Đường dẫn truy cập

Cảm nghĩ của các cựu chiến binh Hoa Kỳ khi trở lại Việt Nam


Trong những năm gần đây, số du khách Mỹ đến viếng thăm Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, trong đó có những người trước đây từng chiến đấu trong các lực lượng Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam. Cảm nghĩ của các cựu chiến binh này như thế nào khi họ trở lại Việt Nam, một nước cựu thù và cũng là nơi mà trước đây nhiều đồng đội của họ đã gục ngã, bị tù đầy, hay mải cho đến nay vẫn còn bị ghi nhận là mất tích? Một số chi tiết về sự kiện này sẽ được trình bày sau đây, qua những ghi nhận của Trần Nam từ các bài báo được đăng tải tại Hoa Kỳ và Việt Nam:

Các con số thống kê về du lịch cho thấy rằng Hoa Kỳ là một trong 5 quốc gia có nhiều du khách đến viếng thăm Việt Nam trong 10 năm qua, và số du khách này đã gia tăng khoảng 13% mỗi năm.

Theo tờ Vietnam Economic Times, trích dẫn các con số do cơ quan quản trị du lịch Việt Nam phổ biến trong năm 2005 thì bắt đầu từ tháng 8 năm 2005, số du khách Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam đã gia tăng nhiều hơn, nâng Hoa Kỳ từ vị thế quốc gia thứ 5 trong năm 2004 lên thành quốc gia hàng đầu trong số các nước có nhiều du khách đến thăm Việt Nam. Cũng theo nguồn tin trên thì trong 8 tháng đầu của năm 2005, có 231000 người từ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, tức là tăng 23% so với cùng thời kỳ này năm 2004. Hiệp Hội Du Lịch Á Châu Thái Bình Dương tiên đoán rằng số du khách từ Mỹ đến Việt Nam trong năm 2006 sẽ có thể lên đến khoảng 500000 người.

Tuy nhiên so với con số 50 triệu người Mỹ đi du lịch ở nước ngoài mỗi năm thì số du khách Hoa Kỳ đến Việt Nam vẫn còn quá nhỏ, chỉ vào khoảng 0,5%. Về phương diện đầu tư vào ngành du lịch thì tính đến cuối tháng 9 năm 2005, các doanh nhân Mỹ chỉ bỏ ra khoảng 46 triệu đô la để đầu tư vào ngành du lịch tại Việt Nam, tức là chỉ bằng 0,8% so với số tiền đầu tư của các nước khác trong lãnh vực này.

Trong số những người Mỹ đến thăm Việt Nam, ngoài các chính trị gia, các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư, còn có khá nhiều cựu quân nhân Mỹ, trong đó những người đã tham gia nhiều trận đánh đẫm máu, và các cựu phi công từng bị cầm tù tại Hà Nội.

Một trong các cựu chiến binh này là ông Joe Griffey, 68 tuổi. Vào năm 1968, lúc chiến tranh Việt Nam bước vào thời kỳ sôi động, ông Griffey là một thiếu tá trong các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, và từng có mặt tại nhiều vùng chiến thuật.

Tuy nhiên mới đây ông Griffey đã trở lại Việt Nam với tư cách là người cầm một phái đoàn thân hữu thuộc Tổ Chức Hữu Nghị Quốc Tế, một tổ chức do cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter và bạn của ông là Wayne Smith thành lập nhằm khuyến khích phát triển các mối dây thân hữu cũng như sự hiểu biết giữa Hoa Kỳ và các nước khác trên toàn cầu mà hầu hết là qua những cuộc viếng thăm tại địa phương.

Theo bài viết mang tựa đề Cảm Giác Thoải Mái tại một Nước Việt Nam Mới của nhà báo Rhoda Amon, được đăng trên tờ Newsday hôm mùng 6 tháng này thì ông Griffey đã trải qua nhiều giây phút rất xúc động trong cuộc viếng thăm Việt Nam lần này mà hầu hết là tại miền Bắc. Ông rất ngạc nhiên khi thấy rằng, khác với những gì mà ông nghĩ trước đó, Hà Nội, thủ đô của kẻ thù cũ, là nơi rất hiếu khách, và người dân đã tỏ ra rất thân thiện với du khách, kể cả các cựu chiến binh Hoa Kỳ.

Ngày ông Joe Griffey đến Hà Nội cũng khá đặc biệt. Nhóm của ông đã được đại diện của Hội Việt Mỹ của Việt Nam đón tiếp tại phi trường Nội Bài bằng những bó hoa và một biểu ngữ với hàng chữ Chào Mừng Các Sứ Giả Hữu Nghị đến từ Hoa Kỳ.

Sau thời gian tại Hà Nội ông đã đến các thành phố tại miền Trung như Huế, Đà Nẵng và Hội An trước khi đến Saigon. Đâu đâu ông cũng gặp được sự đón tiếp niềm nở, từ người hướng dẫn cho đến những người mà ông gặp ngoài đường phố. Nói chung chuyến đi đã mang lại cho ông những cảm giác thoải mái và thích thú.

Tuy nhiên không phải tất cả các cựu quân nhân Mỹ nào đến Hà Nội cũng đều có những cảm nghĩ như vậy.

Ông Sam Johnson, Dân Biểu thuộc đảng Cộng Hòa của Tiểu Bang Texas, đã kể lại chuyến viếng thăm Việt Nam của ông trong tháng trước, với những cảm nghĩ đầy cay đắng.

Trong thời kỳ chiến tranh, ông Johnson là Thiếu Tá trong Không Lực Hoa Kỳ, và đã từng bay nhiều phi vụ oanh kích ở miền Bắc Việt Nam.

Khi ông thi hành phi vụ thứ 25 trên vòm trời Bắc Việt vào ngày 16 tháng 4 năm 1966 thì phi cơ của ông bị hỏa lực dưới đất bắn hạ, và sau đó ông đã bị cầm tù gần 7 năm tại Hỏa Lò, một nhà tù khét tiếng ở Hà Nội mà các tù binh Mỹ thường gọi đùa là khách sạn Hilton. Trong số các phi công Mỹ bị giam giữ trong nhà tù này có ông John McCain, nay là Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hòa của Tiểu Bang Arizona, ông James Stockdale, Phó Đô Đốc Hải Quân Hoa Kỳ, người đã đứng liên danh với nhà tỉ phú Ross Perot trong cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào năm 1992, và ông Pete Peterson, Đại Sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam sau khi 2 nước thiết lập bang giao với nhau vào giữa thập niên 1990.

Nhà báo Todd Gillman của tờ Dallas Morning News hôm 27 tháng Giêng, trích lời dân biểu Sam Johnson nói rằng trong những năm bị cầm tù, ông đã bị đánh đập, và bị biệt giam trong một xà lim tối tăm trong hơn 3 năm vì không chịu hợp tác trong việc khai thác tin tức hoặc tuyên truyền.

Ký giả Todd Gillman viết rằng đối với Dân Biểu Sam Johnson, năm nay 75 tuổi, thì 7 năm bị nhốt trong nhà tù Hỏa Lò là quá đủ, và ông thề sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam, và trong 33 năm qua, ông đã không trở lại nơi này.

Còn ký giả Amy Fagan của tờ The Washington Times ngày 10 tháng 2 thì nói rằng trong 33 năm, kể từ khi ông được phóng thích ra khỏi nhà tù Hỏa Lò và trở về Hoa Kỳ, ông không nghĩ rằng ông sẽ trở lại Việt Nam. Tuy nhiên trong tháng trước, khi ông được mời đi chung với một số dân biểu khác trong một chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam và một vài nước Á châu khác thì ông đã nhận lời.

Ông nghĩ rằng đây có thể là dịp tốt để ông và người vợ là bà Shirley, có thể thấy được một Việt Nam đổi mới, đồng thời cũng là cơ hội hiếm có để phái đoàn Lập Pháp Hoa Kỳ có thể hối thúc chính phủ Việt Nam hợp tác nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm khoảng 1800 các quân nhân Mỹ còn bị ghi nhận là mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Theo chương trình viếng thăm chính thức thì nhà tù Hỏa Lò không nằm trong danh sách các địa điểm viếng thăm, tuy nhiên phái đoàn dân biểu Hoa Kỳ đã được đưa đến thăm nhà tù này theo lời yêu cầu đặc biệt của vợ chồng ông Johnson. Hầu hết nhà tù nguyên thủy đã được triệt hạ. Những gì còn lại đã được Nhà Nước Việt Nam biến thành một viện bảo tàng, trình bày một cách chi tiết về sự ngược đãi của người Pháp đối với tù nhân Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa.

Phái đoàn Dân Biểu đi theo một hướng dẫn viên du lịch qua các hành lang và những căn phòng bê tông cốt sắt, tuy nhiên ông Johnson nói rằng ông có cảm giác như đi trong một cơn mê qua những nơi mà trước đây ông đã xem như là địa ngục trần gian.
Khi ông đến một căn phòng theo khuôn mẫu của nhà tù nguyên thủy, ông Johnson đã chỉ vào những gian phòng mà ông từng bị giam giữ.

Ông cảm thấy cay đắng khi nghe người nữ hướng dẫn viên trẻ tuổi nói thao thao bất tuyệt về những đối xử tàn ác của người Pháp đối với tù nhân Việt Nam tại nhà tù Hỏa Lò, và nhấn mạnh đến sự đối xử tử tế của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các tù binh Mỹ tại đây.

Trong gần 7 năm bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, ông đã bị biệt giam trong 3 năm rưỡi, cộng với 2 năm rưỡi bị xiềng chân và 72 ngày bị cùm chân.

Là một người ít khi công khai biểu lộ niềm tin tôn giáo của mình nhưng ông Johnson cũng đã thẳng thắn nói rằng chỉ có Thượng Đế mới giúp ông vượt qua những khổ đau trong 7 năm bị giam giữ tại Việt Nam.

Theo lời ông Johnson thì trong chuyến viếng thăm này ông không nghe được một lời xin lỗi nào, và ngay cả việc công khai nhìn nhận ông là cựu một tù binh cũng không được Việt Nam nhắc đến trong những cuộc gặp gỡ các giới chức cao cấp Việt Nam mặc dù ông nói rằng mọi người đều cố gắng tỏ ra tử tế và lịch sự.

Trong khi cựu Thiếu Tá Joe Griffey cảm thấy rất thoải mái trong chuyến viếng thăm hữu nghị tại Việt Nam thì dân biểu Sam Johnson nói rằng ông cảm thấy vui mừng khi rời khỏi Việt Nam để trở về Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG