trình sau đây:

Phát ngôn viên quân đội Nam Triều Tiên Ha Doo-chul cho biết các binh sĩ Nam và Bắc Triều Tiên đã nổ súng qua lại, ngang qua khu biên giới được canh phòng nghiêm ngặt tối hôm qua, nhưng không có thương vong.

Ông Ha nói rằng binh sĩ Bắc Triều Tiên đã bắn hai ,hay ba phát súng, sang một trạm canh của binh sĩ Nam Triều Tiên trong khu vực phi quân sự và các binh sĩ miền Nam đã phản công ngay tức khắc bằng sáu loạt đạn.

Diễn biến vừa kể là vụ đụng độ đầu tiên trong năm nay ngang qua khu vực biên giới ngăn cách hai miền, là nơi có cả một triệu binh sĩ đối diện nhau và đôi khi xảy ra những vụ giao tranh lẻ tẻ.

Trong thực tế thì hai miền Nam và Bắc Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953, khi hai bên ký một hiệp ước đình chiến trong cuộc chiến tranh lạnh, nhưng chưa đạt được một hiệp định hòa bình.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lại trở nên xấu hơn hôm nay, khi Bắc Triều Tiên hủy bỏ các buổi lễ dự trù thực hiện chung giữa hai miền tại Bình Nhưỡng ngày 15 tháng 8 này để mừng ngày đất nước được giải phóng . Đó là ngày đánh dấu bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự cai trị của người Nhật năm 1945 khi thế chiến thứ hai kết thúc.

Bình Nhưỡng cho biết họ buộc phải hủy bỏ các buổi lễ vì những thiệt hại to lớn do lụt lội gây ra trong tháng 7.

Quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng thêm sau khi Bình Nhưỡng cho bắn thử nghiệm các phi đạn đạn đạo hôm mùng 5 tháng 7 mặc dù có áp lực của quốc tế yêu cầu Bắc Triều Tiên đừng thực hiện việc thử nghiệm đó.

Nam Triều Tiên đã đáp ứng hành động của miền Bắc bằng cách ngưng viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên và Bình Nhưỡng đã tuyên bố là Hán Thành sẽ phải trả giá cho quyết định vừa kể.

Sau đó, Bình Nhưỡng đã hủy bỏ các cuộc sum họp giữa thân nhân của các gia đình bị chia cách trong cuộc chiến Triều Tiên, xua đuổi các công nhân Nam Triều Tiên làm việc trong khu vực của một dự án chung hai miền, và rút về các nhân viên của họ làm việc trong văn phòng liên lạc tại thành phố Kaesong.

Một số các nhà phân tích đoán rằng lụt lội có thể sẽ là một cơ hội để Nam Triều Tiên khởi động lại chương trình viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên, đơn thuần dựa trên vấn đề nhân đạo.

Nam Triều Tiên lâu nay muốn tìm cách tạo ảnh hưởng với miền Bắc qua sự giao tiếp nên miễn cưỡng khi phải dùng biện pháp trừng phạt như là một công cụ trong chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Nhưng theo ông Nam Sung-wook, thuộc viện đại học Triều Tiên và là cố vấn cho chính phủ Nam Triều Tiên, thì hiện nay còn quá sớm để mở lại sự trợ giúp cho miền Bắc, tính theo thời điểm mà Bắc Triều Tiên bắn thử các phi đạn:

Theo quan điểm của quốc tế, như Nhật Bản và Hoa Kỳ, thì chính phủ Nam Triều Tiên không thể thay đổi lập trường, đây là nói về việc viện trợ của mình chỉ nội trong vòng một tháng.

Chính phủ Nam Triều Tiên cho biết sẽ chỉ viện trợ lại cho Bắc Triều Tiên nếu Bình nhưỡng quay trở lại hội nghị đa quốc, gồm 6 nước, để bàn về chương trình hạt nhân của miền Bắc.

Bắc Triều Tiên từ chối không quay lại hội nghị từ hồi tháng 9 năm 2005, sau khi hứa sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG