Đường dẫn truy cập

Ghi nhận ngày kỷ niệm 30 tháng 4 tại một số thành phố ở Việt Nam


Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng Tư là người dân Việt lại nhớ đến một biến cố lớn trong lịch sử. Đó là ngày mà cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc bằng chiến thắng của miền Bắc, chấm dứt một cuộc chiến kéo dài nhiều thập niên. Năm nay ngày kỷ niệm này cũng đã được tổ chức, tuy nhiên nói chung trên toàn quốc thì những cuộc mít tinh quần chúng đã không được chính quyền địa phương tổ chức như những năm trước đây. Sau đây là một số ghi nhận của phóng viên Trần Nam của VOA về ngày lễ kỷ niệm này tại cố đô Huế:

Trước năm 1975, vì những điều kiện lịch sử, hầu hết những người dân Việt ở hai miền Nam Bắc đã trở thành những người ở 2 chiến tuyến khác nhau. Do đó cảm nghĩ của họ cũng có những khác biệt về ngày lễ kỷ niệm này. Trong khi ngày lễ này được cử hành một cách long trọng hôm 29 tháng Tư để mừng chiến thắng tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà cách đây 31 năm là Saigon, thủ đô của miền Nam, thì một số lớn người Việt, vốn đã rời bỏ quê hương miền Nam để đi lánh nạn, hiện đang sinh sống tại Tiểu Bang California ở Hoa Kỳ, đã đánh dấu ngày 30 tháng Tư với nổi đau buồn vì những mất mát và khổ đau mà họ đã trải qua tiếp theo sau những ngày miền Nam thay ngôi đổi chủ.

Riêng ngày 30 tháng 4 năm nay tại Việt Nam, ngoài những lễ lạc được tổ chức rầm rộ tại thành phố Hồ Chí Minh, người ta không thấy các thành phố lớn khác tổ kỷ niệm ngày này như những năm trước.

Tại Hà Nội hôm 28 tháng Tư, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã tổ chức lể kỷ niệm 30 tháng Tư kết hợp với ngày Lao Động Quốc Tế mùng 1 tháng 5 và chào mừng sự thành công của Đại Hội Đảng. Riêng tại cố đô Huế, ngoài những khẩu hiệu và cờ quạt để kỷ niệm ngày 30 tháng 4, người ta cũng không thấy chính quyền địa phương tổ chức những cuộc mít tinh quần chúng nào ngoài các hoạt động có tính cách văn hóa và xã hội, trong đó có buổi trình diễn văn nghệ tại Nhà Văn Hóa Thành Phố Huế tối hôm 30 tháng 4:

Một người trong Ban tổ chức cho biết qua về các sinh hoạt văn nghệ này:

Nhà Văn Hóa có tổ chức một chương trình văn nghệ quần chúng hằng năm theo cụm, thí dụ 25 phường xã thì 5 cụm được đưa vào 1 phường, và tổ chức mỗi phường để làm một chương trình như vậy, và được chia thành 5 cụm và 5 đêm công diễn, và sau công diễn thì đưa về tại Nhà Văn Hóa để trình diễn, và mình lấy nhữõng tiết mục tiêu biểu để mình làm tất cả những chương trình phục vụ.

Chương trình văn nghệ kỷ niệm 30 tháng 4 đã được dân chúng đến xem đông đảo. Tuy nhiên cũng có người không thể tham dự:

Xích lô nghèo lắm. Chỉ ráng kiếm một ngày vài chục ngàn để nuôi sống gia đình thôi, và làm việc xong là về nhà nghỉ chớ không rảnh để đi dự lễ 30 tháng Tư.

Tại thành phố cổ kính nhưng càng ngày càng có nhiều khách sạn này, du khách có cảm tưởng là ngày kỷ niệm thống nhất đất nước dường như đã bị thương mại hóa. Trên các chương trình truyền hình, người xem thấy nhiều cơ sở thương mại đã nhân ngày lễ này để quảng các sản phẩm của họ. Trên một vài con đường lớn ở Huế, du khách dễ dàng nhận thấy những biểu ngữ của các khách sạn lớn quảng cáo rằng họ có tổ chức những buổi dạ tiệc để kỷ niệm 31 năm thống nhất đất nước. Giá tiền mà mỗi người phải trả cho một vé để tham dự dạ tiệc ẩm thực này là khoảng 10 đô la cho một người Việt, còn người nước ngoài thì có lẽ cao hơn. Đối với người dân trong nước mà lợi tức tính trung bình theo đầu người vào khoảng 600 đô la 1 năm thì cái vé này quả là quá đắt, nhất là đối với người dân nghèo ở Huế, nơi mà năm nào cũng bị thiên tai bão lụt và không có những phát triển về công nghiệp.

Nhìn chung thì Huế ngày nay đã có nhiều thay đổi nhưng chủ yếu vẫn là các hoạt động liên quan đến du lịch.

Các khách sạn cũ tiếp tục được tân trang và khách sạn mới cũng mọc lên nhanh chóng. Xe tắc xi cũng đông hơn và đáp ứng nhanh chóng hơn với khách hàng so với những năm trước. Tuy nhiên bên cạnh đó là những chiếc xe xích lô, những xe ôm 2 bánh chờ chực suốt ngày tại những khách sạn nhưng vẫn không có bao nhiêu khách, ngoại trừ một số du khách muốn đi ngắm cảnh.

Trên thực tế thì 30 tháng Tư đã càng ngày càng trở nên mờ nhạt đối với nhiều người tại Việt Nam, nơi mà khoảng 3/4 dân số là những người trẻ đang nghĩ đến tương lai nhiều hơn là quá khứ.

Các nhà quan sát cho rằng phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới mới là điều quan trọng của Việt Nam ngày nay. Có lẽ nỗ lực của chính quyền Việt Nam trong thời gian này là những cuộc thương thuyết để gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, công cuộc chuẩn bị cho hội nghị APEC vào cuối năm nay và sự có mặt của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush tại thủ đô Hà Nội trong dịp hội nghị này.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG