Đường dẫn truy cập

Tình trạng thiếu hụt nhân công tại Trung Quốc


Hàng trăm hãng xưởng tại các khu vực phát triển nhanh chóng nhất ở Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân. Nạn thiếu lao động đang khiến lương bổng tăng và buộc ngành công nghiệp phải hướng tới việc sản xuất các sản phẩm mắc tiền hơn. Từ Trung Tâm Tin Tức Á Châu của đài VOA, Thông tín viên Claudia Blume gửi về bài tường trình sau đây:

Trong hơn 2 thập niên qua, vùng đồng bằng Sông Ngọc Trai ở miền Nam tỉnh Quảng Đông là một khu vực thiết yếu đã đóng góp đáng kể cho đà phát triển kinh tế Trung Quốc. Với hàng ngàn hãng xưởng sản xuất phần lớn các sản phẩm thông dụng chẳng hạn như đồ điện tử rẻ tiền, các loại đồ chơi và vải vóc, khu vực này thường được gọi nôm na là “xưởng sản xuất của thế giới”.

Nhưng cơ xưởng này của thế giới đang ngày càng thiếu nhân công. Khi những tin tức nạn khan hiếm lao động tại khu vực xuất hiện lần đầu cách đây hai năm, một số nhà kinh tế tin rằng đây chỉ là một vấn đề nhất thời.

Nhưng ông Robin Chiu, Tổng Giám Đốc Liên Đoàn Các Công Nghiệp Hong Kong, nói tình hình đã không cải thiện đối với các hãng xưởng ở lưu vực Sông Ngọc Trai có chân trong liên đoàn của ông. Ông Chiu cho biết một cuộc thăm dò hồi năm ngoái mà đối tượng là chủ nhân các hãng xưỡng, cho thấy là trung bình 10% các công việc tại đây không tìm ra được người làm. Và như thế trung bình mỗi hãng xưởng tại đây thiếu đến 1000 công nhân.

Chính quyền tỉnh Quảng Đông cũng đã đi đến một kết luận. Dựa vào các số liệu của họ, trên địa bàn cả tỉnh, có đến 1 triệu công việc thiếu người làm, chưa tìm được nhân công.

Tình hình này một phần là do những nỗ lực của chính phủ trong việc cải thiện đời sống nông dân. Trong khi lợi tức của người dân các vùng thôn quê gia tăng, ít nông dân hơn chịu đi đến các vùng khác để tìm việc làm. Ngoài ra, trong khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh, ngày càng có nhiều hãng xưởng, công trường xây cất và các công nghiệp cung cấp dịch vụ trên khắp nước, phải cạnh tranh với nhau để tìm công nhân viên. Đa số người dân thích nhận những công việc làm ở gần nhà họ hơn, thay vì phải xuống tận Quảng Đông.

Bà Chloe Froissart thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Quốc Hiện Đại ở Hong Kong, đã nghiên cứu về tỉnh Tứ Xuyên ở miền tây Trung Quốc, một trong những khu vực thường cung cấp lao động di dân. Bà Froissart chú ý đến điểm rất nhiều người di dân lên Lưu Vực Sông Ngọc Trai đã trở về để tìm việc tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Những người này than phiền về đồng lương thấp và các điều kiện làm việc và sinh sống tệ hại tại các hãng xưởng ở miền Nam xa xôi kia. Bà Froissart nói tiếp như sau:

Họ trở về Thành Đô bởi vì tin rằng họ có thể kiếm nhiều tiền hơn. Mặc dù mức lương bổng đôi khi không cao hơn, so vơi các công việc ở đồng bằng sông Ngọc Trai, nhưng ít ra tại Thành Đo, giá sinh hoạt thấp hơn và các điều kiện làm việc tốt hơn, nếu so với tại vùng đồng bằng Sông Ngọc Trai.

Một số nhà phân tích tin rằng thời kỳ Trung Quốc là một nguồn cung cấp lao động rẻ tiền, ít học vấn, không bao giờ cạn , nay đã qua. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế như ông Chữ Hồng Bân, một kinh tế gia làm việc cho Ngân hàng Hồng Kông, Thượng Hải ở Hong Kong, nói rằng nạn khan hiếm lao động không phải là một vấn đề xảy ra trên khắp nước. Ông Chữ Hồng Bân nói tình trạng này chỉ xảy ra tại một số ít khu vực nơi có các hoạt động xuất khẩu rất mạnh, như tỉnh Quảng Đông, và các khu vực ven biển khác chẳng hạn như chung quanh thành phố Thượng Hải. Sau đây là lời của ông Chữ:

Lý do giản dị là vì trên thực tế, Trung Quốc vẫn thặng dư lao động nông thôn, người ta đang nói đến con số hơn 200 triệu người, cho nên, nhìn từ quan điểm cả nước, thì nguồn cung cấp lao động vẫn còn dồi dào tại nước này.

Rất nhiều nhà kinh tế nói rằng điều mà Trung Quốc thật sự thiếu là những người có kỹ năng cao, đặc biệt là các quản trị viên có tài.

Các khu vực bị tác động bởi tình trạng khan hiếm lao động đã có những biện pháp để giải quyết vấn đề.

Ông Robin Chiu thuộc Liên Đoàn Công Nghiệp nói rằng rất nhiều nhà máy ở đồng bằng sông Ngọc Trai, đã cải thiện các điều kiện làm việc và sinh sống của công nhân. Trước đây, các điều kiện này bị chỉ trích là vô nhân đạo và có gây nhiều rủi ro cho công nhân.

Tại nhiều khu vực, lương bổng đã tăng đáng kể. Chẳng hạn trong tháng tư, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã chỉ thị cho trung tâm sản xuất Thẩm Quyến phải tăng mức lương tối thiểu cho công nhân lần thứ nhì trong hai năm liên tiếp, lên đến 112 đôla một tháng, so với 86 đôla một tháng như trước đây.

Bà Lý Hội cầm đầu ban nghiên cứu tại Ngân Hàng đầu tư CLSA tại Hong Kong. Bà nói rằng chi phí lao động tăng cao là một tiến hóa tự nhiên của một nền kinh tế mới lên, và sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Trung Quốc. Bà Lý nói rằng tăng lương sẽ có tác dụng đẩy mạnh tiêu thụ, và do đó có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tình trạng này có thể được diễn giải theo hai cách, lạc quan hay bi quan. Tôi có khuynh hướng thiên về phía lạc quan, bởi vì với cách đối xử với công nhân tử tế hơn và quyết định tăng mức lương tối thiểu, công nhân được trả lương cao hơn, thì họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua sắm.

Một số hãng xưởng đã dời đến các khu vực xa hơn về hướng Tây, đến các tỉnh trong nội địa Trung Quốc, nơi giá đất đai rẻ hơn, và nhân công rẻ hơn. Một số hãng xưởng thì dời sang các nước khác ở Châu Á, nơi lao động còn rẻ hơn nữa, chẳng hạn như Việt Nam.

Ngoài ra còn có một xu thế khác đang phát triển, ít ra là tại vùng đồng bằng sông Ngọc Trai, theo đó các công nghiệp dần dần rời xa lĩnh vực sản xuất chế tạo hàng hóa rẻ tiền, là lĩnh vực đã chế ngự khu vực này tronga suốt gần 30 năm qua.

Ông Robin Chiu nói rằng ngày càng có nhiều hãng xưởng trong khu vực sản xuất các đồ điện tử cáo cấp, các dược phẩm, hóa phẩm và bộ phận xe hơi, là những loại sản phẩm mang về nhiều lợi nhuận hơn, so với các hàng hóa rẻ tiền. Ông Chiu nói tiếp:

Đây là một hướng đi cần thiết và tự nhiên. Tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta chứng kiến các công nghiệp chuyển hướng để dựa nhiều hơn vào công nghệ, và vào các sản phẩm và các phương pháp sản xuất mới lạ hơn.

Các nhà kinh tế nhận định rằng những gì đang xảy ra tại Trung Quốc không có gì là mới lạ. Tình trạng này đã xảy ra tại Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Đài Loan trong thời kỳ các nước này đang phát triển. Trong khi nền kinh tế phát triển và mức lợi tức gia tăng, các ngành công nghiệp phải thích nghi bằng cách nâng giá trị các sản phẩm chế tạo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG