Đường dẫn truy cập

Trung Quốc trở thành một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất cho môi trường


Trong những năm gần đây, song song với việc trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều loại sản phẩm khác nhau, Trung quốc còn trở thành một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất cho môi trường, chẳng những chỉ ở nước họ mà còn ở nhiều nước khác. Một chuyên gia môi trường ở Hồng kông cho rằng vấn đề này chính là một quả bom nổ chậm có thể đưa tới những vụ xung đột giữa Trung quốc với các nước láng giềng. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Trong thời gian gần đây, giới hữu trách Trung quốc đã bắt đầu ra sức trấn an các nước trên thế giới rằng sự trỗi dậy của quốc gia đông dân nhất thế giới này là sự trỗi dậy trong hòa bình và Trung quốc thật tâm muốn trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát thì sự lơ là của Bắc kinh đối với những hậu quả nghiêm trọng mà nạn ô nhiễm môi trường của Trung quốc mang tới cho các nước láng giềng và cho toàn thế giới có thể khiến cho nỗ lực trấn an đó gặp nhiều trở ngại.

Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Trung quốc đã chần chờ trong nhiều ngày mới thông báo cho chính phủ ở Moskova biết rằng tai nạn xảy ra tại một nhà máy ở tỉnh Cát Lâm đã trút 100 tấn benzen xuống sông Tùng Hoa và vài tuần sau đó khối nước độc hại này đã theo sông Amur tiến vào nước Nga.

Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy nạn ô nhiễm môi trường đang khiến cho Trung quốc thiệt hại hơn 54 tỉ đô la mỗi năm và nhiều chuyên gia môi trường cho rằng Trung quốc đang trên đà trở thành một nước xuất khẩu ô nhiễm hàng đầu thế giới, như họ đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu của nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ đồ chơi, giày dép, hàng may mặc cho đến các mặt hàng điện tử. Bà Hoàng Tiếu Vi, Giám đốc tổ chức ‘Những người bạn của Trái đất’ ở Hồng kông, cho biết như sau về món hàng xuất khẩu mới của Trung quốc:

Trong những năm qua, những cơn bão cát phát sinh từ nạn sa mạc hóa ở Mông Cổ đã ảnh hưởng rất nhiều tới thủ đô Bắc kinh. Chẳng những thế, những trận bão cát đó còn thổi sang Nhật bản và bán đảo Triều tiên và khiến cho người dân ở các nước này rất đỗi quan tâm. Ngoài ra, nạn ô nhiễm của những con sông ở Trung quốc cũng tác động tới nhiều nước láng giềng; như sông Tùng Hoa ở Cát lâm chảy qua Cáp Nhĩ Tân để tới Nga; như sông Nộ Giang ở Vân Nam chảy qua Miến điện, Lào và Kăm Pu rồi đổ vào sông Cửu long ở Việt nam.

Nạn ô nhiễm không khí dĩ nhiên cũng không biết tôn trọng ranh giới quốc gia. Các nhà khoa học nói rằng khói mù phát xuất từ Trung quốc đã thổi tới vùng duyên hải miền Tây nước Mỹ, và khí thải từ các nhà máy phát điện chạy bằng than đá ở Trung quốc cũng chính là thủ phạm gây ra nạn mưa axít ở Nam Triều tiên và Nhật bản.

Trong những năm gần đây, cư dân Hồng kông hiếm khi thấy được bầu trời trong sáng, vì đặc khu hành chánh này thường xuyên bị bao phủ bởi khói mù. Ông Kevin May thuộc tổ chức bảo vệ môi trường ‘Hòa bình Xanh’ nói rằng tuy Hồng kông phải chịu một phần trách nhiệm đối với nạn ô nhiễm không khí nhưng phần lớn các chất dơ bẩn trong không khí ở đây phát xuất từ tỉnh Quảng đông của Trung quốc. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho phái viên Claudia Blume của đài VOA, ông Kevin May cho biết như sau:

Chắc quí vị cũng biết rằng Quảng đông là tỉnh có mức độ công nghiệp hóa cao nhất thế giới, đây chính là công xưởng của thế giới, và vì giới hữu trách ở đó không tôn trọng các tiêu chuẩn môi trường cho nên Hồng kông phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong những tháng mùa đông.

Bên cạnh những ảnh hưởng trực tiếp như vừa kể, môi trường ở các quốc gia Á châu còn gặp phải những ảnh hưởng gián tiếp từ sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Trung quốc và nhu cầu khổng lồ của nước này về nguyên vật liệu, như dầu lửa, than đá, quặng thép, và gỗ. Theo bản phúc trình có nhan đề “Tình trạng thế giới năm 2006” do tổ chức Quan sát Thế giới (World Watch) công bố hôm thứ tư vừa qua, trong năm 2005 Trung quốc tiêu thụ 26% thép, 37% bông vải và 47% xi măng của cả thế giới. Vấn đề này còn trở nên tệ hại hơn vì việc xử dụng năng lượng thiếu hiệu quả ở Trung quốc. Theo các chuyên gia kinh tế, số năng lượng mà Trung quốc dùng để sản xuất một đơn vị GDP cao gấp 4,7 lần con số của Hoa kỳ.

Trong vài năm qua, Trung quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu lâm sản lớn hàng thứ nhì thế giới. Từ những năm cuối của thập niên 1990, chính phủ ở Bắc kinh đã ra lệnh cấm khai thác gỗ sau khi họ nhận ra rằng nạn phá rừng đã gây ra những vụ lụt lội dữ dội, ảnh hưởng tới hơn 200 triệu người và làm tốn kém nhiều tỉ đô la mỗi năm. Trong khi đó, số gỗ nhập khẩu vào Trung quốc đã gia tăng rất nhanh chóng để thỏa mãn nhu cầu trong nước và để cung ứng cho các công ty chế tạo đồ gỗ xuất khẩu. Theo các chuyên gia: Trung quốc đã xuất khẩu nạn phá rừng của họ sang các nước như Nga, Miến điện, Thái lan. Malaysia và Indonesia.

Ông Greg Clough là phát ngôn viên của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế ở thành phố Bogor của Indonesia. Ông nói rằng tuy nhu cầu nhập khẩu gỗ của Trung quốc đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người trong vùng Đông Nam Á nhưng đồng thời điều này cũng mang lại những hậu quả nghiêm trọng về xã hội, kinh tế và môi trường. Ông Clough nói như sau:

Nhu cầu này đã làm gia tăng những hành vi tham ô, như nạn khai thác gỗ bất hợp pháp. Tệ nạn này phương hại tới tính chất tốt đẹp của guồng máy chính quyền, khiến cho các nước này thất thu hàng tỉ đô la tiền thuế. Và dĩ nhiên, việc phá hoại những khu rừng nhiệt đới của thế giới tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho môi sinh của thế giới, chẳng hạn như vấn đề diệt chủng của các chủng loại hiếm quí.

Một số chuyên gia môi trường cho biết tuy nạn xuất khẩu ô nhiễm của Trung quốc nghiêm trọng như thế, nhưng giới hữu trách Bắc kinh dường như vẫn chưa hiểu được tầm mức quan trọng của vấn đề này trong lãnh vực bang giao quốc tế.

Theo tường thuật hôm thứ ba của hãng thông tấn Reuters, ông Mã Trọng -Phó khoa trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên của Đại học Nhân dân ở Bắc kinh, nói rằng hiện nay, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung quốc chưa nhận thức được tầm quan trọng của những vụ xung đột về vấn đề môi trường trong các mối quan hệ quốc tế, và họ chỉ quan tâm tới mối quan hệ của vấn đề này với các vấn đề kinh tế và xã hội.

Bà Hoàng Tiếu Vi của tổ chức ‘Những người bạn của Trái đất’ cũng tán đồng nhận định của giáo sư Mã Trọng. Bà nói tiếp như sau:

Theo tôi thì bởi vì tình trạng ở Trung quốc hiện nay quá tệ hại cho nên giới hữu trách ở đây phải chú tâm nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm xuyên tỉnh, xuyên quận mà không còn hơi sức để tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới với các nước láng giềng.

Bà Hoàng Tiếu Vi cho rằng sự ổn định chính trị trong vùng Đông Á hiện nay tùy thuộc vào sự ổn định của môi sinh, và vì thế các chính phủ Á châu nên chung sức với nhau để ngăn chận những mối nguy hại trong lãnh vực môi trường, tương tự như những nỗ lực chung đang được thực hiện để chống lại dịch cúm gia cầm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG