Trong khi Việt Nam đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Xuân Bính Tuất thì cúm gia cầm vẫn còn là một ám ảnh cho nhiều người, nhất là vào thời điểm mà gà vịt được tiêu thụ rất nhiều cho những lễ lạt theo truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên theo kết quả của một cuộc nghiên cứu vừa mới được công bố thì cúm gia cầm sẽ không gây thiệt mạng cho nhiều người như người ta vẫn tưởng, và dịch bệnh này vẫn có thể kềm chế được nếu biết cách áp dụng một số biện pháp cần thiết. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về cuộc nghiên cứu mới đây về dịch bệnh này do Trần Nam ghi nhận từ các nguồn tin nước ngoài:
Theo tin của hãng thông tấn AP thì khác với những gì mà các chuyên gia và tổ chức y tế thường hay lên tiếng báo động trước đây, theo đó cúm gia cầm có thể trở thành một cơn đại dịch gây thiệt mạng cho nhiều triệu người, một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy rằng vi rút H5N1 có thể sẽ không gây chết chóc cho hơn phân nửa số người bị nhiễm bệnh như đã xảy ra trong thời gian qua mặc dầu loại vi rút này, trong tương lai, có thể lan tràn nhiều hơn là người dự đoán.
Cũng theo cuộc nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Bệnh Viện Đại Học Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, mà kết quả đã được công bố hồi đầu tuần này, thì những người bị lây nhiễm sẽ không bị bệnh nặng và có thể hồi phục sức khỏe một cách nhanh chóng.
Kết quả của cuộc nghiên cứu mới nhất này đã khiến cho nhiều người Việt cảm thấy an tâm hơn mặc dù nhà cầm quyền địa phương trong những tuần qua cũng đã trấn an dân chúng bằng các gia tăng những biện pháp đề phòng như tẩy trùng, chủng ngừa và kiểm soát gắt gao việc hạ thịt gia cầm.
Giới hữu trách Việt Nam hy vọng rằng các nỗ lực phòng chống trong thời gian qua sẽ có thể giữ cho bệnh này không bột phát trở lại trong khi mọi người đang chuẩn bị đón Xuân Bính Tuất, một ngày lễ quan trọng nhất của người Việt và cũng là dịp mà người ta tiêu thụ rất nhiều các loại thịt gia cầm.
Mặc dù đã thực hiện các nỗ lực phòng chống như vậy nhưng chính quyền vẫn còn lo ngại vì kinh nghiệm trong 2 năm qua cho thấy rằng bệnh này thường hay xuất hiện trở lại trong các tháng Giêng và tháng Hai dương lịch, tức là trong thời gian Tết của Việt Nam.
Đặc biệt là trong năm ngoái vi rút H5N1 đã giết chết hàng loạt gà vịt tại nhiều tỉnh hồi tháng 10, tức là nhiều tháng trước khi bệnh này thường hay xuất hiện trở lại vào mùa Đông và dịp Tết.
Từ đó đến nay tổng cộng đã có 25 trong số 64 tỉnh của Việt Nam bị vi rút cúm gia cầm hoành hành, trong đó có khoảng 4 triệu gia cầm đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên chỉ có 4 ca bệnh nơi người được ghi nhận, và theo tin chính thức thì chỉ có 1 người chết vì cúm gia cầm kể từ cuối tháng 7 đến nay.
Theo lời một giới chức cao cấp của cơ quan Thú Y tại Tỉnh Long An, nơi đã bị thiệt hại nặng nề vì dịch cúm gia cầm trong 2 năm qua, thì người dân địa phương đã không bán gà vịt chết hoặc quăng xác gà vịt ở những nơi công cộng như trước đây, nhờ vậy đã giới hạn được sự lây nhiễm.
Với sự phối hợp của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng đã thực hiện một chiến dịch chủng ngừa gia cầm.
Người ta vẫn chưa được biết một cách đích xác là có bao nhiêu gà vịt đã được chủng ngừa, tuy nhiên theo các con số do chính phủ đưa ra thì có 241 triệu liều thuốc chủng đã được sử dụng, trong đó một số gà vịt đã được chủng ngừa 2 lần để bảo đảm kết quả tối đa, trong khi có những con chỉ được chủng ngừa 1 lần, và cũng có những gia cầm chẳng được chủng ngừa gì cả.
Theo lời bà Astrid Tripodi, chuyên viên điều hợp tại Văn Phòng của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội thì ý thức được tình trạng không đồng đều này cho nên Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đang theo dõi và chờ đợi kết quả của việc chủng ngừa này. Theo lời giới chức Liên Hiệp Quốc thì mặc dù trong hơn 3 tuần qua không có dấu hiệu nào cho thấy cúm gia cầm xuất hiện trở lại, nhưng giới hữu trách không nên tự mãn mà cần phải tiếp tục chiến dịch chủng ngừa cũng như áp dụng các biện pháp cần thiết khác để ngăn chận loại vi rút này.
Cuối tháng 12 vừa qua Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã yêu cầu các giới chức thẩm quyền hãy làm tất cả những gì có thể làm được trong quyền hạn của mình để tận diệt vi rút cúm gia cầm trong năm 2006. Tuy nhiên theo một vài giới chức Thú Y thì không thể nào tận diệt được cúm gia cầm trong khi lề lối chăn nuôi cố hữu vẫn chưa được thay đổi, và ngay cả các nước có nhiều phương tiện hơn như Thái Lan và Trung quốc, vẫn chưa chận đứng được dịch cúm gia cầm.
Dịch cúm gia cầm chẳng những chỉ xuất hiện trong khu vực Đông Nam Á mà còn lan rộng sang một vài nước ở Đông Âu và bán đảo Balkan, mà gần đây nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ với hàng chục người nhiễm bệnh và 3 người chết.
Trước sự kiện này một số chuyên gia đã tiếp tục báo động rằng sự thiệt hại về nhân mạng sẽ vô cùng lớn lao một khi vi rút cúm gia cầm biến chủng và trở thành một loại vi rút có khả năng truyền bệnh từ người sang người.
Tuy nhiên theo cuộc nghiên cứu nói trên của bác sĩ Anna Thorson thuộc Bệnh Viện Đại Học Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, và các đồng nghiệp của bà thì hầu hết triệu chứng bệnh cúm gia cầm thường sẽ là tương đối nhẹ và chỉ khi nào có sự đụng chạm trực tiếp với gia cầm thì vi rút này mới lây sang người.
Cuộc nghiên cứu vừa kể đã được thực hiện tại Việt Nam trong số hơn 45 ngàn người tại tỉnh Hà Tây ở miền Bắc,một khu vực nông thôn có rất nhiều vi rút cúm gia cầm trong các đàn gà vịt. Hơn 80% dân số trong tỉnh này đã sống trong những gia đình có nuôi gà vịt, và 1/4 số người địa phương đã sống trong những căn nhà có gia cầm chết hoặc bị bệnh.
Trong số những người được thử nghiệm, có tất cả 8 ngàn 149 người có triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như nóng sốt và ho. Đối với các cư dân nào có những chung đụng trực tiếp với gà vịt bị chết hoặc đang bị bệnh thì họ có đến 75% nguy cơ bị mắc các triệu chứng nội trên, so với những người không chung đụng trực tiếp với gia cầm.
Theo các nhà nghiên cứu thì có từ 650 đến 750 người có những triệu chứng giống như bệnh cúm là do sự chung đụng trực tiếp với gia cầm bị mắc bệnh hoặc chết. Tuy hầu hết các bệnh nhân đều nói rằng khi bị các triệu chứng này thì họ không thể đi làm hoặc đi học nhưng bệnh tương đối nhẹ, chỉ kéo dài khoảng 3 ngày.
Kết quả của cuộc nghiên cứu và những nhận định của các nhà nghiên cứu có vẻ tương phản với những dữ kiện mà người ta ghi nhận trong thời gian qua, theo đó hầu hết trong số 140 ca bệnh được báo cáo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới kể từ tháng Giêng năm 2004, đều là những ca bệnh nặng, trong đó có hơn 50% bệnh nhân đã bị thiệt mạng.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Bệnh Viện Đại Học Karolinska là hữu ích trong việc giúp cho mọi người ý thức được tầm quan trọng của việc đề phòng sự lây nhiễm đồng thời cũng tránh được tình trạng lo sợ quá đáng do những tiên đoán có tính cách thổi phòng.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng các nỗ lực vận động tiền bạc cho công tác phòng chống, đồng thời quảng bá rộng rãi về nguy cơ của dịch cúm gia cầm nhằm nâng cao ý thích cảnh giác trong mọi tầng lớp dân chúng, nhất là sau khi cúm gia cầm xuất hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ, ở các làng mạc nghèo nàn, trải dài từ Istanbul tại các cửa ngõ của Châu Âu cho đến phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ gần các biên giới của Iran, Iraq, đến nỗi một giới chức cao cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải lên tiếng báo động rằng nguy cơ của dịch cúm gia cầm đang gia tăng từng ngày.