Đường dẫn truy cập

Matthew Tấn: Câu chuyện về một thiếu niên Việt Nam hiếu học


Lời dẫn: Thưa quý thính giả, ra đời ở Pháp và mất mẹ vào năm lên 10, Nguyễn Hiệp Tấn, tên tiếng Anh là Matthew, được thân nhân đưa sang sống ở Canada. Trong suốt 6 năm chung sống với bà con, có lẽ vì tình trạng di trú bất hợp lệ, Matthew Tấn không được người nhà ghi danh cho đi học. Năm 16 tuổi, Matthew quyết định bỏ nhà ra đi, hy vọng sẽ được giúp đỡ để được đi học như các bạn đồng lứa. Mặc dù phải sống bụi đời vài ngày, nhưng trên bước đường lưu lạc, Matthew Tấn đã có cái may mắn gặp nhiều người tốt bụng sẵn sàng nâng đỡ, để vỏn vẹn hai năm sau, em trở thành một học sinh xuất sắc, và theo lời các thầy cô, đang trên đường thực hiện nguyện vọng học lên đại học.

Nhưng đơn xin hợp pháp hóa tình trạng di trú của Matthew bị Bộ Di Trú và Nhập Tịch Canada bác bỏ. em được lệnh phải tình nguyện rời Canada trước ngày 23 tháng Bảy, nếu không Bộ Di Trú sẽ xúc tiến thủ tục trục xuất em về Pháp. Thầy cô giáo và những người ủng hộ Matthew đã phát động một chiến dịch vận động Bộ Trưởng Di Trú Canada can thiệp để lật ngược quyết định đó. Câu chuyện gây xôn xao tại Canada và lan rộng đến các cộng đồng người Việt hải ngoại. Vào giờ chót, câu chuyện này đã có một kết cuộc tốt đẹp. Hoài Hương tiếp xúc với Matthew Nguyễn và những nhân vật chính đã phát động chiến dịch vận động giúp Matthew ở lại Canada. Mời quý vị theo dõi:

Matthew: “Mẹ bị tai nạn xe hồi năm 1993, chừng 2- 3 năm sau bác sĩ tìm ra mẹ cháu bị cancer. Năm 98 thì mẹ mất vì cancer, thì lúc đó dì cậu mang tụi cháu sang đây (Canada) tại vì cháu không còn gia đình nữa. Gia đình mang qua đây mà không có lo giấy tờ đàng hoàng, Tấn qua như là du khách mà thôi. Qua đây thì Tấn không có giấy khai sinh cho nên Tấn không có vô trường catholic được, cho nên là suốt 6 năm, không có đi học.”

Trong những giới hạn của cuộc sống thường nhật quanh quẩn trông em và làm việc nhà, Matthew đã tự học tiếng Anh bằng cách mượn sách thâu âm ở thư viện về tập nghe và đọc. Câu chuyện của Matthew Nguyễn Hiệp Tấn đăng trên tờ Toronto Star đã gây xúc động. Một phần độc giả xúc động vì hoàn cảnh mồ côi của cậu thiếu niên bị đưa sang Canada sống bất hợp pháp cho nên đã không có được một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng một lý do khác đã làm động lòng người là tính hiếu học và tinh thần cầu tiến của cậu thiếu niên này.

Matthew: “Lúc mà Tấn bỏ nhà ra đi, cái việc đầu tiên mà Tấn muốn làm là đi vô trường, cái trường đó là trường tiểu học mà Tấn cũng muốn vô hỏi giúp đỡ... Có một cô thơ ký tên là Joanne Triebe. Tấn vô Tấn cũng nói cái câu chuyện của Tấn cho cô ấy nghe, cô cũng thấy tội nghiệp. Ban đầu thì Tấn cũng muốn vô lại lớp 5 lớp 6 để mà học nhưng mà lúc đó Tấn cũng đã 16 tuổi rồi. Tấn nói thiệt á, Tấn cũng không biết quê như người ta. Tấn không cần biết là Tấn vô học chung với mấy đứa em bé, miễn sao Tấn được vô học là Tấn rất là mừng rồi.”

Ông Bruce Lyne là một nhà giáo dạy tại ngôi trường đầu tiên đã nhận Matthew Tấn vào học, và là một trong những người đã phát động chiến dịch vận động cho Matthew ở lại Canada:

Thầy Bruce Lyne: “Matthew được nhân viên tham vấn học đường đưa đến lớp tôi dạy. Cô ấy giới thiệu đây là Matthew, em không được đi học từ năm lên 10 tuổi, thầy xem có giúp gì được em không.

Thầy giáo Bruce Lyne kể rằng thoạt đầu ông đã tự hỏi không biết làm thế nào có thể hướng dẫn một học trò không hề đặt chân đến trường trong suốt 6 năm trời:

Thầy Bruce Lyne: “Nhưng trong một thời gian rất ngắn, tôi nhận ra rằng trong khi tôi lo lắng Matthew có thể là một học trò gây nhiều khó khăn cho tôi, thì trên thực tế, hầu như ngay tức khắc em trở thành một học sinh đóng góp tích cực vào sinh hoạt lớp. Đến cuối lục cá nguyệt ấy, em trở thành học trò xuất sắc được điểm cao nhất lớp. Không những học giỏi, em còn tham gia sinh hoạt trong lớp, em làm bạn với tất cả mọi người trong lớp học, và thành con chim đầu đàn của lớp.

Một nhân vật khác đóng vai trò then chốt trong chiến dịch vận động giúp Matthew là Luật Sư Avvy Go thuộc Trung Tâm Tương Trợ Pháp Lý Toronto. Luật sư Go cho biết trong vỏn vẹn 3 ngày từ khi được phát động, chiến dịch “Help Matthew Stay”đã nhận được hàng chục ngàn thư ủng hộ.

Hơn 23 ngàn người Canada đã truy cập trang web của chúng tôi. Tôi nhận được vô số emails của những người muốn giúp Matthew, người thì muốn nhận em làm con nuôi, người thì đề nghị Matthew về ở với gia đình họ, người thì cho em một việc làm, bất cứ điều gì mà họ nghĩ có thể giúp Matthew được ở lại Canada.

Thầy giáo Bruce Lyne nhận định về lý do nhiều người chú ý đến câu chuyện của Matthew.

Thầy Bruce Lyne: “Theo tôi thì một lý do gây cảm tình nơi nhiều người, là sự kiện Matthew tự mình đã kiếm cơ hội để được đi học. Năm 2004, khi một lần nữa, chứng kiến cảnh các anh chị em họ chuẩn bị nhập học, nhận thức được em lại không được đi học thêm một năm nữa, Matthew đã đi đến quyết định em cần phải hành động. Thế là em bỏ nhà ra đi, đơn thân độc mã, không biết mình sẽ đi đâu... Em xoay sở sống bụi đời vài ngày, trước khi tiếp xúc được với nhân viên xã hội đã giúp đưa em vào một trung tâm tạm trú thiếu niên. Điều đầu tiên mà Matthew làm ngay ngày hôm sau, là đến trường học gần nhất. Đó là một trường tiểu học, Matthew vào đến văn phòng xin ghi danh đi học, lúc đó em đã 16 tuổi, dĩ nhiên là quá tuổi tiểu học, nhưng điểm đáng nói ở đây là em khao khát được đi học, tôi nghĩ chính đó là điều đã làm động lòng nhiều người, thông thường ít thấy những đứa trẻ thời bây giờ khao khát được học hành như em.

Matthew kể lại nỗi khát khao đó của em khi hồi nhỏ, đôi khi được ông ngoại dẫn đi dạo qua những ngôi trường và thấy bọn trẻ nô đùa ngoài sân, em đã ao ước được nhập bọn với những đứa trẻ ấy như thế nào:

Matthew: “Cháu thấy mấy đứa trẻ nó chơi ở ngoài sân, nó chơi chung, nó có bạn bè này kia nọ, cháu thấy cháu tủi, vì không có cái cơ hội mà như những đứa trẻ đó, không có cơ hội đi học, không có cơ hội có bạn bè. Nhiều lúc thấy mấy đứa nhỏ nó có cha mẹ, tan trường cái cha mẹ tới rước, Tấn thấy rất là tủi, thấy đau là vì không được cái cơ hội đó.

Trong các điều kiện hạn hẹp của một đứa trẻ hầu như bị buộc phải sống ngoài lề xã hội như thế, Matthew đã tự học tiếng Anh bằng một phương pháp khá độc đáo:

VOA/Matthew: “Cô nghe nói Tấn tự học tiếng Anh bằng cách mang sách Harry Potter về đọc, có đúng không?... Dạ, Tấn thấy nhiều đứa trẻ sao mà nó đọc cuốn sách đó sao mà hay quá thì Tấn cũng lấy về, xong có mấy cái audiotapes ở thư viện, thì mượn mấy cái đó về vừa nghe vừa cầm cuốn sách đọc. Mấy cuốn sách đó một bộ hiện giờ có 6 cuốn, mà mỗi cuốn Tấn đọc cũng gần 5, 6 lần, tới lúc mà Tấn học thuộc luôn hết mấy người trong cái cuốn sách đó, cái cốt chuyện Tấn học thuộc luôn. Từ đó mà Tấn tự trao dồi tiếng Anh, nhất là cái viết và cái đọc”.

Đối với Matthew, hình ảnh người mẹ vắn số của em luôn luôn là một thôi thúc khiến em luôn tìm cách thoát ra khỏi tình trạng bế tắc mà hoàn cảnh đã xô đẩy em.

“Cháu thấy mẹ đã nằm xuống sớm như vậy... cháu cũng muốn làm một việc gì đó cho mẹ vui, mà điều đó chỉ có thể thành công khi nào mà Tấn có ăn có học, có ngành nghề đàng hoàng, đi vô đại học học hành, như vậy thì mẹ mới là thấy vui."

Được hỏi vì sao em muốn xây dựng tương lai ở Canada dù em sinh ra và sống ở Pháp cho tới năm 10 tuổi , Matthew Tấn trả lời:

Matthew: “Câu hỏi này hơi khó, nếu mà nói mình là người Pháp thì đúng, Tấn sanh ra ở bên Pháp, nhưng mà đối với Tấn thì nửa cuộc đời của Tấn là Tấn sống ở đây rồi. Tấn lớn lên ở đây, có bạn bè ở đây, đã quen với cuộc sống ở đây rồi. Nói cho đúng ra thì đã khó lắm Tấn mới làm quen được với cuộc sống này sau khi Tấn đã bỏ nhà ra đi, cái gì cũng tự mình học hỏi, tuy rằng biết cái gì cũng không có dễ... nhưng mà lúc nào cũng nghĩ là cái gì mình cũng sẽ làm được, chỉ cần mình phải bỏ cái tâm huyết mình vô mà mình làm là cái gì cũng có thể thành công.

Cả thầy giáo Bruce Lyne và luật sư Avvy Go, cũng như nhiều người từng tiếp xúc với Matthew đều ca ngợi tinh thần phấn đấu ấy của em, và đều lạc quan về triển vọng tiềm tàng nơi người thanh niên vừa tròn 18, đã sống một mình trong suốt năm qua.

Luật Sư Go: “Tương lai của Matthew sẽ vô tận, nếu như chúng ta cho em một cơ hội”.

Và cũng vì lý do này, mà ông Bruce Lyne muốn Bộ Trưởng Di Trú và Nhập Tịch Canada, ông Monte Solberg đồng ý cho Matthew đến gặp ông:

Thầy Bruce Lyne: “Tôi thực sự mong muốn ông Bộ Trưởng trực tiếp gặp Matthew, bởi vì tôi tin là không có bất cứ ai đã từng tiếp xúc với Matthew mà không tin rằng sau này em sẽ trở thành một thành viên đóng góp tích cực cho xã hội Canada”.

Quyết định của Bộ Di Trú Canada được dựa trên lập luận Matthew sẽ không gặp nhiều khó khăn một khi trở về Pháp, bởi vì nước Pháp là một nước ổn định và Matthew còn một người anh ở đó. Một lý do khác là giới hữu trách Canada cho rằng Matthew sẽ tiếp tục là một gánh nặng cần đến những trợ cấp an sinh xã hội của Canada. Đây là những lý lẽ hợp lý nhưng không hợp tình, đối với những người tranh đấu cho Matthew được ở Canada:

Luật sư Avvy Go: “Chúng tôi nói với chính phủ của chúng tôi rằng, xét tình huống đặc biệt, Matthew đã đến đất nước này từ tấm bé, chính phủ Canada đã không bảo vệ em, cứu em ra khỏi một tình huống khiến em không được nâng đỡ, không được cắp sách đến trường, bởi vì lý do đó mà chúng tôi cho rằng chính phủ giờ đây có trách nhiệm phải cho phép em ở lại Canada, bởi vì chúng ta đã không làm gì để giúp đỡ Matthew trong suốt 8 năm trời.”

Vì sao Bộ Di Trú Canada cần phải xét lại trường hợp Matthew? Thầy giáo Bruce Lyne nói:

“Bởi vì Matthew không có trách nhiệm về tình huống đã dẫn dắt em đến Canada. Lý do khác là em đã trải qua 6 năm trời ở nước này mà không được đưa vào trường học, chỉ vì gia đình mà em chung sống không ghi danh cho em đi học .”

Rất nhiều người đồng ý với những quan điểm này, do đó chiến dịch vận động cho Matthew được ở lại Canada đã được hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng. Tờ Toronto Star viết một bài xã luận yêu cầu Bộ Di Trú xét lại trường hợp của Matthew Nguyễn. Và chính Matthew đã nhận được nhiều emails ủng hộ, mà em nói em đọc hết và cảm thấy rất cảm kích:

Matthew: “Trong vòng 2 năm nay, những người đã giúp cháu là những người không có máu mủ với cháu mà người ta bỏ hết cái tâm huyết, bỏ hết cái lòng của họ ra để giúp Tấn. Thì Tấn muốn làm một việc gì đó mà có thể giúp lại được, coi như là giúp người ta để mà thành công, để mà làm những cái chuyện gì mà người ta muốn làm.”

Sự hậu thuẫn của công chúng Canada, đặc biệt của giới truyền thông, đã khiến nhóm đã phát động chiến dịch giúp Matthew cảm thấy hy vọng hơn.

Luật sư Go: “Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh công chúng Canada bày tỏ sự hậu thuẫn mạnh mẽ như thế cho Matthew, rõ rệt tôi cảm thấy hy vọng hơn là so với 10 ngày trước đây, khi nhận được quyết định của Bộ Di Trú bác đơn của Matthew xin hợp pháp hóa tình trạng di trú.”

Niềm hy vọng ấy đã được đáp ứng vào sáng thứ Năm, khi luật sư của Matthew loan báo quyết định của Bộ Trưởng Di Trú Monte Solberg, cấp cho Matthew giấy phép tạm trú 3 năm, 3 ngày trước khi Bộ xúc tiến thủ tục trục xuất em về Pháp. Sau đó, Matthew sẽ được nộp đơn xin được thường trú tại Canada. Trong một cuộc họp báo tại Toronto, Matthew nói em cảm thấy như toàn bộ sức nặng của tòa tháp CN Tower, một trong những tháp cao nhất thế giới ở trung tâm thành phố Toronto, đã được trút khỏi vai em. Trong một cuộc trao đổi ngắn với đài VOA, Matthew nói:

“Khi nhận được tin thì Tấn rất là mừng, thiệt là không biết nói làm sao.”

Như luật sư Avvy Go, Matthew Tấn cho rằng thành công này có được là do sự tiếp tay của rất nhiều người, những người đã gửi email, thư, hay điện thoại trực tiếp đến Bộ Di Trú Canada để bày tỏ ý kiến, yêu cầu Bộ Di Trú Canada lật ngược quyết định đưa ra trước đó.

Ngoài các thầy cô giáo và luật sư là những người đứng ở tuyến đầu trong chiến dịch tranh đấu, Matthew còn nhắc đến nhiều người khác đã vận động trong hậu trường, kể cả cộng đồng người Việt, để cho em một cơ hội xây dựng tương lai ở Canada.

Matthew: “Tấn không biết làm sao cám ơn hết được những người đó, những người mà chưa bao giờ gặp Tấn nhưng mà đã bỏ hết lòng vô... mà giúp Tấn. Tấn không biết làm sao mà trả hết cái ơn này được.”


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG