Đường dẫn truy cập

Nhiều tổ chức thuộc xã hội dân sự được thành lập và đang phát triển ở Việt Nam


Nhiều tổ chức thuộc xã hội dân sự đã được thành lập và phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo tường thuật của hãng thông tấn Reuters, các chuyên gia phát triển cho biết như thế hôm thứ ba trong bản báo cáo của dự án nghiên cứu đầu tiên về xã hội dân sự ở Việt Nam.

Dự án “Công cụ Đánh giá Ngắn gọn Chỉ số Xã hội Dân sự”, được thực hiện bởi Viện Những Vấn đề Phát triển (Institute for Development Studies) ở Hà Nội với sự hợp tác của Liên minh Thế giới vì Sự Tham gia của Công dân (World Alliance for Civic Participation).

Phát biểu trong cuộc hội thảo tổ chức tại văn phòng Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc ở Hà Nội, bà Irene Norlund, điều hợp viên của dự án này cho biết cánh cửa của các hoạt động tranh đấu xã hội giờ đây đã mở ra ở Việt Nam.

Theo lời bà Norlund, chỉ vài năm trước đây, người dân Việt Nam không thể đề cập tới cụm từ xã hội dân sự vì điều đó được xem là một vấn đề nhạy cảm; nhưng bây giờ mọi người đã có thể công khai thảo luận vấn đề này.

Bản tóm lược kết quả của công trình nghiên cứu này cho thấy ở Việt Nam hiện nay có khoảng 2000 tổ chức thuộc xã hội dân sự, trong đó có nhiều tổ chức từ thiện và hội đoàn bất vụ lợi được dân chúng tin cậy. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu lên một nhược điểm là sự hợp tác giữa các tổ chức dân sự vẫn còn yếu kém và ảnh hưởng bị giới hạn.

Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng cho rằng “hoạt động chủ chốt của hầu hết các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam là nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo, từ thiện nhân đạo và tự quả, và phát triển nghề nghiệp, nhưng lại ít hướng tới các vấn đề pháp lý.”

Đối tượng của dự án nghiên cứu này gồm cả những “tổ chức quần chúng” hoạt động dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản. Tuy vậy, theo các chuyên gia thì những tổ chức này đã trở nên có tính chất độc lập hơn trong 10 năm qua.

Mặc dầu vậy, trong cuộc hội thảo hôm thứ ba, Viện trưởng Viện Những Vấn đề Phát triển, ông Đặng Ngọc Dinh, cũng cho biết ông tin rằng xã hội dân sự nên tập trung trước hết vào việc tăng cường quyền lợi của người dân và phát triển xã hội kinh tế, thay vì chú tâm đến vấn đề cạnh tranh chính trị.

Phát biểu này có Nội dung tương tự như tuyên bố của ông Nông Đức Mạnh hồi tháng trước sau khi được bầu lại vào chức vụ Tổng bí thư. Người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam nói đại ý rằng Việt Nam có tự do cạnh tranh về kinh tế nhưng chưa có tự do cạnh tranh về chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG