Đường dẫn truy cập

Công tác cứu sinh mạng cho quân nhân Hoa Kỳ tại Iraq


Cuộc chiến tại Iraq đã lấy đi rất nhiều sinh mạng: Người Iraq, quân nhân Hoa Kỳ và binh sỹ các lực lượng đồng minh. Tính cho tới nay hơn 16000 bộ binh và thủy quân lục chiến Mỹ đã bị thương trên các chiến trường tại đây, mà hơn một nửa trong số này là do bom gài bên đường.

Lá thư Mỹ Quốc hôm nay sẽ gửi đến quí thính giả bài tường trình của TTV Deborah Block về công lao của các bác sỹ và nhân viên quân y đã bất chấp hiểm nguy trong công tác cứu sinh mạng cho những người đang phục vụ trong quân ngũ. Mời quí thính giả nghe Lan Phương trong các chi tiết sau đây:

Hơn 2000 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng tại Iraq. Con số này lẽ ra còn cao hơn nhưng nhờ các kỹ thuật chăm sóc y tế tiến bộ hơn nên nhiều thương binh đã sống sót. Trong thời kỳ thế chiến thứ hai, 30% binh sỹ bị thương trên chiến trường đã chết sau đó. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tỉ lệ thương binh chết vì không cứu chữa nổi là 24%. Nhưng tại Iraq, tính cho đến nay, tỉ lệ này chỉ có 9%. Áo giáp là một lý do chính giúp bảo vệ mạng sống. Mũ và áo chống đạn đã cứu mạng cho nhiều quân nhân.

Ngoài những trang bị như trên, phải kể đến sự hiện điện của các bác sỹ quân y với kỹ thuật y khoa tân tiến nhất. Nơi đây là một bệnh viện hỗ trợ cho chiến trường được thiết lập vào lúc khởi đầu cuộc chiến trận vào tháng 3 năm 2003, với nhiều phòng mổ, phòng chụp cat scan và các phòng xét nghiệm kỹ thuật cao.

Các bác sỹ làm việc ở quân y viện này có đầy đủ chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện bất cứ loại phẫu thuật nào, ngoại trừ ghép các bộ phận cơ thể. Những quân nhân nào bị thương quá nặng thì sẽ được máy bay tức khắc chở ra khỏi Iraq sang căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Landstuhl, nước Đức.

Phi cơ chở họ là loại phi cơ tải thương được trang bị y khoa tối tân. Đây là một đơn vị chăm sóc y tế lưu động đặc biệt có trang bị cả máy giúp thở lẫn máy theo dõi nhịp tim.

Theo bác sỹ Bob Medell cho biết thì ngày nay phi công có thể tải thương binh đến các bác sỹ tại căn cứ ở nước Đức nhanh hơn bao giờ hết.

Tôi có thể nói khá chắc chắn được rằng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên thì thương binh này sẽ chết. Trong chiến tranh Việt Nam rủi ro tử vong của anh là 40%. Còn bây giờ thì tôi không rõ là bao nhiêu, có lẽ rủi ro tử vong của thương binh có thể chỉ là 1/500.

Nhưng khi mà kỹ thuật y khoa tiến bộ hơn thì những quả bom gài bên đường của địch quân cũng lại gây thương vong nhiều hơn cho binh sỹ.

Bác sỹ Paul Maurer thuộc trung tâm y tế của đại học Rochester trong bang New York cho biết:

Nếu như bị đạn bắn thì chỉ một chỗ trên cơ thể bị thương mà thôi, lấy ví dụ, như một viên đạn bắn vào bụng chẳng hạn. Nhưng giờ đây với loại bom gài bên đường, một người lính có thể bị cùng một lúc 3 vết thương ở ngực, một ở cổ, một ở chân và một nơi đầu.

Và cuộc chạy đua vẫn tiếp tục giữa những kẻ muốn gây thương tích cho người khác và những người muốn chữa lành cho nạn nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG