Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn dân biểu  Loretta Sanchez về vụ Việt Nam không cấp thị thực cho bà


Việt Nam đã từ chối không cấp thị thực cho bà đến thăm Việt Nam. Hôm thứ năm, bà Loretta Sanchez, dân biểu thuộc đảng Dân chủ đại diện tiểu bang California, cho phái viên hãng thông tấn Pháp biết rằng đây là lần thứ ba trong vòng hai năm chính phủ ở Hà Nội không chịu cấp thị thực cho bà tới thăm Việt Nam. Bà Sanchez nói thêm rằng đó là một hành động vô cùng đáng tiếc vì bà chính là người đại diện cho cộng đồng người Việt lớn nhất bên ngoài nước Việt Nam.

Nữ dân biểu Sanchez là người lâu nay vẫn thường xuyên chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam; và khu bầu cử mà bà đại diện bao gồm các thành phố Anaheim, Garden Grove, Santa Ana, và một phần thành phố Fullerton ở Quận Cam, nơi tọa lạc của thành phố “Little Saigon”, là cộng đồng người Việt lớn nhất ở hải ngoại thường được gọi là thủ đô người Việt tị nạn.

Một viên chức của quốc hội Mỹ mới đây cho biết rằng chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert sẽ đến thăm Việt Nam vào tuần tới trong khuôn khổ của chuyến công du còn bao gồm Ấn độ, Nepal và Hy lạp.

Dân biểu Sanchez cho biết: thoạt đầu bà không nằm trong phái đoàn của ông Hastert và giới hữu trách Việt Nam đã từ chối không cấp visa cho bà với lý do là họ bận tiếp đón phái đoàn của ông Hastert. Tuy nhiên, họ lại cấp visa cho một dân biểu khác là bà Barbara Lee để cho người đại diện vùng Oakland ở miền bắc tiểu bang California này đến thăm Việt Nam trong chuyến đi riêng, không thuộc phái đoàn của quốc hội Mỹ.

Bà Sanchez cho biết thêm rằng sau đó, chủ tịch Hastert đã viết thư cho chính phủ Việt Nam để thông báo là bà sẽ nằm trong phái đoàn do ông hướng dẫn và muốn đến Việt Nam sớm hơn vài ngày ngõ hầu bà có thể tiến hành một số công việc của mình và có mặt chung với ông Hastert khi ông hội kiến các giới chức chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, giới hữu trách Hà Nội cũng từ chối không cấp thị thực cho bà. Bà nói thêm rằng thật là một điều không may khi nước Mỹ để cho các thành viên quốc hội Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ nhưng giới hữu trách Hà Nội lại không để cho bà tới thăm Việt Nam. Trong cuộc họp báo hôm thứ sáu tại Hà Nội, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nói rằng Việt Nam sẵn sàng cấp thị thực cho bà Sanchez với tư cách là thành viên của đoàn Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert.

Tường thuật hôm thứ sáu của nhật báo Los Angeles Times trích lời bà Sanchez nói rằng bởi vì thị thực mà chính phủ Việt Nam đồng ý cấp cho bà với tư cách là thành viên của đoàn chủ tịch Hạ viện Mỹ có kèm theo quá nhiều điều kiện cho nên bà quyết định không đi Việt Nam mà sẽ về công tác ở Quận Cam.

Dân biểu Sanchez cho biết bà muốn gặp gỡ các nhân vật bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị và thảo luận về nhiều vấn đề với chính phủ Việt Nam, bao gồm các vấn đề như đoàn tụ gia đình, những vụ vi phạm nhân quyền, những hạn chế đối với hoạt động truyền thông và nạn mua bán phụ nữ ở Việt Nam. Tuy nhiên giới hữu trách Hà Nội chỉ muốn bà đi chung với chủ tịch Hastert và họ sẽ không thảo luận với bà về những vấn đề không nằm trong nghị trình thảo luận của ông Hastert, là nghị trình có trọng tâm là vấn đề mậu dịch.

Hồi gần đây chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính yếu trước khi tổng thống Bush đến Việt Nam để dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11.

Tháng trước, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, ông Barry Lowenkron cho hay Washington đã trao cho giới hữu trách Việt Nam một danh sách ghi tên 21 tù nhân lương tâm, trong đó có 6 người bị giam cầm vì lý do chính trị hoặc tôn giáo và 15 người tuy không ngồi tù nhưng bị đặt dưới những hình thức quản chế, như bị giam lỏng. Chính quyền Hà Nội đã bác bỏ yêu cầu của Hoa Kỳ và nói rằng ở Việt Nam chỉ có tù hình sự chứ không hề có tù chính trị.

Dịp này, Michael Mathes, Trưởng Ban Việt Ngữ đã có dịp tiếp xúc với bà Sanchez vào sáng thứ Sáu. Bà cho biết bà không muốn đến Việt Nam trong các điều kiện được chính phủ Việt Nam đưa ra, bởi vì các điều kiện này không cho phép bà được tiến hành những công việc mà bà mong muốn, trong đó có việc đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Bà mong gặp các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhân vật tôn giáo và một vài tù nhân chính trị. Nhưng thay vào đó, Nhà chức trách đòi hỏi bà phải ở yên với phái đoàn của ông Chủ Tịch Hạ Viện Hastert.

Bà cho Ban Việt Ngữ biết tiếp:

Điều này có nghĩa là tôi phải ở yên trong khách sạn, tôi chỉ có thể ra ngoài cùng với phái đoàn chính thức, và tôi không được gặp bất kỳ người nào khác, ngoài những người mà họ đã quyết định để cho ông Chủ Tịch Haster gặp.

Bà Sanchez còn nhớ là hồi tháng 11 năm 2000, khi bà cùng đi với Tổng Thống Bill Clinton đến Hà Nội, Nhà chức trách Việt Nam đã bảo đảm là tình hình nhân quyền tại Việt Nam sẽ cải thiện.

Vậy mà từ đó đến nay Việt Nam vẫn còn nằm trong danh sách của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về các quốc gia cần quan tâm đặc biệt; trong danh sách này có những nước như Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Iran, là những quốc gia tệ hại về nhân quyền. Việt Nam nằm trong danh sách đó kể từ khi ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng đây là vấn đề khó lòng xóa bỏ, và cần phải giải quyết. Vì thế, tôi muốn đến Việt Nam để có dịp gặp gỡ tự do với những công dân được xem là tự do của Việt Nam để nói về các đề tài đó, nhưng chính phủ cộng sản Việt Nam lúc nào cũng muốn dùng những thủ đoạn. Tôi không hiểu họ sợ cái gì?

Phái đoàn của Chủ Tịch Hạ Viện Haster đến Việt Nam tuần tới sẽ tập trung vào các đề tài thương mại. Washington và Hà Nội đang tìm cách hoàn tất các bước chót để Việt Nam có thể gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trong năm nay, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ phải cấp quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam trước khi Việt Nam gia nhập.

Dân Biểu Sanchez ngỏ ý cho thấy là bà sẽ mạnh mẽ bỏ phiếu chống lại việc cấp quy chế này.

Tôi tiếp tục bỏ phiếu chống, vì thành tích nhân quyền của họ tiếp tục xấu hơn, thay vì tốt hơn.

Hồi gần đây chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân quan trọng, trước khi tổng thống Bush đến Việt Nam để dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11.

Tháng trước, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, ông Barry Lowenkron cho hay Washington đã trao cho giới hữu trách Việt Nam một danh sách ghi tên 21 tù nhân lương tâm, trong đó có 6 người bị giam cầm vì lý do chính trị hoặc tôn giáo, và 15 người tuy không ngồi tù nhưng bị đặt dưới những hình thức quản chế, giống như bị giam lỏng.

Chính quyền Hà Nội đã bác bỏ yêu cầu của Hoa kỳ và nói rằng ở Việt Nam chỉ có tù hình sự chứ không hề có tù chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG