Đường dẫn truy cập

Kiện cáo, khiếu nại, chống đối việc nhà đất bị giải tỏa để xây dựng nhiều dự án tại Hoa Kỳ


Trong lúc tại Việt Nam, vì những lý do khác nhau, nhiều người vẫn đang kiện cáo, khiếu nại, chống đối việc nhà đất của họ bị giải tỏa để lấy chỗ cho nhà thầu xây dựng nhiều dự án thì tại Hoa Kỳ, ngoài chuyện phải mua lại đất của các sở hữu chủ các nhà thầu muốn xúc tiến các công trình xây dựng đôi khi còn phải đối phó với một số trường hợp rất khó giải quyết. Mời quí vị theo dõi Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay với câu chuyện của Ted Lanphair do Lan Phương đem đến quí thính giả:

Rất lâu trước khi một tòa nhà khổng lồ cho thuê làm văn phòng hay một khu thương xá hoặc các khu chung cư được xây lên thì công ty thầu xây dựng đã phải dọ hỏi tìm mua tất cả các khoảnh đất tại những nơi đó, một cách âm thầm, bởi vì tin về dự án xây dựng mà bị lộ ra ngoài thì họ sẽ khốn khổ vì chủ đất sẽ đòi một cái giá cắt cổ rồi mới chịu bán.

Nhưng đôi khi các công ty thầu xây cất bị lâm vào những tình huống thực khó xử, cho dù bằng lòng chịu mua lại đất với một cái giá thật cao, vì chủ đất không chịu bán đất, không bán nhà, trả giá cao đến đâu họ vẫn không bán là không ! Rất nhiều trong số những chủ nhà, chủ đất bướng bỉnh, mà người trong nghề gọi là “những cái cọc mọc rễ” này là những ông già, bà già, già héo, già hắt, những người không thể nào chịu nổi việc chia tay với căn nhà thân yêu hay cửa tiệm nhỏ mà họ đã có từ rất lâu rồi.

Một thí dụ điển hình là vào khoảng thập niên 1960, đại công ty giải trí Disney đã thiết lập một tổ hợp bí mật,kín đáo dò tìm mua 11,000 hecta đất tại Florida dự tính xây khu giải trí trường. Mọi chuyện được xúc tiến tốt đẹp, trừ 2 gia đình nhất định không chịu bán một tấc đất nào, dù đất của họ chỉ là đầm lầy. Vậy thì phải đối phó như thế nào ? Công ty Disney chịu thua, đành phải đổi hướng một sông đào lớn dẫn nước đi, để cho nó chạy vòng qua một trong hai khoảnh đất này, mà tới giờ này hai căn nhà mà chủ nhân nhất định không chịu bán đó vẫn nằm lù lù trong khu công viên giải trí của Disney ở Florida.

Một thí dụ khác, mới đây thôi, một người đàn ông ở thủ đô Washington đã bác tất cả mọi giá đề nghị của nhà thầu muốn mua căn nhà 2 tầng nơi vẫn được ông dùng làm văn phòng kiến trúc. Nhà thầu xây cất đưa xe đến đào đất ở 3 phía chung quanh căn nhà đó. Người chủ căn nhà cho biết một khi tòa cao ốc mới dùng cho thuê làm văn phòng được xây lên cao ngất ngưởng vây quanh 3 phía căn nhà của ông thì ông sẽ mở một cửa hàng bán bánh pizza. Những người ngờ vực ý định của ông nói rằng không biết ông sẽ phải bán bao nhiêu chiếc bánh pizza thì mới thu về cho bằng với số tiền hàng triệu đô la mà nhà thầu đã trả giá mong mua lại căn nhà của ông trước đây ?

Trong những trường hợp như thế thì chủ thầu xây cất sẽ làm gì để nhổ được “những cái cọc mọc rễ” như vậy ? Một số phải nhờ đến chính phủ địa phương hoặc tiểu bang. Bằng cách này, dự án xây dựng sẽ mang tên là “tái phát triển thành phố”. Như quí vị biết, chính phủ thì có quyền, theo luật lệ về đất đai, để sung công đất đai của tư nhân cho việc công ích, lẽ dĩ nhiên chỉ là sau khi bồi thường thỏa đáng cho chủ nhà hay chủ đất, để buộc những “cái cọc mọc rễ” đó phải bán nhà dọn đi.

Nhưng nếu như nhà thầu xây dựng không thể vận động được chính phủ can thiệp thì đôi khi họ xử dụng đến biện pháp kiện cáo; họ thuê luật sư, ra tòa để tìm cách thuyết phục chủ đất bán nhà. Thế nhưng một lần nữa, rất nhiều trong số những nhà thầu xây cất này bị thua kiện, và học thêm được những kinh nghiệm khá chua cay, rằng chọc giận những ông bà già cương quyết không chịu bán nhà đất của họ là chuyện hết sức dại dột!

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG