Hai công ty Kampuchia đã nhập khẩu cá basa từ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ để tìm cách khỏi phải chịu thuế suất chống bán phá giá.
Theo bản tin hôm thứ ba của nhật báo Arkansas Democrat Gazette, Bộ Thương mại Hoa Kỳ phát hiện rằng Công ty Mậu dịch Lian Heng và Công ty Đầu tư Lian Heng ở Kampuchia đã nhập khẩu cá tra sống từ Việt Nam để chế biến trước khi bán sang Mỹ.
Các giới chức bộ thương mại ở Washington quyết định rằng số fillet cá tra đông lạnh của hai công ty này có xuất xứ từ Việt Nam và vì thế phải chịu thuế suất chống bán phá giá.
Trong lúc áp đặt thuế suất 64% đối với một số lô hàng trước đây của công ty Lian Heng, bộ Thương mại Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ cho phép công ty này chứng thực là không có cá tra, basa xuất xứ từ Việt Nam được dùng để làm ra fillet cá tra đông lạnh trong những lô hàng bán sang Mỹ sau trung tuần tháng 7 năm 2005. Những lô hàng nào không có chứng thực như thế sẽ phải chịu thuế suất 64%.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng năm 2003 bộ Thương mại Mỹ đã ấn định thuế suất chống bán phá giá đối với cá da trơn của Việt Nam, với thuế suất sơ bộ từ 37 đến 64%. Những vụ điều chỉnh sau đó đã nới rộng khoảng cách giữa mức thuế thấp nhất với mức cao nhất.
Hiện nay, một công ty Việt Nam chịu thuế suất 7% và một công ty khác phải chịu mức thuế 81%. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá ở Mỹ đã khiến các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm kiếm thị trường mới và họ đã được hưởng lợi từ giá cao ở các nước như Bỉ và Đức.
Tin tức báo chí Việt Nam trích lời các chuyên gia ngành thủy sản cho biết Nga đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra, basa Việt Nam, với lượng xuất khẩu tăng vọt lên 16 ngàn tấn trong nửa đầu năm nay, so với 500 tấn của cùng Kỳ năm ngoái.
Các số liệu của Tổng cục Thống kê ở Hà Nội cho thấy năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 141 ngàn tấn cá tra và basa, trị giá 328 triệu đô la.