Đường dẫn truy cập

Đại sứ thiện chí cho Quỹ Phát Triển Phụ Nữ - Nữ diễn viên Nicole Kidman


Hồi đầu năm nay, nữ tài tử điện ảnh từng đoạt giải Oscar, cô Nicole Kidman được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho Quỹ Phát Triển Phụ Nữ của Liên Hiệp Quốc. Câu chuyện Phụ Nữ kỳ này dành để nói về chức vụ này và những đóng góp của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới vào các nỗ lực thiện nguyện của tổ chức thế giới.

Kể từ đầu thập niên 1950, Liên hiệp quốc đã huy động các dịch vụ thiện nguyện của các nhân vật nổi tiếng thế giới trong các lãnh vực nghệ thuật, điện ảnh, thể thao và văn chương để nêu bật các vấn đề chủ yếu và thu hút sự chú ý đến các hoạt động của Liên hiệp quốc. Từ nhiều năm nay, nhiều người có tầm vóc quốc tế đã cống hiến tên tuổi, tài năng và thời giờ để hỗ trợ cho các chương trình của Liên Hiệp Quốc. Một số đơn vị thuộc văn phòng tổng thư ký cùng những quỹ riêng và các chương trình của Liên Hiệp Quốc đã bổ nhiệm các nhân vật này làm Đại sứ thiện chí, và đã có trên 80 vị đại sứ thiện chí làm việc nhân danh Liên hiệp quốc trên toàn thế giới.

Quỹ Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, còn được gọi tắt là UNIFEM, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các chương trình sáng tạo và các sách lược nhằm thăng tiến quyền lực phụ nữ và bình đẳng giới tính. Trọng tâm các nỗ lực của UNIFEM được đặt vào việc thăng tiến nữ quyền và các hoạt động hướng vào 4 khu vực sách lược. Đó là giảm thiểu tình trạng nghèo khó của phụ nữ, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS nơi phụ nữ và trẻ em, và đạt được sự bình đẳng giới tính trong chính quyền dân chủ vào thời bình cũng như thời chiến.

Đầu năm nay, UNIFEM đã bổ nhiệm một nữ đại sứ thiện chí mới, cô Nicole Kidman, một nữ tài tử điện ảnh đã từng đoạt giải Oscar. Cô Nicole Kidman sẽ dồn nỗ lực vào việc nâng cao nhận thức đối với các hành động vi phạm nhân quyền của phụ nữ trên khắp thế giới.

Nicole Kidman mang hai quốc tịch Mỹ và Úc, đã từng tham gia nhiều hoạt động nhân đạo có tầm vóc quốc tế ở cả Hoa Kỳ và Australia.

Trong tư cách đại sứ thiện chí của UNIFEM, cô Kidman sẽ đặc biệt chú trọng đến việc nêu rõ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, có lẽ là hình thức vi phạm nhân quyền phổ biến nhất mà cứ 1 trong 3 phụ nữ trên toàn thế giới lại phải chịu đựng. Cô Kidman sẽ tham gia các chương trình được UNIFEM hỗ trợ nhằm thu hút thêm sự chú ý vào các nỗ lực đang được tiến hành để chấm dứt bạo lực dựa vào giới tính.

Cô Nicole Kidman từng là Đại sứ của UNICEF ở Australia trong 9 năm qua. Cô còn là đại sứ của bệnh viện nhi đồng Randwick ở Sydney. Lòng quyết tâm và sự tiếp xúc của cô với các bệnh nhân và gia đình, cùng với những đóng góp tài chính dành cho bệnh viện đã tạo được sự thay đổi trong đời sống của hàng ngàn bệnh nhân trẻ tuổi trong 5 năm vừa qua.

Cô Kidman còn là người bảo trợ cho Nhà hát Thanh niên Australia có trụ sở ở Sydney. Cô bắt đầu hợp tác với nhà hát vào năm 1982 trong tư cách tham dự viên hội thảo, và đã trình diễn trong nhiều vở kịch nhiều năm sau đó. Năm 1993, cô nhận lời yêu cầu làm đại sứ cho công ty và đến năm 2000 thì trở thành người bảo trợ chính, cùng với hãng phim Fox và hệ thống truyền hình số 9. Năm 2002, nhận thức được tầm quan trọng của nhà hát đối với bước đầu sinh hoạt nghệ thuật của mình, cũng như các cơ hội mà cơ quan nghệ thuật này mang lại cho thanh niên khắp nước Úc, cô đã nhận làm bảo trợ viên.

Trong thời gian đi quay phim tại Rumani vào năm 2002, cô Kidman đã chứng kiến tận mắt hoàn cảnh khó khăn của một số trong hàng trăm ngàn trẻ em bị mồ côi và bỏ bê ở đó, và cô đã chứng kiến công tác dành cho các em của một tổ chức có trụ sở ở Anh Quốc có tên là FARA. Trong 12 năm vừa qua, FARA đã góp phần cải thiện chất lượng sinh hoạt, và cung cấp sự chăm sóc cho hàng ngàn trẻ em này qua các chương trình mà tổ chức này tài trợ và điều hành. Trong 3 năm gần đây, Nicole Kidman đã được mời làm người bảo trợ danh dự cho các chương trình gây quỹ hàng năm của FARA, trong đó có buổi ra mắt phim “Cold Mountain” với Hoàng gia Anh tại London.

Tại Hoa Kỳ, cô Kidman là người tích cực hoạt động và ủng hộ cho công cuộc khảo cứu bệnh ung thư của phụ nữ. Cách đây 3 năm, cô trở thành chủ tịch Quỹ Sức Khỏe Phụ Nữ của trường y khoa David Geffen thuộc hệ thống đại học California, ở Los Angeles, còn gọi tắt là UCLA. Cô đã chụp ảnh quảng bá cho chương trình “Key to the Cure” do Tổ chức Công nghiệp Giải trí và hệ thống cửa hàng bách hóa cao cấp Saks Fifth Avenue đồng sáng lập. Chỉ riêng sự tham gia của cô vào cuộc vận động “Key to the Cure” đã giúp gây được ngân quỹ 400 ngàn đôla hỗ trợ thẳng cho công tác khảo cứu lâm sàng của UCLA. Năm 2003, nhờ sự bảo trợ danh dự của cô mà dạ tiệc hàng năm của tổ chức Khảo cứu Ung thư Phụ nữ có trụ sở ở Los Angeles đã thu được 9 triệu đôla cho các chương trình ở Los Angeles, và 2 triệu 700 ngàn đôla cho các chương trình tương tự ở khắp Hoa Kỳ.

Cô Nicole Kidman thoạt đầu được khán giả Mỹ chú ý qua một cuốn phim hồi hộp có tính tâm lý của Úc năm 1989 có tựa là “Dead Calm.” Sau đó, cô đã trở thành nữ tài tử được mời đóng nhiều nhất trên khắp thế giới. Cô đã được ca ngợi và đã được các giải thưởng cho các vai đóng trong nhiều phim quay ở các nước từ Ireland cho đến Tây Ban Nha, Rumani và Phần Lan và Hoa Kỳ, như “Far and Away,” “Portrait of a Lady,” “To Die For,” “The Others,” “Cold Mountain,” “Dogville,” và “Birth.” Cô được đề nghị giải Oscar năm 2002 qua phim “Moulin Rouge” và đoạt giải Oscar dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 2003 nhờ phim “The Hours.”

Năm 2005, cô Kidman đóng với nam tài tử Sean Penn trong cuốn phim “The Interpreter” của đạo diễn Sydney Pollack quay ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Trong phát biểu nhân ngày Phụ nữ Quốc tế năm nay, cô Kidman đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, nhát là bạo lực nhắm vào hàng trăm ngàn phụ nữ và trẻ em bị kẹt trong lằn đạn của các cuộc xung đột.

Cô Kidman nói rằng bạo lực về tình dục là một vũ khí của chiến tranh, một công cụ khủng bố gây tổn hại và trừng phát phụ nữ cũng như nam giới của đối phương, làm rạn nứt các cộng đồng, và buộc phụ nữ phải bỏ nhà đi lánh nạn.

Cô Kidman nói thêm rằng không thể che giấu các tội ác này bằng sự im lặng và tủi hổ. Những người gây tội ác phải nhận lãnh trách nhiệm. Phải bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị kẹt trong các tình huống xung đột, và phải chăm sóc cho phụ nữ bị tác động bởi bạo lực tình dục và giới tính.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG