Đường dẫn truy cập

Chương trình ca nhạc "Kiếp Ðỏ Ðen", Từ bi và kẻ thù: Tác phẩm mới nhất của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma


CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC “KIẾP ĐỎ ĐEN.”

Với một thành phần nghệ sĩ khá hùng hậu, gồm những tên tuổi như Như Quỳnh, Shayla, Thế Sơn, Quang Lê, Kim Anh, Thành Lễ, Tiến Dũng, Quỳnh Dung, Đoan Thi, Quang Thành, Ngọc Huyền...Và, 4 nghệ sĩ tên tuổi của làng cổ nhạc trong trích đoạn vở tuồng cải lương Hồ Quảng “Mạnh Lệ Quân”...Ban tổ chức đặt tên cho chương trình ca nhạc này là “Kiếp đỏ đen.”

“Kiếp đỏ đen” đã khai diễn xuất thứ nhất, lúc 6:30 chiều và xuất thứ nhì lúc 9:30 tối, Thứ Bảy, ngày 19 tháng 11 vừa qua, tại sòng bài Bicycle Casino, ở thành phố Bell Garden, nam California.

Một khách thường trực của sòng bài Bicycle cho hay, không biết có phải vì chương trình ca nhạc được tổ chức tại sòng bài, nên đã đặt tên cho chương trình là “Kiếp đỏ đen” hay không, nhưng: “Dù sao thì tên này cũng rất thích hợp với số người Việt chơi bài càng lúc càng gia tăng, ở miền nam tiểu bang Cali...” Nhân vật này, đã phát biểu như vậy.

TRIỂN LÃM HỘI HỌA, NHIẾP ẢNH CỦA 3 NGHỆ SĨ.

Cuối tuần qua, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, ở quận hạt Orange County, cuộc triển lãm tranh và ảnh nghệ thuật của ba nghệ sĩ Nguyễn Tường Quý, Lê Lâm và Phạm Thăng Bình đã diễn ra một cách tốt đẹp, với sự hiện diện của rất nhiều văn giới và, đại diện truyền thông, báo chí.

Được biết cuộc triển lãm cùng một lúc hai loại hình nghệ thuật, được sự bảo trợ của nhật báo Người Việt, nguyệt san Văn Hóa, Trẻ Magazine, bán nguyệt san Quán Văn, tuần báo Mai và Đan Chi Gallery.

CHƯƠNG TRÌNH CA NHẠC, HÀI HƯỚC: “CHUYỆN THƯỜNG TÌNH THẾ THÔI.”

Nhạc sĩ Minh Đức, trưởng ban nhạc The Keys cho biết, trung tâm The Keys Entertainment sẽ thực hiện một chương trình ca nhạc, hài hước tại hí viện La Mirada, ở miền nam tiểu bang California, vào lúc 6 giờ tối, Chủ Nhật, ngày 27 tháng 11 tới đây.

Nhân sự có mặt của nhạc sĩ Lê Quang, nổi tiếng hiện nay tại Việt Nam, Ban tổ chức đã chọn một trong những sáng tác phổ biến nhất của ông, để đặt tên chung cho cả chương trình - - Đó là ca khúc “Chuyện thường tình thế thôi.”

Trong chương trình ca nhạc, hài hước vừa kể, ngoài ca khúc “Chuyện thường tình thế thôi,” khán giả còn được thưởng thức một số ca khúc khác, cũng của Lê Quang, như “Đi về nơi xa,” “Chuyện của tôi,”...

Trừ ca sĩ Phương Hồng Quế thuộc hải ngoại, tất cả các ca sĩ tham dự chương này, đều đi ra từ trong nước, như Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đình Văn, Cam Thơ, Tuấn Khanh và; hai danh hài Bảo Chung, Tấn Hoàng.

Theo tiết lộ của nhạc sĩ Derek Phạm, người trình bày poster cho chương trình “Chuyện thường tình thế thôi” thì, dường như những người tổ chức, đã cố tình chơi...chữ - - Khi mà, show thứ nhất, cách đây chưa tới một tháng, họ đặt tên là “Chuyện lạ mùa thu” - - Với ngụ ý rằng, họ là những người đầu tiên, đem được ca sĩ Quang Dũng, ra hải ngoại. Và, show thứ hai, với ngụ ý, đại khái: “Có gì đâu. Đó cũng chỉ là một chuyện thường tình thôi mà...”

Nhạc sĩ Derek Phạm cho biết, như vậy.

CD “CHẲNG KHÁC GÌ NHAU” TIẾNG HÁT NGUYÊN KHANG.

Một trong những ca sĩ trẻ, đang được yêu thích nhất hải ngoại hiện nay, Nguyên Khang, cho biết, anh sắp hoàn tất một album mới, tiếng hát của anh - - Đó là đĩa nhạc có tên “Chẳng khác gì nhau.”

CD “Chẳng khác gì nhau,” tiếng hát Nguyên Khang, do trung tâm Asia tổng phát hành, dự trù sẽ gửi tới những người yêu mến tiếng hát Nguyên Kháng, vào trung tuần tháng 12 tới đây.

Được biết, trong CD “Chẳng khác gì nhau,” Nguyên Khang sẽ trình bày ba ca khúc ưng ý của nhạc sĩ Trúc Hồ. Đó là các ca khúc “Nhiều khi có tình yêu,” “Nhớ đến em,” và “Nếu không có em.”

Ngoài ra, Nguyên Khang cũng sẽ trình bày một sáng tác của nhạc sĩ Quốc Dũng (còn ở Việt Nam.) Đó là ca khúc “Cõi mộng.”

Vẫn theo Nguyên Khang thì ca khúc “Cõi mộng” của Quốc Dũng đã được một vài ca sĩ trong nước thu âm; nhưng với nhan đề khác.

Nguyên Khang nói: “Nguyên Khang đã đề nghị và được nhạc sĩ Quốc Dũng đồng ý để Nguyên Khang được dùng nhan đề đầu tiên mà chính Quốc Dũng đã chọn, đó là ‘Cõi mộng.’ Nguyên Khang thấy nhan đề này hợp với nội dung của ca khúc hơn bất cứ một nhan đề mới nào khác, thí dụ như ‘Khoảng cách’ chẳng hạn.”

NGỤY VŨ THỰC HIỆN NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH CHO SBTN.

Nghệ sĩ Ngụy Vũ, linh hồn của cuộc thi viết “Hành trình biển đông” trong nhiều tháng qua, đã góp phần kinh nghiệm, hiểu biết của anh về thuyền nhân trong chương trình chủ đề “Ba mươi năm nhìn lại” do hệ thống truyền hình 24/24 SBTN đề xướng.

Mới đây, Ngụy Vũ lại nhận thực hiện thêm cho đài này, lọat phóng sự đặc biệt liên quan tới sự thành hình của cộng đồng Người Việt ở miền nam California, nơi anh trải qua nhiều năm sinh sống và, tham dự hầu hết những sự kiện đáng ghi nhớ.

Ngụy Vũ xác nhận, những đóng góp của anh với hệ thống truyền hình sẽ chấm dứt vào cuối tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, anh nói thêm rằng: “Bước qua năm 2006, nếu còn cộng tác với SBTN, Ngụy Vũ sẽ có những chuyên đề khác, ra khỏi chủ đề “Ba mươi năm nhìn lại...”

RỪNG XANH LÁ ĐỎ.

Nhà sách Tự Lực ở thành phố Garden Grove, thuộc miền nam California, đã phát hành truyện dịch nhan đề “Rừng xanh lá đỏ” của tác giả Mặc Ngôn, Trung Hoa.

Theo lời giới thiệu thì dịch giả Trần Đình Hiến, người dịch tác phẩm vừa kể, từ nguyên tác “Hồng thụ lâm.”

“Mặc Ngôn đặc biệt nổi tiếng tại Việt Nam không những vì ông có lối viết rất tự nhiên một cách lôi cuốn mà v ì nội dung chúng rất giống với xã hội Việt Nam sau những cơn lốc của chiến tranh. Đây cũng là một truyện với những nhân vật sống động trong hoàn cảnh tương tự. Truyện kể một cô gái đẹp làng chài phải rời quê lên thành phố mưu sinh với bao nhiêu là cạm bẫy. Cạnh cô gái quê này còn có ba nhân vật lớn lên trong thời cải cách cùng những khó khăn khác...”

TỪ BI VÀ KẺ THÙ: TÁC PHẨM MỚI NHẤT CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA.

Dịch giả Phương Dung, một người được coi là có những am hiểu sâu rộng về Phật giáo Tây Tạng đã tuyển chọn những bài thuyết giảng hay nhất (theo ý cô,) của Đức Đạt Lai Lạt Ma, để chuyển dịch sang Việt ngữ, với nhan đề “Từ bi và kẻ thù.”

“Từ bi và kẻ thù” do Hồn Việt Publishing xuất bản, với một trích dẫn lời giảng cùa Đức Đạt lai lạt Ma, như sau: “Các cảm xúc của tâm sân hận thật là nguy hiểm, vì nó có thể đưa con người chúng ta vào các trạng thái hận thù, ác độc và cũng là nguyên do trực tiếp đưa dẫn chúng ta gây nên các hành động tác hại đến người khác. Đồng thời khi tâm sân giận làm chủ, nó có thể phá hủy đi lòng từ bi, khả năng thương yêu, bao dung, nhẫn nại và tha thứ của chúng ta. Cũng như vậy, trong mối tương quan và giao tiếp hàng ngày, khi gặp việc bất như ý khiến tâm chúng ta trở thành sân giận và chuyển sang những hành động có tính cách trả thù. Trường hợp đó thật là nguy hiểm vì tâm của chúng ta đã bị che phủ bởi bóng tối của vô minh và ta thực sự trở thành con người độc ác.”

Cần liên lạc với nhà xuất bản, xin qua địa chỉ: Hồn Việt Publishing, Pobox 609, Midway City, CA 92655-USA.

GS TRẦN LAM GIANG: HỌ HỒNG BÀNG VÀ DẤU TÍCH TRONG DÂN GIAN.

Vào lúc 2 giờ 30 trưa Chủ Nhật, ngày 13 tháng 11 vừa qua, tại trụ sở của Hội Việt Học, ở miền nam California, Giáo sư Trần Lam Giang đã có buổi thuyết trình đề tài “Họ Hồng Bàng và dấu vết trong dân gian.”

Là một học giả gần như chuyên về cổ sử Việt Nam, lại tinh thâm hán-Nôm, Giáo sư Trần Lam Giang đã khiến cử tọa say sưa với những phát hiện, dẫn chứng cụ thể về dấu tích của dòng họ Hồng Bàng, cội nguồn của dân tộc Việt, rải rác trong dân gian, giữa đời thường.

Giáo sư Trần Lam Giang là một trong vài thành viên sáng lập Thư Viện Việt Nam từ năm năm qua. Ông hiện cư ngụ tại tại thành phố Sacramento, miền bắc tiểu bang Cali.

NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG DỊCH TRUYỆN LINDA LÊ SANG VIỆT NGỮ.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã chuyển dịch một tác phẩm viết bằng ngoại ngữ của tác giả Việt, thuộc thế hệ thứ hai ở xứ người, là nhà văn nữ Linda Lê, sang Việt ngữ. Đó là cuốn truyện “Tiếng nói.”

Phát biểu về Linda Lê, một tác giả trẻ khác, nhà văn Đinh Linh viết: “Đã đến lúc độc giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức một tài năng rất hiếm có xuất phát từ đất Việt (Linda Lê.)”

Truyện “Tiếng nói,” bản dịch của Nguyễn Đăng Thường, do tạp chí Văn xuất bản.

Cần thêm chi tiết, xin liên lạc: vanmagazine@sbcglobal.net .

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG