Đường dẫn truy cập

Hoạt động rà phá bom mìn chưa nổ và giúp đỡ cho các nạn nhân tại Quảng Trị


Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Quảng Trị là nơi thường xảy ra những trận giao tranh ác liệt vì đây là tỉnh địa đầu giới tuyến. Do đó rất nhiều bom đạn và những vật liệu chưa nổ vẫn còn nằm rải rác trên khắp khu vực này mà theo các chuyên gia thì phải mất nhiều năm mới có thể tháo gỡ hết được. Mới đây, phóng viên Trần Nam của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã đến thị xã Đông Hà của tỉnh Quảng Trị và tiếp xúc với các giới chức đặc trách công tác rà phá bom mìn để tìm hiểu thêm về các hoạt động này và gửi về bài tường trình sau đây:

Dưới ánh nắng chói chang của mùa Hè ở Quảng Trị người ta không thấy có dấu hiệu nào của chiến tranh còn sót lại trên những bãi cát rộng mênh mông ở 2 bên những con lộ nhỏ, hoặc trong những khu rừng thưa yên tĩnh. Tuy nhiên ẩn mình dưới những lớp đất, những hàng cây có vẻ hiền hòa và yên tĩnh đó, có thể là những quả mìn, những viên đạn pháo chưa nổ, lúc nào cũng sẵn sàng gây thiệt mạng cho những ai vô tình giẫm lên hoặc đụng phải trong khi đào xới đất đai để trồng trọt.

Theo tài liệu của tổ chức Peace Trees Việt Nam, Cây Hòa Bình Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ thì tại Việt Nam có hơn 5 triệu 300 ngàn bom đạn chưa nổ đang đe dọa đến sự an toàn và phát triển của mọi gia đình, đặc biệt là trẻ em. Và tại tỉnh Quảng Trị, mìn và bom đạn chưa nổ đang là mối hiểm họa ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân tại địa phương.

Cô Phạm Hoàng Hà thuộc tổ chức Peace Trees Việt Nam đang hoạt động tại Quảng Trị nói rằng tổ chức này đã được thành lập vào năm 1995 ngay sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhằm mục đích làm giảm bớt phần nào những hậu quả của chiến tranh cho những người dân Việt Nam. Cô Hà nói:

Peace Trees Việt Nam là một trong các tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Hoa Kỳ được cấp phép để rà phá bom mìn tại Việt Nam. Ngoài ra Peace Trees Việt Nam còn hỗ trợ cho các nạn nhân bom mìn và những người còn sống sót sau tai nạn bom mìn. Đồng thời chúng tôi cũng thực hiện các chương trình phòng chống bom mìn, giáo dục cho trẻ em và người lớn về nguy cơ của bom mìn. Ngoài các hoạt động kể trên Peace Trees Việt Nam còn tham gia công tác phát triển cộng đồng và tổ chức các nhóm tình nguyện viên từ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam để tham gia các hoạt động trồng cây và giao lưu văn hóa tại tỉnh Quảng Trị.

Ngoài tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam, còn có một số tổ chức phi chính phủ khác của Hoa Kỳ cũng hoạt động trong khu vực này, cùng với nhiều tổ chức của Anh, của Đức hoạt động về khảo sát, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, và giáo dục phòng tránh bom mìn, nhất là các trẻ em ở bậc tiểu học.

Ông Trần Hồng Chi, Điều Phối Viên của Dự Án Tổ Chức Clear Path International, gọi tắt theo tiếng Anh là CPI, là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, được thành lập vào năm 2000 với dự án đầu tiên là hỗ trợ rà phá bom mìn nhân đạo trên một hiện trường 43 Hectares ngay tại thị xã Đông Hà, nơi có căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong thập nhiên 60, 70. Sau khi chiến tranh kết thúc khu vực này vẫn còn rất nhiều bom mìn, do đó tổ chức CPI đã chọn Đông Hà để hoạt động. Sau khi khi dự án rà phá bom mìn chấm dứt, CPI đã tập trung nỗ lực vào các hoạt động hỗ trợ nạn nhân của bom mìn. Lý do về sự chuyển hướng hoạt động của CPI đã được ông Trần Hồng Chi giải thích như sau:

Khi chúng tôi tiến hành dự án rà phá bom mìn thì chúng tôi chú ý đến một điều là phần lớn các nạn nhân của bom mìn là những người rất nghèo, họ phải đi khai hoang, họ phải đi đến những nơi mà từ trước đến nay chưa có ai khai phá. Một khi tai nạn xảy ra với những vết thương rất là nặng thì nạn nhân không có khả năng chi trả các chi phí y tế, và các chi phí liên quan khác. Có những nhà phải đi vay đi mượn và sau khi người thân của họ được xuất viện thì toàn bộ gia đình họ bị kiệt quệ về kinh tế. Vì vậy chúng tôi thấy công tác hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, lúc đó chưa có tổ chức nào làm nên chúng tôi tiến hành làm thử một vài trường hợp, sau đó chúng tôi thấy mô hình này tốt. Khi dự án rà phá bom mìn chấm dứt vào tháng 7 năm 2002 thì chúng tôi ngưng rà phá bom mìn và chú tâm vào công tác hỗ trợ các nạn nhân của bom mìn, và từ đó đến nay chúng tôi hoạt động như là một tổ chức hỗ trợ nạn nhân bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn miền Trung Việt Nam.

Ngoài các nhóm rà phá bom mìn được chỉ định hoạt động tại một số khu vực cố định, tỉnh Quảng Trị còn có một đội rà phá mìn lưu động gồm có 8 người mà mục đích chính là rà phá cũng như thu gom bom đạn và vật liệu nổ tại bất cứ nơi nào được phát hiện. Anh Phạm Văn Bàng, Đội Trưởng Đội Rà Phá Bom Mìn Lưu Động tỉnh Quảng Trị, một người có rất nhiều năm kinh nghiệm về mìn bẫy, mô tả công việc làm nguy hiểm này như sau:

Phải nói rằng công việc rà phá bom mìn là một công việc làm rất nguy hiểm. Nó còn có tính chất phức tạp và nguy hiểm hơn nữa vì bom đạn này không phải là loại mới mà là những thứ đã thả xuống cách đây trên 30 năm cả, tính từ năm 75 đến nay. Nguyên lý hoạt động của những thứ này không còn theo đúng nguyên lý cơ bản nào cả, có thể phụ thuộc theo thời tiết khí hậu và những yếu tố khác, tác động rất nhiều.

Mặc dù đã có các nỗ lực như vừa kể của các tổ chức quốc tế cũng như địa phương nhưng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn thỉnh thoảng gây chết chóc và thương tật cho nhiều người.

Tuy nhiên người ta vẫn thấy có những dấu hiệu đầy hy vọng. Ngôi làng do dự án Peace Trees Việt Nam xây dựng đang nằm trên một khu đất rộng rãi với phía sau là những hàng cây xanh. Cạnh đó là một ngôi trường mẫu giáo, nơi mà các trẻ em đang vui đùa.

Tại đây chúng tôi đã được giới hữu trách cho biết thêm một số chi tiết về ngôi làng này:

Ngôi làng này được gọi là làng hữu nghị cây hòa bình do tổ chức Cây Hòa Bình tài trợ cho các đối tượng mà chủ yếu là các gia đình nạn nhân bom mìn và các hộ gia đình nghèo vô gia cư. Công trình này được xây dựng gồm 100 ngôi nhà, một trường mẫu giáo và một nhà hội trường để cho dân trong làng đến họp khi cần thiết . Và trước khi xây dựng thì cái khu đất này đã được rà phá bom mìn và được san lấp mặt bằng vì trước đây nơi này là một vùng đồi và đất đai rất là cằn cỗi cho nên người ta phải rà phá và san lắp mặt bằng trước khi xây dựng.

Theo lời các giới chức mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc tại thị xã Đông Hà tỉnh Quảng Trị thì số người bị thiệt mạng hay thương tật đã giảm bớt khá nhiều so với những năm trước đây, tuy nhiên phải mất nhiều năm nữa mới mong chấm dứt được những tai họa mà không ai có thể lường trước được, một phần là vì bom mìn chưa nổ vẫn còn quá nhiều mà phương tiện rà phá vẫn còn giới hạn.

Phần khác là vì cuộc sống của người dân tại đây vẫn còn quá nghèo cho nên một số người đã sinh sống bằng cách tìm kiếm sắt vụn từ các phế liệu chiến tranh để mang về bán lại, và không kể gì đến nguy hiểm khi gặp bom đạn chưa nổ. Trẻ em thì không ý thức được sự nguy hiểm của những vật lạ và cứ tưởng đó là những thứ có thể dùng làm đồ chơi. Vì vậy công tác giáo dục về phóng tránh bom mìn là nỗ lực chính của các tổ chức nói trên hiện nay trong khu vực này.

Trần Nam tường trình từ Việt Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG