Đường dẫn truy cập

AIDs và cộng đồng Á Châu-Thái Bình Dương tại New York


Người di dân đến từ 43 nước Châu Á và các hải đảo vùng Thái bình Dương là một thành phần ngày càng đông đảo trong dân cư sinh sống tại thành phố New York. Thành phần này đang phải trực diện với cùng những thử thách mà những người láng giềng của họ phải đối đầu, kể cả nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Nhân dịp 25 năm từ khi phúc trình y khoa đầu tiên báo cáo về bệnh AIDS được công bố, nhiều người trong cộng đồng gốc Châu Á-Thái bình Dương ở New York tỏ ra miễn cưỡng trong việc thừa nhận con số ca lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng trong cộng đồng. Những rào cản văn hóa và ngôn ngữ là những trở ngại đối với nhiều người trong việc tìm hiểu về thực tế của bệnh AIDS để có hành động thích ứng. Thông tín viên Adam Phillips của đài VOA đã đến thăm một tổ chức hoạt động ở khu phố Tàu tại New York để tìm cách giúp đỡ cộng đồng gốc Châu Á -Thái Bình Dương, để gửi về bài tường trình sau đây:

Tính ngăn nắp và không gian tĩnh lặng của dưỡng đường APICHA và những văn phòng cuả dưỡng đường này, tương phản rõ rệt với cái ồn ào hỗn tạp của các con đường của khu phố Tàu ở bên ngoài. Liên Hội Châu Á -Thái Bình Dương về HIV/AIDS phục vụ các thành viên của cộng đồng tại New York phải sống trong tình trạng nhiễm HIV.

Dựa trên các số liệu mới đây của Bộ Y Tế địa phương, tỷ lệ các ca lây nhiễm mới đang giảm thiểu trong tất cả mọi nhóm chủng tộc hay sắc tộc, ngoại trừ nhóm gốc Châu Á -Thái Bình Dương. Giám Đốc Y Khoa của trung tâm APICHA, ông Victor, nói rằng điều này chứng tỏ tầm quan trọng của công tác giáo dục cộng đồng.

Đáng tiếc là virút HIV không kỳ thị một ai. Thế cho nên, nếu có tiếp xúc với virút HIV, chúng ta cũng gặp phải rủi ro y như bất cứ thành phần dân cư nào khác. Chúng ta cần phải gửi đi một thông điệp đến cộng đồng, rằng mặc dù con số không mấy cao, nhưng họ vẫn gặp nguy cơ nhiễm bệnh. Vì lẽ đó, họ phải nhận thức được về hành động của mình, liệu làm như thế có đặt mình vào tình trạng rủi ro bị nhiễm bệnh hay không, dù là giao hợp mà không tự bảo vệ bằng cách sử dụng bao cao su, hoặc trong trường hợp người ấy chỉ có một người bạn tình, họ vẫn phải đề cao cảnh giác, về liệu người bạn tình ấy, dù là nam hay nữ, có tự đặt mình vào hoàn cảnh dễ lây nhiễm HIV, hay không.

Nguy cơ này đặc biệt cao đối với phụ nữ gốc Châu Á -Thái Bình Dương. Đa số không biết gì về chứng bệnh này khi còn ở quê nhà, nơi mà có thể chính phủ của họ không thừa nhận sự hiện diện của bệnh AIDS. Sau khi di dân sang Hoa Kỳ, một thành phần đã không được nghe hoặc không có khả năng đọc các tài liệu y tế để tìm hiểu về virút HIV. Và dù cho những phụ nữ này có được nghe về bệnh AIDS đi nữa, họ có khuynh hướng tự coi mình là không thuộc các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.

Ông Shu-Hui Wu, phó giám đốc ngành dịch vụ bệnh nhân tại trung tâm APICHA , nói những phụ nữ này thường không biết là người đàn ông trong đời họ bị nhiễm bệnh.

Có thể bạn trai hay người chồng của họ đã ra nước ngoài trước, rồi mới bảo lãnh cho gia đình sau này. Bởi vì những người đàn ông di dân không có nhiều phương tiện giải trí, họ có thể lui tới với thành phần hành nghề mãi dâm. Không có kiến thức về bệnh Aids, có thể họ không biết cách tự bảo vệ nên bị nhiễm bệnh, rồi sau đó truyền bệnh cho gia đình và người họ thương yêu.

Những cản trở văn hóa còn gây thêm nhiều khó khăn hơn nữa đối với phụ nữ trong việc có những biện pháp để tự bảo vệ lấy mình. Trong truyền thống của nhiều nền văn hóa Á Đông, một người vợ phải phục tòng chồng, và có thể không cảm thấy thoải mái khi muốn yêu cầu ông chồng sử dụng bao cao su. Bà Cherry Ng là người điều khiển các buổi hội thoải để hướng dẫn phụ nữ bày tỏ thái độ quả quyết mà không làm cho người đối thoại với mình cảm thấy bị đe dọa.

Người phu ïnữ có thể nói: Anh là người bạn tình của tôi. Nếu yêu tôi, anh cần phải tự bảo vệ lấy mình, và bảo vệ tôi. Bao cao su không chỉ có công dụng ngừa thai.

Thảo luận về tình dục được coi là điều cấm kỵ trong một số nền văn hóa Châu Á -Thái Bình Dương, và những người bị nhiễm các chứng bệnh lây lan qua đường tình dục thường cảm thấy xấu hổ và bị xa lánh. Các niềm tin tôn giáo thường đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa đến những thái độ tương tự.

Người phụ nữ này đã nghe một số thành viên trong cộng đồng của bà nói rằng “nghiệp chướng”, tức là những hành động trong kiếp trước, là lý do có thể giải thích vì sao người chồng suy nhược tinh thần của bà mắc phải bệnh AIDS.

Trong thời gian đó, tôi đi lễ ở các đền chùa để tìm hiểu về giáo lý và tìm cách giải quyết vấn đề của tôi. Bằng cách lắng nghe những lời thuyết giảng, tôi nhận thức được rằng điều gì xảy ra, đã xảy ra. Tôi không làm gì được về những gì đã xảy ra. Nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để đối đầu với nó, và tiến lên phía trước.

Theo bác sĩ Inada, giám đốc trung tâm APICHA, thì trong cuộc đấu tranh của một người chống bệnh AIDS, tiến lên phía trước mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ đi xét nghiệm, để được chẩn đoán và cho uống thuốc.

Bác sĩ Inada giải thích:

Chúng tôi còn có các dịch vụ theo dõi từng ca để giúp hướng dẫn thân chủ tiếp cận với những hệ thống xã hội cực kỳ phức tạp, và tìm cách giúp họ có được bảo hiểm y tế hay giúp họ giải quyết được một số nhu cầu khác quan trọng hơn, đối với một người không có việc làm, không có tiền bạc, không có nhà ở. Chúng tôi tìm cách giúp đỡ họ bằng cách giúp họ trong tư cách là một con người toàn diện, chứ không chỉ tập trung giúp họ đối phó với tình trạng nhiễm HIV hay chỉ giúp họ về mặt cơ thể không mà thôi.

Tâm trạng cô đơn và cảm thấy bị cô lập có thể là hệ quả của bất cứ chứng bệnh nghiêm trọng nào, và bệnh HIV/AIDS không phải là một ngoại lệ. Phó giám đốc trung tâm APICHA, ông*bà Shu-Hui Wu rất tự hào về chương trình “Nghệ Thuật và Trà” của trung tâm, một chương trình khuyến khích các thân chủ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và giao tiếp với nhau.

Đây là một nhóm tương trợ để những người tham dự không cần phải nói qú nhiều, và cũng không cần phải thành thạo tiếng Anh mà vẫn có thể cảm thấy thích thú và tương trợ lẫn nhau.

Một phần tư thế kỷ sau khi bệnh AIDS lần đầu tiên được mô tả trong một tạp chí y khoa, căn bệnh này được mang ra thảo luận thường xuyên trong giới truyền thông tây phương, từ các nhật báo đến các tạp chí có nhiều độc giả, cho đến các chương trình hội thoại truyền thanh, truyền hình. Thế nhưng vẫn vòn rất nhiều người không, hoặc không muốn công nhận mức độ nguy cơ của bệnh AIDS. Đó là những người mà trung tâm APICHA và những nhà hoạt động tích cực khác tiếp tục nhắm đến, và tìm cách giúp đỡ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG